Việt Nam có đủ thực lực để thực hiện được chính sách quốc phòng “3 không”?

Hôm 25/11, tại Hà Nội, Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng 2019, công khai đường lối chính sách quân sự với toàn thế giới. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, Việt Nam tôn trọng sự hợp tác, cạnh tranh của các nước nhưng sẽ đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình.
Sputnik

Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng vào thời điểm này nhằm mục đích gì? Sách trắng Quốc phòng lần này có điểm gì mới? Liệu Việt Nam có đủ tiềm lực để thực hiện chính sách “ba không” (Không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác).

Sputnik xin đưa ra một số phân tích về những vấn đề nói trên.

Vì sao Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng vào thời điểm này?

Trong vòng 21 năm qua, Việt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng của mình 4 lần, vào các năm 1998, 2004, 2009 và 2019. Tức là, Sách trắng Quốc phòng lần này xuất hiện sau 10 năm. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam là văn kiện chính trị-quốc phòng đặc biệt quan trọng do Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố công khai, minh bạch về những vấn đề cơ bản của chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. Tình hình quốc tế cũng có nhiều thay đổi, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cũng như đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh của nhà nước Việt Nam. Do đó, việc ban hành một “Sách trắng Quốc phòng” mới thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Nhà nước Việt Nam về lĩnh vực quốc phòng-an ninh thích ứng với tình hình mới là điều cần thiết.

Việt Nam có đủ thực lực để thực hiện được chính sách quốc phòng “3 không”?

Cũng phải nhắc tới một sự kiện đáng chú ý, trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời là Chủ tịch luân phiên của cơ chế hợp tác quốc phòng Đông Nam Á (ADMM) cũng như cơ chế hợp tác quốc phòng Đông Nam Á mở rộng (ADMM+) và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Do đó, Việt Nam đã công khai, minh bạch chính sách quốc phòng của mình với khu vực và thế giới, tiếp tục xây dựng sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam, cũng như khẳng định chính sách đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ, vì hòa bình, ổn định và phát triển, khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, việc công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng có ý nghĩa khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ nhiệm lần thứ 75 ngày thành lập.

Những điểm gì khác biệt với Sách trắng lần trước, cách đây 10 năm?

 Điểm khác biệt đầu tiên giữa “Sách trắng Quốc phòng năm 2019” với các sách trắng quốc phòng trước đó là ở tên gọi. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 1998 có tên gọi là “Việt Nam – củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ Quốc”. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2004 có tên gọi là “Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI”. Còn Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009 có tên là “Quốc phòng Việt Nam”. Còn năm nay nó có tên là “Quốc Phòng Việt Nam 2019” (“2019 Vietnam National Defence”). Đây không chỉ đơn giản là thay đổi tên gọi mà còn là thay đổi về bố cục và nội dung và các tài liệu kèm theo.

Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng: Hà Nội duy trì chiến lược tự vệ

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 1998 ngoài lời nói đầu và kết luận, sách gồm 3 phần chính và không có phụ lục kèm theo. Sách trắng Quốc phòng Việt nam năm 2004 không kết luận, nhưng gồm Lời nói đầu, 3 phần chính và 3 phụ lục kèm theo. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009 ngoài lời mở đầu, kết luận gồm 3 phần chính và 11 phụ lục.

Sách trắng “Quốc phòng Việt Nam 2019” về cơ bản có bố cục tương tự như Sách trắng “Quốc phòng Việt Nam” 2009, nhưng thay cho phần phụ lục là “Sách ảnh Quốc phòng Việt Nam 2019”.

Sách ảnh “Quốc phòng Việt Nam” được biên tập và in riêng. Nó giới thiệu toàn bộ lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, nhấn mạnh tới các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế (1949-1989) và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1989); Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; Quân đội Nhân dân Việt Nam với nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng; tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh; tác chiến không gian mạng và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời nhiều hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện quân sự, các hoạt động kinh tế-quốc phòng và một số vũ khí khí tài hiện đại cũng được giới thiệu trong sách ảnh này. Đây là điểm mới đầu tiên đáng chú ý đối với bộ sách trắng “Quốc phòng Việt Nam 2019.

