Nhưng điều này bắt đầu thay đổi. Những thị trấn ven biển yên ả một thời nay đang chuyển dần thành các khu nghỉ dưỡng 5 sao. Những con phố một thời đầy nhà nghỉ và homestay (ở cùng nhà dân) đang được thay thế bằng các trung tâm mua sắm và tổ hợp khách sạn.
Ngành du lịch và khách sạn Việt Nam mở rộng nhanh trong vài năm qua. Bên cạnh những điểm nóng du lịch quốc tế như Iceland và Mông Cổ, năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc xếp vào một trong 10 điểm du lịch phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 8 triệu du khách quốc tế, tăng 27,2% so với năm trước, đem lại nguồn thu 13,4 tỷ USD cho Việt Nam, cao hơn 22,5% so với nửa đầu năm 2017.
Chính phủ có kế hoạch đầy tham vọng, hướng tới thu hút 20 triệu khách quốc tế mỗi năm vào năm 2020. Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển du lịch thành một ngành trị giá 35 tỷ USD mỗi năm, tương đương 10% GDP.
Các chuyến bay từ Việt Nam tới Hàn Quốc chiếm 44,5% lưu lượng chuyến bay quốc tế trong năm 2018, trong khi các chuyến bay từ Việt Nam tới Trung Quốc chỉ chiếm 14,8%, theo trang web dữ liệu bay OAG.
Các hãng hàng không của Hàn Quốc như Asiana và Jeju Air bắt đầu cung cấp chuyến bay hàng ngày giữa Busan và Đà Nẵng, thành phố ven biển ở miền trung Việt Nam, tăng công suất đường bay lên 86%. Kết quả là Đà Nẵng trở thành điểm đến hàng đầu của người Hàn Quốc vào mùa hè năm ngoái.
Đa số người Hàn Quốc tới Đà Nẵng đều đi Hội An, thành phố nghỉ dưỡng cách đó 30 km. Năm ngoái, hơn 240.000 khách Hàn Quốc đã tới Hội An, tăng 70% so với năm 2016.
"Phía bắc của đảo Phú Quốc có nhiều khu nghỉ dưỡng được xây dựng để phục vụ riêng cho thị trường khách Hàn Quốc", Diane Lee, một nhà văn dạy tiếng Anh cho sinh viên Hàn Quốc tại Hà Nội, nhận xét. "Hầu như người Hàn Quốc không rời chân khỏi khu nghỉ dưỡng, nơi đầy đủ tiện nghi với trung tâm y tế và sân golf".
Tháng ba năm ngoái, Yoo Hyong-rok, 29 tuổi, lần đầu ra nước ngoài. Anh lớn lên ở Seoul, hàng năm cùng gia đình đi nghỉ ở Jeju hoặc những vùng khác trong nước, chứ chưa từng nghĩ tới chuyện ra nước ngoài.
Từ những năm 1960 tới cuối những năm 1980, người Hàn Quốc không được phép đi lại tự do, chỉ được cấp hộ chiếu vì những lý do đặc biệt. Sau khi chế độ dân chủ được bắt đầu vào năm 1988, người dân nước này được phép du lịch ra nước ngoài và khi tầng lớp trung lưu mở rộng trong ba thập niên tiếp theo, rất nhiều người Hàn Quốc bắt đầu khám phá thế giới.
Sau nhiều năm xem các chương trình truyền hình về Việt Nam và xem những bài đăng trên mạng xã hội về ẩm thực và văn hóa Việt Nam, Yoo chọn tới thăm Hà Nội.
"Rất nhiều bạn bè tôi đã tới Việt Nam du lịch", Yoo, nhân viên văn phòng, nói.
"Tôi đã nghe kể nhiều điều thú vị về Việt Nam và quyết định tới trải nghiệm".
"Mỗi lần tới thăm Việt Nam, tôi lại thấy ngày càng nhiều thương hiệu Hàn Quốc xuất hiện", Hong Hyeong-su, một doanh nhân Hàn Quốc từng đến Việt Nam 6 lần, nhận xét. "Tôi nhận thấy có rất nhiều ngành nghề kinh doanh liên quan tới Hàn Quốc. Người Việt cũng yêu mến văn hóa Hàn Quốc".
Trong lúc nhiều quốc gia châu Á bị cuốn theo cái gọi là làn sóng Hàn Quốc, văn hóa của đất nước này cũng bắt đầu mở rộng ảnh hưởng tới môi trường đô thị Việt Nam. Các thương hiệu bán lẻ, cà phê và quán ăn Hàn Quốc đã phổ biến ở Việt Nam, phục vụ người dân địa phương cũng như lượng khách du lịch người Hàn Quốc ngày càng tăng.
Những tài năng đang lên trong ngành công nghệ Việt Nam cũng đưa đất nước lên bản đồ khởi nghiệp thế giới.
"Thanh niên Việt Nam rất mê văn hóa Hàn Quốc, thậm chí còn mê hơn văn hóa Mỹ", Mark Gwyther, người sáng lập công ty quản lý tư vấn MGT và là một nhà tư vấn du lịch đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
"Nhạc Hàn Quốc xuất hiện mọi nơi, phim truyền hình chiếu dày đặc trên tivi. Tuần nào rạp xi-nê cũng chiếu phim ảnh Hàn Quốc mới. Nhà hàng thịt nướng, mỳ Hàn Quốc ở thành phố lớn nào cũng thấy, thậm chí bắt đầu xuất hiện ở các thành phố nhỏ", Gwyther nói.
"Tới nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 65 tỷ USD vốn đăng ký", Gwyther cho biết. "Samsung đã mở một số nhà máy lớn sản xuất điện thoại và điện tử. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có khu phố Hàn Quốc, nơi một lượng lớn người Hàn Quốc tới sinh sống và làm việc".
Đối với Yoo Hyong-rok, Việt Nam cho phép anh mở rộng tầm nhìn trong lúc vẫn tận hưởng được cảm giác như ở quê nhà.
"Ở Hà Nội, tôi đã thử vào một trong số nhiều tòa nhà có nhà hàng mang phong cách Hàn Quốc", Yoo nói. "Thức ăn họ làm giống hệt ở Hàn Quốc, thậm chí còn tươi ngon hơn".