Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng: Hà Nội duy trì chiến lược tự vệ

Việt Nam vừa công bố Sách trắng Quốc phòng 2019, công khai đường lối chính sách quân sự với toàn thế giới. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, Việt Nam tôn trọng sự hợp tác, cạnh tranh của các nước nhưng sẽ đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình.
Sputnik

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định những quan điểm cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Sách trắng Quốc phòng 2019: Việt Nam duy trì chính sách tự vệ và hòa bình

Chiều 25.11 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành công bố Sách trắng Quốc phòng 2019. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự và chủ trì buổi lễ quan trọng này.

Bộ Quốc phòng Việt Nam rút kinh nghiệm công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thành phần tham dự lễ công bố còn có đại biểu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, đại biểu Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội, cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước, quốc tế.

Phát biểu tại lễ công bố, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng đã tóm tắt những nội dung cơ bản của Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019.

Theo đó, tiếp sau Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn “tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ”, nêu rõ những thách thức của quốc phòng Việt Nam cũng như những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng, cơ chế lãnh đạo và quản lý quốc phòng, cơ cấu của Bộ Quốc phòng, tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ (DQTV), quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước. Sách trắng Quốc phòng cũng đồng thời thể hiện sự minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng của Việt Nam.

“Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 góp phần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, là tài liệu quan trọng để nâng cao hiểu biết về quốc phòng của đất nước cho công dân Việt Nam, góp phần làm cho mọi cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội hiểu rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình trong tham gia công cuộc củng cố quốc phòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nhân loại”, theo cổng thông tin Bộ Quốc phòng cho biết

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 lưu hành bằng 2 ngôn ngữ, gồm tiếng Việt và tiếng Anh, với bố cục 3 phần:

Phần thứ nhất gồm 2 nội dung: Bối cảnh chiến lược và Chính sách quốc phòng. Phần này tập trung khái quát tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam; chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam; chính sách quốc phòng Việt Nam; hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; đấu tranh quốc phòng.

Phần thứ hai đề cập đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân gồm 4 nội dung: Xây dựng tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; lãnh đạo, quản lý quốc phòng.

Phần này tập trung phản ánh các nội dung như: Xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần; xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng tiềm lực khoa học-công nghệ; xây dựng tiềm lực quân sự; xây dựng lực lượng toàn dân; xây dựng Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh; xây dựng quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quốc phòng; sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN); quản lý Nhà nước về quốc phòng.

Việt Nam sẵn sàng các phương án cao nhất để bảo vệ chủ quyền Biển Đông

Phần thứ 3 có tên gọi “Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ” gồm các nội dung: Truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam; Lịch sử hình thành và phát triển Quân đội Nhân dân Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội Việt Nam. Bên cạnh đó còn có lịch sử hình thành và phát triển Dân quân tự vệ, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Dân quân tự vệ và phương hướng xây dựng lực lượng này.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện quan điểm, đánh giá, dự báo về tình hình thế giới, khu vực và trong nước có liên quan đến quốc phòng Việt Nam; cung cấp những vấn đề cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam, sự phát triển về tổ chức, trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ.

Thông tin trong sách thể hiện chủ trương minh bạch hóa về chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước Việt Nam để tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa Quân đội và nhân dân Việt Nam với quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập quốc tế về quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

Quốc phòng Việt Nam: Hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự

Trước tình hình an ninh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tác động to lớn đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của Đảng, Nhà nước Việt Nam; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng khẳng định chủ trương củng cố và phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng răn đe và đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam

Trong tương lai, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục được đầu tư các nguồn lực cần thiết để làm nòng cốt cho nền quốc phòng toàn dân, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia-dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; tìm kiếm giải pháp lâu dài để giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Việc xuất bản Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tái củng cố lập trường về chính sách “ba không” của Việt Nam:

“Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định những quan điểm cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, Thứ trưởng Vịnh nhấn mạnh.
“Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 xác định rõ quan điểm của Việt Nam trong đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đó là: Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thông lệ quốc tế; và sẽ sử dụng mọi biên pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp quốc phòng và Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.

