Việt Nam xuất siêu đạt kỷ lục: Đánh mạnh vào thị trường EU

Việt Nam đang bùng nổ về kinh tế. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây là mức thặng dư thương mại cao nhất mà Hà Nội đạt được từ trước đến nay.
Sputnik

Việt Nam xuất siêu đạt kỷ lục

Theo dữ liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng giá trị xuất nhập khẩu nửa cuối tháng 10 đạt 24,7 tỷ USD, tăng 3,74 tỷ USD so với 15 ngày đầu tháng. Nhờ đó, tính đến hết tháng 10.2019, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 218,82 tỷ USD, tăng 8,3%, tương ứng tăng 16,7 tỷ USD so với 10 tháng năm 2018.  Giá trị nhập khẩu khoảng 209,8 tỷ USD. Theo đó, tính hết tháng 10, Việt Nam xuất siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây là mức thặng dư thương mại cao nhất mà Hà Nội đạt được từ trước đến nay.

Federica Mogherini: Việt Nam là đối tác hàng đầu của EU tại khu vực

Với thành tựu đáng mừng này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện vượt mục tiêu tăng trưởng 7-8% đề ra.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 149,83 tỷ USD, tăng 4,8% (tương ứng tăng 6,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may.

Về nhập khẩu, giá trị của các doanh nghiệp FDI đạt 121,3 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chiếm gần 58% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Nửa cuối tháng 10, các nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 253 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 250 triệu USD, than các loại tăng 115 triệu USD, ngô tăng 91 triệu USD.

Trước đó, kế hoạch được Bộ Công thương đề ra là đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 261-262 tỷ USD (tương đương tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018).

Theo nhận định của các Bộ, ban, ngành và các chuyên gia, mục tiêu này được cho là tương đối khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, gian lận, các rào cản thương mại, xuất xứ hàng hóa, thiên tai, dịch bệnh.

Theo đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra thì những tháng còn lại Việt Nam cần xuất đạt 23,2-23,4 tỷ USD. Đây vẫn được xem là tương đối cao trong bối cảnh những khó khăn chung đối với các nền kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đã bị giảm kim ngạch như gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh, giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường. Ngoài ra, nhiều mặt hàng chủ lực như điện thoại, thủy sản, rau, quả cũng đang bị giảm kim ngạch.

Hôm nay Việt Nam và EU ký hiệp định thương mại

Tuy nhiên, ngoài những khó khăn, thách thức đã được tiên liệu trước, tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu tích cực.

Bộ Công thương cho biết, tăng trưởng xuất khẩu đang tăng dần sau mỗi quý, sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I và quý II năm 2019, sang quý III tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2019 tăng đến 8,3% so với cùng năm 2018.

Mức tăng trưởng này cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu tăng 7%- 8% trong năm nay, cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Bên cạnh đó, theo đúng chu kỳ, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nông, thủy sản…thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ ngày lễ tết tăng cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là đang tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, cần phải kể đến thông tin vui vừa qua, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc và vươn lên thứ hạng số 67. Điều này cho thấy nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đi đúng hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trưởng kim ngạch.

Việt Nam xuất siêu mạnh vào thị trường EU

Đại sứ Việt Nam tại EU: “EVFTA có thể được phê chuẩn vào cuối năm nay”
Chia sẻ với báo giới chiều ngày 19.11 tại TP.HCM, Tân Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhận định rằng, Việt Nam hiện đang xuất siêu rất mạnh vào EU nên không cần quá quan ngại khi gia nhập EVFTA.

“Tôi không lo ngại về năng lực của Việt Nam trong xuất khẩu ra toàn cầu. Việt Nam đang xuất khẩu tốt vào EU. Trong vòng 10 năm nữa, chúng ta sẽ thấy một Việt Nam rất khác, về năng lực cạnh tranh”, VnExpress trích bình luận của Tân Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết.

Đã từng tồn tại những lo ngại rằng khi tham gia Hiệp định tự do thương mại Việt Nam- EU (EVFTA), 99% dòng thuế được gỡ bỏ theo lộ trình, hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó khăn để cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa châu Âu và do đó sẽ nhanh chóng nhập siêu từ thi trường này.

“Nói cần làm gì tốt hơn thì thực tế Việt Nam đang xuất siêu vào EU nên các bạn biết cách nào để làm tốt chứ không phải là không”, Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định.

Số liệu của Tổng Cục hải quan cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào 28 nước Liên minh châu Âu (EU) là 30,89 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này là 10,84 tỷ USD, tăng 8,6%.

Với EVFTA: EU và Việt Nam hướng tới những gì?

Hiện tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đang chờ Nghị viện châu Âu thông qua, còn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU- Việt Nam (EVIPA) vẫn cần các nước thành viên EU phê chuẩn.

EVFTA: Tạo uy tín cho hàng Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia, nếu EVFTA được ký kết, sẽ có những điều khoản về bảo hộ quy định cụ thể các lĩnh vực Việt Nam dễ bị tổn thương như 99% dòng thuế được tự do hóa nhưng có lộ trình khác nhau giữa châu Âu và Việt Nam. Theo đó, EU có 7 năm để mở hoàn toàn nhưng Việt Nam được cho phép đến 10 năm. Do đó, theo Tân Đại sứ EU, Việt Nam sẽ có thêm thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của mình.

