Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông ra Liên Hợp Quốc
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74 đã có phiên họp toàn thể về chủ đề Đại dương và Luật Biển ngày 10.12, tại New York Mỹ.
Đại diện phái đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp lần này, nêu lên tình hình căng thẳng tại Biển Đông cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và hàng không cũng như không quân sự hóa hay làm phức tạp tình hình tại khu vực.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại diện Phái đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng không thể phủ nhận của Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) trong suốt 25 năm qua. Đây được xem là bản Hiến pháp về biển và đại dương, nhất là những khu vực có tranh chấp như Biển Đông thì UNCLOS lại càng đóng vai trò tiên quyết trong việc giải quyết những bất đồng giữa các bên.
Hà Nội kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và các hiệp định thực thi Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước, trong đó có các hoạt động kinh tế biển.
Từ trước đến nay, lập trường nhất quán của Chính phủ, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là “mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS), tôn trọng những tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Hà Nội vẫn luôn kiên định lập trường này để hướng đến tìm giải pháp xoa dịu những căng thẳng nảy sinh trên Biển Đông thời gian qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam tỏ ra hết sức quan ngại trước những diễn biến, sự kiện trên Biển Đông thời gian gần đây, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Thời gian qua việc các nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục tiến vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động an ninh hàng hải, và tình hình ổn định ở khu vực, đặc biệt là tác động đến quá trình khai thác tài nguyên trên biển của Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam, thông qua nhiều kênh ngoại giao, đã gửi công hàm và lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu cũng như tránh lặp lại việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Dư luận quốc tế, đặc biệt là các quốc gia không có tranh chấp với các bên trên Biển Đông như Hoa Kỳ, một số nước châu Âu, Nhật Bản, Úc cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông.
“Việt Nam kêu gọi bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, tất cả các bên cần hết sức kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình hay mở rộng, gia tăng tranh chấp, thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực trên thực tế”, TG&VN dẫn phát biểu của đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định.
Đại Hội đồng LHQ nêu nhiều vấn đề quan trọng về Đại dương và Luật Biển
Trong phiên thảo luận ngày 10.12 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74 về Đại dương và Luật Biển, đại diện LHQ cũng như nhiều quốc gia đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS). Đồng thời, các đại biểu, đại diện nhiều nước đã nêu bật tầm quan trọng của Công ước là “khuôn khổ pháp lý quốc tế”điều chỉnh tất cả mọi hoạt động trên đại dương và trên biển. Đồng thời, UNCLOS cũng đóng vai trò quan trọng trong quản lý, sử dụng hòa bình, bền vững và công bằng những tài nguyên biển, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp biển đảo.
Tham gia thảo luận tại phiên họp lần này, các quốc gia nhấn mạnh đến các diễn biến nổi bật trong lĩnh vực đại dương và luật biển trong năm 2019. Đó là nâng cao nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng đối với môi trường biển và đại dương, vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên biển và Hội nghị Đại dương lần thứ hai của Liên hợp quốc về thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về biển và đại dương (SDG 14), nhiều tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hội nghị Liên Chính phủ xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Luật Biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (gọi tắt là BBNJ).
Các nước đều bày tỏ sự quan ngại về các yêu sách về quyền lịch sử, yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển. Đại diện Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Úc cũng như LHQ tin rằng, mọi yêu sách cần phủ hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển UNCLOS cần đóng vai trò điều tiết và định hướng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh. Các quốc gia khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không phải luôn được đảm bảo, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà không bị cưỡng ép, đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Khép lại phiên họp về Đại dương và Luật Biển, Đại hội đồng LHQ khóa 74 đạt được nhiều kết quả đáng chú ý, như đã nhất trí thông qua Nghị quyết thường niên về Nghề cá bền vững bằng đồng thuận, bỏ phiếu với đa số phiếu thuận, qua đó Nghị quyết thường niên về Đại dương và Luật biển cũng được thống nhất thông qua với sự đồng tình cao của các đại diện tham dự.
Trước đó, ngày 3.11 Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc lần thứ 10 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã phát biểu, khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông.
Cụ thể, trước những diễn biến trên Biển Đông thời gian qua, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc ghi nhận và nêu rõ có những diễn biến đáng lo ngại, cho rằng các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo tin rằng với việc Indonesia và Việt Nam là Ủy viên không thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020, ASEAN và Liên Hợp Quốc sẽ gia tăng hơn nữa hợp tác, góp phần thúc đẩy hoà bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam chuẩn bị đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Trước đó, ngày 9.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đoàn đại biểu Việt Nam, sau khi kết thúc Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp tại Đại học Harvard ở thành phố Boston, đã đến thăm và làm việc với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và đại diện các cơ quan Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc.
Tại buổi gặp gỡ với Trưởng Phái đoàn Việt Nam thường trực tại LHQ, ông Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã lắng nghe Đại sứ Đặng Đình Quý trình bày về những công việc quan trọng mà phái đoàn Việt Nam đang phải gấp rút thực hiện hướng đến chuẩn bị cho việc Việt Nam sẽ đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thay thế Kuwait đại diện nhóm châu Á- Thái Bình Dương và theo cơ chế luân phiên ngay trong tháng 1 năm 2020.
Tại buổi làm việc với Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Đại sứ Đặng Đình Quý đã nêu những khó khăn, thách thức lớn của Việt Nam tại LHQ, đặc biệt là trên cương vị mới.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Việt Nam và các thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn nhất là tình trạng chia rẽ mất đoàn kết giữa các nước ủy viên thường trực (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) khiến rất nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an dù mang tính ràng buộc vẫn không thể thực hiện được trong nhiều năm. Bên cạnh đó nhiệm vụ phải xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn và phức tạp trong Hội đồng Bảo an, mà theo lời của Đại sứ Đặng Đình Quý đã tăng tới 175% so với khối lượng công việc của Hội đồng Bảo an cách đây 10 năm. Đặc biệt, thách thức lớn đến từ việc, nhiều nước kỳ vọng và mong muốn Việt Nam tạo được những thay đổi đột phá, tạo được dấu ấn trong nhiệm kỳ kỳ 2020-2021. Nhưng trên thực tế đây là nhiệm vụ không hề rõ ràng.
Ngoài ra, trong suốt nhiệm kỳ 2 năm của mình, Việt Nam sẽ phải tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột. Đó là tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong việc phòng ngừa xung đột, tái thiết và xây dựng hòa bình sau xung đột, và tăng cường bảo vệ dân thường cũng như thúc đẩy các công việc của Hội đồng Bảo an liên quan tới phụ nữ, hòa bình và an ninh, và trẻ em và các cuộc xung đột vũ trang.