Theo Sách trắng, quốc phòng Việt Nam được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhưng không chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%... 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36%.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tuỳ theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng giới thiệu Sách ảnh Quốc phòng Việt Nam 2019 được phát hành kèm theo Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, gồm 17 nội dung. Trong đó, tập trung phản ánh về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,sự giúp đỡ của các nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế (1949-1989) và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1989), Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, tác chiến không gian mạng và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước khi làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức này

Ngoài ra, theo cổng thông tin Bộ Quốc phòng cũng cho biết, đại diện Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã giới thiệu công tác chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Bộ Quốc phòng. Theo đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2018-2020, tập trung vào một số hoạt động chính như sau: Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp); Hội nghị Tư lệnh lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM); duyệt binh hàng hải quốc tế; diễn tập hải quân đa phương ASEAN lần 2; Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN; Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); Lễ kỷ niệm 10 năm ADMM.

Dự kiến sẽ có 5 Cuộc gặp Không chính thức trong năm 2020 (với các nước Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia); tổ chức Triển lãm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam bên lề Hội nghị ADMM+.

Đại diện Cục Tuyên huấn cũng giới thiệu các hoạt động của Bộ Quốc phòng trong nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trong đó có các sự kiện quốc tế về gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc, các sự kiện quốc tế về lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, diễn đàn An ninh môi trường Thái Bình Dương (PESF).

Vì sao sau 10 năm Việt Nam mới lại công bố Sách trắng Quốc phòng?

Lý giải nguyên nhân vì sao phải 10 năm mới lại công bố Sách trắng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 đến nay chưa lạc hậu, các chính sách chiến lược cũng cần có thời gian để được kiểm nghiệm. “Sau 10 năm, sự nghiệp xây dựng quân đội, quốc phòng có bước phát triển mới, bối cảnh chiến lược có thay đổi nên cần có Sách trắng Quốc phòng mới”, VnExpress dẫn lời tướng Vịnh thông tin.

Kỷ niệm Ngày Người bảo vệ Tổ quốc tại Hà Nội

Trong lịch sử, Việt Nam đã từng có 3 lần công bố Sách trắng Quốc phòng. Năm 1998, Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố sách trắng quốc phòng Việt Nam lần thứ nhất mang tên “Việt Nam củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2004, Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố sách trắng quốc phòng Việt Nam lần thứ hai mang tên “Quốc phòng Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XXI”. Năm 2009, Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố sách trắng quốc phòng Việt Nam lần thứ ba mang tên “Quốc phòng Việt Nam năm 2009”.

Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, mục đích và ý nghĩa của Sách trắng Quốc phòng nhằm minh bạch hóa chính sách quốc phòng, xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới. Đây là tài liệu để toàn xã hội, nhất là lớp thanh niên trẻ tiếp cận được với đường lối của Đảng trong xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập những vấn đề mới trong bối cảnh chiến lược, những thách thức, bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự, xây dựng quân đội phù hợp yêu cầu mới, trình độ hiện đại hóa. Theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, những nột dung cốt lõi trong lần công bố Sách trắng Quốc phòng lần này không thay đổi so với 2009.

“Sách trắng lần này không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện sự minh bạch của Quốc phòng Việt Nam. Vũ khí của Việt Nam vừa đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định và cho biết thêm, tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hiện nay đã nhiều hơn trước, chứng tỏ sự tự lực của Việt Nam trong vũ khí những năm qua.

Về cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay, Việt Nam nhìn nhận sự hợp tác, cạnh tranh của các nước lớn là tất yếu, không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ lâu. Việt Nam mong muốn sự cạnh tranh giữa các nước lớn phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo hoà bình, an ninh khu vực, không tạo ra bất bình đẳng giữa nước lớn với nước nhỏ, không phương hại đến lợi ích của Việt Nam.

“Việt Nam tôn trọng sự hợp tác, cạnh tranh của các nước, nhưng sẽ đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình”, ông Vịnh khẳng định.

Theo vị quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng, Việt Nam không có ý định lãnh đạo ASEAN mà chỉ tham gia tích cực, chủ động, mục tiêu vì hoà bình, an ninh, hợp tác.

Thảo luận