Vị chuyên gia qua đó cũng nhấn mạnh Việt Nam nên tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực và tìm kiếm cơ hội đầu tư, xuất khẩu một cách tích cực. Theo ông Aliberti , đối với các mặt hàng nông sản là lợi thế của Việt Nam thì các cơ quan ban ngành và đơn vị sản xuất phải hướng đến tính hữu cơ, bền vững, tránh sử dụng các hoạt chất cấm.

“Việt Nam có sản phẩm thế mạnh là cà phê và rất cần cải thiện thêm chất lượng. Do đó, hãy tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu về cà phê và tạo ra những sản phẩm tốt hơn nữa khi xuất khẩu vào EU”, Đại sứ Aliberti nêu rõ.

Hiện tại, EU đang quan tâm đến xuất khẩu các sản phẩm máy móc, ôtô, dược phẩm vào Việt Nam. Ở lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng và bảo hiểm được đánh giá là nhiều tiềm năng. Tân đại sứ EU phân tích, Việt Nam đang bùng nổ về kinh tế. Trong tương lai, những sản phẩm công nghệ sẽ rất cần thiết cho sự phát triển tại đây. Những người có mức thu nhập trung bình khá đang gia tăng, với quy mô từ 12 triệu người có thể gia tăng lên 35-40 triệu người trong tương lai.

“Đây là lượng khách hàng tiềm năng cho phát triển lĩnh vực dịch vụ của EU. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư của các doanh nghiệp EU. Đó chính là một môi trường bình đẳng, không phân biệt đối xử, không có sự bảo hộ”, Đại sứ chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, không chỉ giao thương và đầu tư đơn thuần, quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam trong thời gian tới có nhiều triển vọng trong lĩnh vực kinh tế xanh và kinh tế số.

Với EVFTA, Việt Nam sẽ là "thiên đường" cho các nhà đầu tư quốc tế

Đặc biệt, kinh tế xanh, phát triển bền vững được Đại sứ Aliberti nhấn mạnh là hướng đi mà Hà Nội phải chú trọng. Việt Nam đã đưa ra những cam kết tại COP21 Paris về giảm phát thải khí CO2 mức 8% trong giai đoạn tới 2030 và 25% nếu có sự giúp đỡ của quốc tế. Do đó, phát triển kinh tế xanh, với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và sạch hơn, được ông Aliberti đánh giá là nội dung hợp tác rất quan trọng.

“Chúng ta đã và đang sử dụng năng lượng than. Đó là nguồn năng lượng không sạch. Người dân toàn cầu đang kêu gọi việc chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn, thay cho than. Đây là nội dung rất quan trọng mà chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Chúng tôi có những khoản viện trợ không hoàn lại để Việt Nam cải thiện lĩnh vực này. Năm 2018, chúng tôi đã có một khoản viện trợ lớn. Năm 2019 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và cách sử dụng năng lượng, tức năng lượng sạch hơn và dùng ít năng lượng hơn”, vị đại sứ cho biết. Hiện tại, hai bên đã thiết lập các kênh đối thoại chính sách để có được những thúc đẩy về chính sách, giúp đạt được cam kết của COP21 Paris về giảm phát thải khí CO2.

Theo Đại sứ Aliberti EU có nhiều kinh nghiệm để hợp tác, giúp Việt Nam tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số.

“Hãy nhìn vào tương lai, với trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0... có thể giúp tạo ra môi trường thuận lợi như thế nào để người dân, doanh nghiệp sáng tạo, đưa ra phát kiến mới. Chúng tôi cũng có những công nghệ hiện đại, tiên tiến, có thể chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức”, ông cho biết.

Tất nhiên, phát triển kinh tế số tại bất kỳ đâu cũng đi cùng thách thức và không thể có những giải pháp đơn nhất, phù hợp cho tất cả. Tại Mỹ, Thung lũng Silicon là nơi có môi trường thuận lợi để phát triển công nghệ. Các nước thành viên EU cũng tương tự, hình thành những môi trường để tạo ra những thay đổi về nhận thức, tư duy, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp sáng tạo.

“Sẽ có những thách thức, như vấn đề kiểm soát thuế chẳng hạn. Nhưng nó là một vấn đề trong tổ hợp nhiều vấn đề đan cài với nhau, không thể xử lý riêng rẽ. Do đó, muốn hướng đến thành công thì phải xử lý đồng thời được nhiều thách thức. Vấn đề quan trọng là tạo ra được môi trường thuận lợi để sáng tạo. Những ý tưởng sáng tạo không thể đi mua mà phải từ những môi trường thúc đẩy người trẻ muốn phát huy tài năng. Tôi thấy Việt Nam có nhiều người trẻ đam mê công nghệ. Hãy tạo ra những cơ chế chính sách để thúc đẩy nguyện vọng của họ và giải quyết những vấn đề đang tồn đọng”, tân Đại sứ EU tại Việt Nam nhấn mạnh.
Thảo luận