Việt Nam sẽ sớm bị đánh bật khỏi Top thế giới?

Việt Nam còn trong Top 20 được bao lâu? IMF dự báo đến năm 2024 Việt Nam sẽ rớt khỏi nhóm 20 động lực tăng trưởng thế giới. Đến năm 2030, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng hay suy thoái?
Sputnik

IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại

Như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trên nhiều phương diện, Việt Nam “được hưởng lợi” và là “ngôi sao đang lên”, “con rồng, con hổ mới của Châu Á” trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ- Trung ngày càng leo thang.

Trong khi nhiều quốc gia đang phải đau đầu tìm lối thoát cho sự sụt giảm của nền kinh tế cũng như những biến động mạnh đồng nội tệ như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia…thì Việt Nam vẫn đang duy trì mức tăng trưởng vô cùng ổn định.

Việt Nam không chỉ muốn kinh tế hóa rồng

Trước đó, Tổng Cục Thống kê đã công bố số liệu rất khả quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 6,98%, mức tăng cao nhất cùng thời kỳ trong suốt 9 năm qua. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).

Chuyển dịch cơ kinh tế Việt Nam đang khởi sắc tích cực. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam không còn quá lệ thuộc vào việc khai thác thô như: dầu thô, than đá hay xuất khẩu khoáng sản để đổi lấy tăng trưởng như những năm trước đây.

Tuy nhiên, mới đây, Bloomberg dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Việt Nam lọt vào Top 20 động lực tăng trưởng của thế giới năm 2019. Tuy nhiên, IMF cũng dự báo đến năm 2024, Việt Nam sẽ rời khỏi top 20 này. Nguyên do cho xu hướng này là gì?

IMF giảm dự báo tăng trưởng thực toàn cầu về mức 3% trong năm 2019. Theo đó, Việt Nam hiện tại đang đóng góp 1% vào tăng trưởng toàn cầu và dự kiến sẽ rời khỏi Top 20 này vào năm 2024 cùng với 3 nước phương Tây là Tây Ban Nha, Canada và Bồ Đào Nha.

Theo IMF, những thành viên sẽ thay thế đều là các nền kinh tế mới nổi - đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan, Ả Rập Saudi. Có thể thấy, giai đoạn 2019-2024 sẽ chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ về tăng trưởng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Vào năm 2024, IMF dự đoán tăng trưởng toàn toàn cầu sẽ đạt lên 3,6%. Nguyên nhân chính dẫn đến động lực tăng trưởng này lại đến từ các nền kinh tế mới nổi - đang phát triển chứ không phải là các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ, Đức hay Nhật.

Dù nằm trong nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, Việt Nam lại được IMF nhận định sẽ không thể tạo ra đột phá mà chỉ dậm chân tại chỗ về khả năng tăng trưởng trong suốt 5 năm tới, trong khi các quốc gia khác bứt lên nhanh chóng.

Việt Nam gây bất ngờ với thế giới: Sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân

Trong báo cáo được đưa ra trước đó, IMF đã nhận định tuy chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu trong năm 2018, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô nhờ thu nhập và tiêu dùng của nhóm trung lưu tăng ổn định, mùa màng thuận lợi cùng khu vực sản xuất phát triển mạnh. Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế để ký kết các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU (EVFTA), CPTPP thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất và tăng cường xuất khẩu.

Tuy nhiên, những “tồn tại” mà IMF chỉ ra là yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng trung hạn chính là những điều kiện bên ngoài như nhu cầu giảm, các vấn đề nội tại của Việt Nam như những rào cản trong môi trường kinh doanh, vai trò khu vực kinh tế Nhà nước, các quy định về ngân hàng - sở hữu và cho thuê bất động sản.

Có một điểm đáng chú ý là trong nhận định hồi tháng 7, IMF vẫn giả định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách tài khóa, tín dụng thắt chặt. Tuy nhiên, trong tháng trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại công bố quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành, tiếp nối xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra tại các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Việt Nam có khiến IMF phải đánh giá lại sức mạnh nền kinh tế?

Những số liệu tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam đã vượt kỳ vọng, khiến nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế (Citi Group, Maybank Kim Eng) phải nâng điều chỉnh dự báo cho năm 2019 lên mức 6,9%-7%.

Đặc biệt, trong buổi họp ngày 1.10 của Thường trực Tiểu ban Kinh tế- Xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, năm 2019, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng trên.

Việt Nam đã cho thế giới thấy sức trẻ của nền kinh tế

Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu Tổ biên tập cập nhật về tình hình thế giới ngày càng phức tạp, tác động đến trong nước và cho rằng yêu cầu Tổ Biên tập làm rõ các tác động này đối với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, dự thảo các báo cáo cần cập nhật tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, khả năng cả năm tăng trưởng từ 6,9 đến 7%.