Bộ Quốc phòng Việt Nam rút kinh nghiệm công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo

Điểm mới đáng chú ý nhất là ở mục “Bối cảnh chiến lược và Chính sách quốc phòng”. Trong đó, có nhiều thông tin phân tích, đánh giá về tình hình an ninh thế giới với nhiều chuyển biến nhanh chóng trong 10 năm qua. Nội dung phần này không chỉ đưa ra sự phân tích và đánh giá mà còn có nhiều thông tin dự báo về tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, đồng thời đề ra các chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam; chính sách quốc phòng Việt Nam; hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; đấu tranh quốc phòng v.v…

Phần thứ hai có nội dung tương tư như Sách trắng Quốc phòng 2009 nhưng có đề cập đến những điểm mới như “xây dựng thế trận lòng dân” đồng thời nhấn mạnh đặc biệt đến sự liên quan mật thiết giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh, xây dựng quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Phần thứ hai cũng đề cập đến những điểm mới trong việc xây dựng quân đội trên lĩnh vực tinh thần không chỉ về chính trị-tư tưởng mà còn cả về văn hóa-xã hội; đặc biệt là văn hóa quân sự.

Phần thứ ba không chỉ đề cập đến việc tổ chức, xây dựng Quân đội Nhân dân và Dân quân Tự vệ (như đã có trong Sách trắng “Quốc phòng Việt Nam” 2009) mà còn đề cập đến lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân và Dân quân Tự vệ, nhấn mạnh yếu tố truyền thống đánh giặc giữ nước và tham gia xây dựng hòa bình của hai lực lượng này.

Sách trắng “Quốc phòng Việt Nam” vẫn kiên trì quan điểm chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam “sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm”. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm như một số hãng thông tấn và báo chí Mỹ và phương Tây suy diễn xuyên tạc lời nói của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Vì sao Sách trắng Quốc phòng 2019 không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam?

 Trước đây, cả trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam cũng như trong các cuộc biểu dương lực lượng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn như Quốc khánh 2-9, kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12 .v.v…  Việt Nam không chủ trương “khoe vũ khí”, mà chỉ chủ trương biểu dương sức mạnh đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc với Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân làm nòng cốt. Đó là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Thực ra, trong hơn 20 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại cũng như tự mình sản xuất một phần vũ khí, khí tài để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và tăng cường tiềm lực khoa học quân sự và kỹ thuật công nghệ quốc phòng. Sự kiềm chế và khiêm tốn này đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để công kích vào niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với Quân đội của mình.

Việt Nam sẵn sàng các phương án cao nhất để bảo vệ chủ quyền Biển Đông

Chính vì vậy, việc giới thiệu trước thế giới một số trang bị vũ khí, khí tài hiện đại mà Việt Nam đang sở hữu, thậm chí là đang chế tạo góp phần làm tăng thêm uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong con mắt của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, góp phần đập tan những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc rằng Quân đội Việt Nam không đủ lực lượng để bảo vệ Tổ Quốc, Quân đội Việt Nam đang suy yếu .v.v... Mặc khác, việc giới thiệu đó cũng là một sự “răn đe”, cảnh báo đối với những thế lực bên ngoài đang muốn bằng cách này hay cách khác, xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa cuộc sống hòa bình, ổn định để phát triển và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Cuối cùng, “màn giới thiệu” đó cũng hướng tới toàn thể nhân dân Việt Nam và người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam có đủ tiềm lực để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền toàn vạn lãnh thổ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trận tự an toàn xã hội.

 Việt Nam có đủ thực lực để thực hiện được chính sách quốc phòng “3 không”?

