Đánh giá lại quy mô nền kinh tế
GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, để đánh giá quy mô hoặc thành tựu kinh tế của một quốc gia. Chỉ tiêu này còn được dùng để đánh giá và phân tích sự thay đổi mức sống của dân cư như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người. Chỉ tiêu này là cơ sở cho việc lập các chiến lược phát triền kình tế dài hạn và kế hoạch tiền tệ; ngân sách ngắn hạn.
Ngoài ra, GDP còn thường được sử dụng để phân tích những biến động về sản lượng của một đất nước qua thời gian. Chỉ tiêu này cũng giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra những phân tích về tiêu dùng; đầu tư; tỷ giá hối đoái… dựa trên các mô hình kinh tế. Chính vì vậy mà đòi hỏi công tác thống kê phải thật chính xác; khoa học.
Việc đánh đánh giá lại quy mô GDP hiện có nhiều ý khác nhau.
Theo Tổng cục thống kê đánh giá lại quy mô GDP là cần thiết, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới.
Quy mô GDP theo số liệu mới vẫn được thực hiện theo phương phảp sản xuất, không phải cách tính mới, nhằm tính đúng, tính đủ...
Trong quá trình tính chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn và trong dài hạn. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ.
Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Đối với Việt Nam, đợt đánh giá lần này cũng không phải lần đầu cơ quan thống kê đánh giá lại quy mô nền kinh tế. Trước đó, năm 2013, Tổng cục Thống kê cũng tiến hành đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, khi đó GDP tăng khoảng 9%.
Năm đó, đơn vị này chỉ đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản; thay đổi phân ngành kinh tế từ hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.
Đánh giá lại quy mô GDP lần này sẽ quét hết ở tất cả các ngành, các lĩnh vực chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin.
Theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê, sau khi đánh giá lại, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng 25,4% mỗi năm, so với số liệu đã công bố trước đó.
Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD.
Theo Tổng cục Thống kê, có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP sau đánh giá lại, gồm: Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Duy nhất một nhóm làm giảm quy mô GDP do cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước.
GDP sau đánh giá lại tăng cao được Tổng cục Thống kê giải thích là do bổ sung 76.000 doanh nghiệp, những đơn vị trước đây chưa được tính toán vào quy mô nền kinh tế.
Tác động khi đánh giá lại GDP
Cơ quan Thống kê đã chỉ ra một số tác động khi đánh giá lại GDP với các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế:
Thứ nhất, nó sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng của GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Thứ hai, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.
Thứ ba, về mặt cơ cấu GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thuỷ sản.
Thứ tư, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhưng mức thay đổi không lớn.
Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư đia cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay Chính phủ. Nhưng khẳng định khả năng tác động là thấp vì thực tế việc thu ngân sách, thuế cũng như các tỷ lệ thu liên quan được quy định bởi văn bản pháp luật.
Cuối cùng, khi quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.