Cảnh sát tỉnh Hyogo, Nhật Bản: Nhà sư Việt Nam bị cáo buộc kết hôn giả
Ngày 28.11, Đài NHK của Nhật Bản đưa tin cho biết, nguồn tin từ Phòng Chống tội phạm thuộc sở Cảnh sát tỉnh Hyogo, xác nhận, lực lượng chức năng đã bắt giữ một nhà sư Việt Nam và một người phụ nữ với cáo buộc nghi ngờ hai người nộp đơn đăng ký kết hôn giả, tạo điều kiện cho vị Sư thầy có tư cách pháp lý định cư lâu dài ở Nhật Bản.
NHK cho hay, đối tượng bị cảnh sát tỉnh Hyogo bắt giữ có tên là Nguyen Van Nam, 42 tuổi, bị cáo buộc vi phạm Luật quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú của Nhật Bản. Cụ thể, nhà sư này bị cơ quan điều tra nghi ngờ tiến hành đăng ký kết hôn giả từ hồi tháng 3 năm 2019 với một phụ nữ Việt Nam có tư cách “vĩnh trú” ở Nhật Bản.
Trong khi đó, thực chất, người phụ nữ này trước đó đã kết hôn với một người Việt Nam khác và được quyền vĩnh trú. Hai người này ly hôn vài năm trước, người phụ nữ kia lại “kết hôn” với sư thầy Nguyen Van Nam dù vẫn sống chung với chồng cũ.
Theo nguồn tin cho biết, cả sư thầy Nguyen Van Nam và người phụ nữa kia đều đến Nhật Bản theo diện “Du học sinh”. Đáng chú ý, ông Nam hiện còn là Sư Trụ trì của một ngôi chùa Việt Nam ở thành phố Himeiji cùng một chùa khác tại Kobe, tỉnh Hyogo.
Phòng Chống tội phạm thuộc sở Cảnh sát tỉnh Hyogo nghi ngờ hai nghi phạm đã nộp giấy chứng nhận kết hôn giả tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tỉnh Hyogo khi nhà sư Nguyen Van Nam xin gia hạn tư cách lưu trú ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho biết, hai đối tượng khăng khăng phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định “mình là vợ chồng thật”.
Ngoài ra, cảnh sát cũng cáo buộc nhà sư Nguyen Van Nam khai không đúng thông tin cá nhân trong trường hợp khác liên quan đến hồ sơ xin tư cách “vĩnh trú” với một người phụ nữ. Hiện vẫn chưa rõ hai người phụ nữ dính líu đến đối tượng Nguyen Van Nam có phải cùng một người hay không.
Du học sinh, thực tập sinh Việt Nam đến Nhật ngày càng tăng?
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản ngày 25.10.2019 xác nhận số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là 371.755 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại nước này, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đặc biệt, số người Việt Nam đã lên tới 371.755 người, tăng 12,4% so với báo cáo gần đây nhất và trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ 3 tại Nhật Bản. Trong đó, TTXVN cho biết, hiện số người Việt Nam ở Nhật Bản với tư cách “du học sinh”, “thực tập sinh kỹ năng” đang tăng mạnh, hiện có khoảng 190.000 người.
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến thời điểm 1.7.2019, số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại xứ sở hoa anh đào sau khi hết hạn visa là khoảng 79 ngàn người. Đáng chú ý, có tới 13 ngàn người trong số này là công dân Việt Nam.
Dù tháng 4.2019, Chính phủ Nhật đã áp dụng luật quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi với việc bổ sung thêm 14 tư cách lưu trú mới có kỹ năng đặc thù trong những lĩnh vực mà quốc gia này thiếu lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 27.9.2019 mới chỉ có 376 công dân nước ngoài được công nhận tư cách lưu trú theo chế độ thị thực mới này (người lao động có thể lưu trú ở Nhật đến 5 năm thay vì 3 năm như trước). Do đó, rất nhiều người muốn tìm cách xin được visa vĩnh trú.
Visa vĩnh trú tại Nhật Bản
Visa vĩnh là loại thị thực được Chính phủ cấp cho công dân người nước ngoài đã có thời gian sinh sống trên lãnh thổ Nhật Bản hơn 10 năm và có 5 năm làm việc hợp pháp tại quốc gia này. Có được visa vĩnh trú, công dân nước ngoài có thể tự do xuất nhập cảnh vào Nhật Bản mà không cần xin cấp thị thực, không bị giới hạn về ngành nghề lao động, nhưng buộc phải tuân thủ đầy đủ các điều lệ trong Bộ Luật Dân sự của nước sở tại.
Tuy nhiên, theo thông tin trên trang Morning Japan, Nhật Bản chỉ chấp nhận công dân có một quốc tịch duy nhất. Do đó, hầu hết công dân nước ngoài và Việt Nam khi muốn lưu trú ở Nhật đều cố gắng xin visa vĩnh trú mà không cần phải nhiều lần xin đổi visa mỗi khi hết hạn.
Đặc biệt, ngoài quy định về thời gian sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, công dân nước ngoài có thể được xem xét cấp visa vĩnh trú nếu là vợ/chồng của người Nhât, người có quyền vĩnh trú hoặc vĩnh trú đặc biệt. Nhưng những người này phải đáp ứng điều kiện là phải liên tục sinh hoạt hôn nhân trên thực tế 3 năm trở lên và lưu trú tại Nhật Bản liên tục 1 năm trở lên.