Về đột phá chiến lược, Thủ tướng cho rằng, đột phá về thể chế vẫn là vấn đề cần thiết và tiếp tục phải thực hiện trong giai đoạn tới. Với phương án đề xuất bổ sung thêm đột phá chiến lược thì phải có lý giải cụ thể, nêu được tác động của các yếu tố mới đối với sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, đột phá trong cách nghĩ, cách làm.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019, giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì mức khá cao, khoảng 7%. GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 4.500 USD năm 2025. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ khó có thể duy trì trong các năm tiếp theo khi “động lực cũ đã tới hạn”. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2026-2030 sẽ chỉ còn 6,5%/năm.

Ngoài ra, xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại đều được dự báo sẽ thấp hơn so với giai đoạn 2021-2025 do nhiều rủi ro và rào cản tăng trưởng ngày càng hiện hữu. Như nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với xu hướng tăng trưởng chậm của lao động do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, tốc độ tăng dân số ngày càng thấp. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ theo đà giảm, tốc độ tăng lực lượng lao động sẽ chậm lại.

Tuy nhiên, Nhịp cầu Đầu tư dẫn phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt khẳng định, trong các năm qua, thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường cao hơn dự báo thận trọng của các tổ chức kinh tế - tài chính lớn như World Bank, IMF (dự báo tăng 6,5%) và ADB (dự báo tăng 6,7%).

Khát vọng thịnh vượng và đánh giá bất ngờ về nền kinh tế Việt Nam

Bên cạnh đó, sau một thập kỷ, Việt Nam đã khẳng định vị thế và khiến thế giới phải bất ngờ vì là nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kịch bản tích cực này có thể lặp lại một lần nữa trong năm 2019 và họ cũng tin rằng tăng trưởng GDP năm 2019 đạt trên 6,8% và đánh giá dư địa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sáng sủa, khả năng cao vẫn duy trì trên ngưỡng 6,5%.

Nắm được xu hướng chung, hiểu được những diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tìm các động lực tăng trưởng mới từ cả khối FDI và kinh tế tư nhân. Do đó, hãy cùng kỳ vọng IMF sẽ có các điều chỉnh khác tích cực hơn cho kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay tăng trưởng?

Bình luận về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tỏ ra vô cùng lạc quan. Theo ông, gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích khích lệ nhờ hàng loạt chính sách và cải cách được thực hiện từ năm 2011 - 2012. Đó là kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, tăng trưởng phục hồi, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Việt Nam là tấm gương ví dụ cho ASEAN, không chỉ trong chính trị, mà cả về kinh tế

Việt Nam tiếp tục chính sách hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do có mô lớn như CPTPP, EVFTA hay AEC. Đồng thời, Nhà nước cũng thúc đẩy nhiều đổi mới sáng tạo, khuyến khích cộng đồng start-up phát triển. Với nền tảng ổn định hơn, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt khá cao: trung bình hơn 6,5%, riêng năm 2019 có thể ở mức 6,8 - 7% và đưa Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

U.S. News & World Report mới đây cho hay, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm ngoái lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện, giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai. Việt Nam đang thể hiện hướng đi đúng đắn để lọt vào top các nước có thu nhập trung bình cao và năm 2030 hay theo kịp các quốc gia có thu nhập cao OECD vào năm 2045.

Việt Nam đang chiếm thế thượng phong trên nhiều khía cạnh và là điểm nóng của dòng vốn đầu tư quốc tế nếu so với các quốc gia trong khu vực. Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) nhận định, khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng kinh tế chung trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018.

“Chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế như Singapore, Thái Lan và Philippines tăng trưởng giảm sút do xuất khẩu chậm lại đã đè nặng lên tăng trưởng”, ICAEW đánh giá.

Tại sao Việt Nam cần phải đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao?
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng có những dấu hiệu vô cùng lạc quan như sự chuyển động chính sách và cải cách với sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng hồi phục tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng. Mức tăng trưởng kinh tế kế hoạch năm 2016 - 2020 là trên 6,5%, ổn định kinh tế vĩ mô 5 năm gần đây tốt, dự trữ ngoại tệ trên 72 tỷ USD, thâm hụt ngân sách dưới 3,6%, lạm phát năm 2019 dưới 4%.

“Nhà đầu tư chơi với Việt Nam sẽ dễ dàng chơi với thế giới, vì chúng ta có 16 hiệp định tự do thương mại (FTA). Không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân, mà đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư có thể chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới, với yếu tố lợi thế hạ tầng, nhân lực, đặc biệt sự nhất quán của chính sách”, TS. Võ Trí Thành nhận định với NCĐT.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cảnh giác trước nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao cũng sẽ mang đến những thách lớn khó lường.

Nhìn chung, cơ hội để kinh tế Việt Năm tăng tốc trong 10 năm tới là lạc quan nếu Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được xu thế chuyển mình của thế giới, đi kèm tận dụng năng lực nội tại.

“Các doanh nghiệp muốn thành công phải nhìn ra xu thế của thế giới, biết tận dụng lợi thế, sáng tạo, gia tăng năng lực kết nối và quan tâm đến quản trị rủi ro”, TS. Võ Trí Thành chốt lại.
Thảo luận