Quan điểm quân sự-quốc phòng của Việt Nam hoàn toàn không phải là quan điểm quân sự thuần túy, lại càng không phải là quan điểm độc tôn vũ khí luận. Bên cạnh thực lực về vũ khí, khí tài và kỹ thuật quân sự kể trên, Việt Nam còn có một vài thứ vũ khí tiềm năng có sức mạnh vô địch, đủ để đánh bại bất kỳ một thế lực ngoại bang xâm lược nào.

Trước hết, đó là thế trận “Chiến tranh Nhân dân” đã, đang và sẽ còn được xây dựng. Trong thế trận ấy, mỗi người dân đều là một chiến sĩ bảo vệ Tổ Quốc khi đất nước bị xâm lăng, lợi ích quốc gia trên lãnh thổ bị xâm phạm. Trong thế trận ấy, Quân đội Nhân dân làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Công an Nhân dân và Dân quân tự vệ, có chính nghĩa bảo vệ Tổ Quốc, có lý tưởng xây dựng đất nước, bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc cho nhân dân, có chiến thuật, chiến lược khôn khéo, hợp lý, biết tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu.v.v... Khi đó, những vũ khí, khí tài phương tiện quân sự hiện đại sẽ được phát huy gấp bội sức mạnh của chúng. Thực tế, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam trước đây đã chứng minh, sức mạnh của ‘Chiến tranh Nhân dân” với đội quân “Chân trần chí thép” là vô địch.

Vũ khí quan trọng nữa là hiệp đồng tác chiến. Thực tế những năm đầu thế kỷ XXI đã chứng minh nhiều quân đội được trang bị rất hiện đại nhưng mau chóng tan vỡ vì không có sự đoàn kết, hiệp đồng trong tác chiến, để kẻ địch chia cắt và bẻ đũa từng chiếc. Ngược lại, Quân đội Nhân dân Việt Nam không chỉ đã được trang bị nhiều vũ khí khí tài hiện đại mà còn biết hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân binh chủng, giữa các lực lượng để tạo nên những thế trận để chuyển hóa từ phòng tránh sang đánh trả, từ đánh trả sang phản công đánh bại đối phương. Điều đó được chứng minh qua các hoạt động huấn luyện quân sự các cấp mà truyền thông Việt Nam đã đưa tin với mật độ lớn trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam

Và cuối cùng, lý giải cho việc Việt Nam vẫn tự tin thực hiện chính sách quan hệ đối ngoại quốc phòng “ba không” chỉ có một từ thích hợp nhất là “ĐOÀN KẾT”. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc ở thế kỷ XX, Việt Nam không chỉ cũng cố vững chắc khối “ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC” có sức mạnh to lớn chống lại bất cứ một thế lực ngoại bang xâm lược nào mà còn có khối “ĐẠI ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ”, tạo nên một sức mạnh còn to lớn gấp bội để bảo vệ chủ quyền, độc lập, mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước mình và cho thế giới. Sự đoàn kết ấy có sức mạnh to lớn gấp nhiều lần so với một liên minh quân sự.

Vì vậy, đánh giá về tiềm lực quân sự-quốc phòng của Việt Nam để bảo vệ Tổ Quốc thì cần phải đánh giá trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh như tổ chức xã hội, tổ chức quân đội, ý chí của người dân, ý chí của người lính, sự lãnh đạo chính trị tư tưởng và niefm tin vào sự lãnh đạo ấy, tư thế chính nghĩa của người dân và người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ Quốc, mối quan hệ đoàn kết dân tộc cũng như đoàn kết quốc tế.v.v… chứ không chỉ nhìn vào sự so sánh binh lực, hỏa lực, vũ khí, khí tài.

Lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của người Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại cho thấy, mọi thức vũ khí đều không phải là yếu tố quyết định kết quả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc mà chính “CON NGƯỜI” mới là yếu tố quyết định tối hậu.

Việt Nam đang tự tin thực hiện chính sách quốc phòng “3 không”.

Thảo luận