Đại tướng Ngô Xuân Lịch dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp) vừa diễn ra sáng 17.11 tại Bangkok, Thái Lan.
Đại diện nước chủ nhà, Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó thủ tướng Thái Lan chủ trì toàn bộ sự kiện này.
Đại tướng Prawit Wongsuwan phát biểu khai mạc hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cho biết, trong những năm qua, hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, với việc thành lập các cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan khác.
“Đó là những minh chứng cho cam kết của các nước trong việc tăng cường sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASEAN là một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển theo Tầm nhìn ASEAN 2025”, báo QĐND trích lời Đại tướng Prawit Wongsuwan khẳng định.
Dù vậy, theo Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan, ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời nhấn mạnh, đây là điều không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được mà cần sự đoàn kết toàn khối.
Đại diện cho quốc gia thành viên, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN dự Hội nghị ADMM hẹp lần này đã tiến hành trao đổi quan điểm về môi trường an ninh quốc tế và khu vực. Cụ thể, với chủ đề “An ninh bền vững”, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Hẹp (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 tập trung bàn thảo về khái niệm an ninh bền vững nhằm tăng cường an ninh quân sự, thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác an ninh giữa ASEAN và các đối tác đối thoại trên mọi phương diện. Theo đó, các cuộc thảo luận được tổ chức trong 7 lĩnh vực hợp tác, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và an ninh mạng.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước đều khẳng định một thực tế rằng, ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tại khu vực nhằm ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như vấn đề khủng bố, mặt trái của sự phát triển của công nghệ, an ninh mạng.
Đáng chú ý, bên lề những vấn đề an ninh quốc phòng thiết yếu, một mối quan tâm lớn và là chủ đề vô cùng quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần này chính là Biển Đông. Các Bộ trưởng trao đổi sâu rộng về những thách thức an ninh hàng hải, nhất là những diễn biến căng thẳng vừa qua trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển vùng biển này đối với an ninh khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN
Tham dự sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra hôm 17.11 lần này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề cập vấn đề Biển Đông với lãnh đạo, các quan chức quốc phòng các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch bày tỏ quan điểm đồng tình với chia sẻ của các trưởng đoàn rằng, khu vực hiện vẫn đang phải đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi các quốc gia trong và ngoài khu vực cần chung tay hợp tác trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để cùng giải quyết những thách thức chung.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch phân tích một số vấn đề mà khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực mang lại nhiều thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, các nước lớn theo đuổi mục đích riêng của họ và nếu không có được tiếng nói thống nhất các quốc gia trong khu vực thì sẽ có nguy cơ bị gạt ra bên ngoài trong những vấn đề của chính mình. Do đó, đồng chí Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, các nước ASEAN cần chủ động, tích cực thúc đẩy sự đoàn kết nội khối để phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN đồng thời mở rộng hợp tác với bên ngoài, thông qua các cơ chế hợp tác quốc phòng quân sự do ASEAN chủ động điều phối.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nêu vấn đề tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, luật pháp quốc tế có thể chưa hoàn hảo do tình hình thế giới phát triển nhanh chóng nhưng đây là công cụ hữu hiệu nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia nhằm duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định, việc không tuân thủ luật pháp quốc tế, diễn giải hoặc chỉ áp dụng luật pháp quốc tế khi có lợi cho mình sẽ gây ra sự nghi kỵ, mất lòng tin với nhau và thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng, đối đầu. Theo đó, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực diễn ra sự cạnh tranh của các nước lớn, việc tuân thủ luật pháp quốc tế cần phải được đặt lên hàng đầu vì khi luật pháp quốc tế không được tôn trọng, chính các quốc gia vừa và nhỏ phải chịu thiệt thòi nhất chứ không phải là các cường quốc.
Đề cập những vấn đề căng thẳng vừa qua trên Biển Đông làm minh chứng cho những lập luận đã nêu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh:
“Một ví dụ dễ thấy nhất là những căng thẳng trên biển Đông vừa qua là do có những hành động đơn phương, không tôn trọng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các nước khác, không phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã dẫn đến nguy cơ đe doạ hòa bình ổn định khu vực và thu hút được sự quan tâm của nhiều nước ngoài khu vực. Do đó, để Biển Đông thực sự trở thành vùng biển hoà bình ổn định và phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và điều này đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực”.
Tổng kết lại, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, trước những thách thức lớn lao mang tầm chiến lược, ASEAN phải luôn tăng cường gắn kết nội khối nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất, sức mạnh tập thể để ứng phó linh hoạt và chủ động với những nguy cơ, tác động từ bên ngoài. Trong thời gian vừa qua, hợp tác quân sự, an ninh quốc phòng ASEAN được đẩy mạnh trong cả nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài, song phương và đa phương.
Nhằm duy trì và thúc đẩy những nỗ lực của Cộng đồng và là nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định:
“Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy gắn kết nội khối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế quốc phòng, quân sự do ASEAN dẫn dắt và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài”.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ Thái Lan sau khi kết thúc Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 vào hôm nay ngày 18.11.
Việt Nam sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ Thái Lan sau khi kết thúc Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 vào ngày hôm nay 18.11, theo TTXVN. Việc tham gia các hội nghị của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam lần này thể hiện sự tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+, tiếp tục triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN. Đồng thời, điều này khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực trên nhiều góc độ.
Cũng trong ngày 17.11, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Australia, Brunei, New Zealand và Hàn Quốc. Các bộ trưởng đều khẳng định ủng hộ Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động quân sự quốc phòng trong năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 17.11, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN- Mỹ đã có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - ASEAN trong đó chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông nhất là việc Trung Quốc tăng cường yêu sách đường Lưỡi bò.
Chỉ trích hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ trưởng Mark Esper nhấn mạnh:
“Lối hành xử của Trung Quốc không chỉ gây nên mối đe dọa với các nước khác có cùng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, mà còn với những quốc gia là đối tác thương mại – những thành viên luôn tôn trọng tự do hàng hải, cũng như với các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, nhất là chính sách “đường lưỡi bò, đường chín đoạn” phi pháp, không chỉ trái pháp luật và phi lý, mà còn đi ngược lại phán quyết của tòa trọng tài thường trực UNCLOS ở Hague hồi tháng 7-201”.
Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách “tàu dân quân biển” để đánh đuổi tàu cá và ngư dân Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, đồng thời triển khai lực lượng Hải cảnh để ngăn các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên dầu khí trên biển theo đúng chủ quyền của họ.
“Thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định yêu sách đường chín đoạn, Trung Quốc đang cản trở các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2.500 tỉ USD. Không những thế, hành động của Trung Quốc còn làm gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột” ông Esper nói, đồng thời khẳng định hành vi của Trung Quốc là hoàn toàn “đi ngược lại trật tự được thiết lập dựa trên các quy tắc mà tất cả chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong suốt hơn 70 năm”.
Lối hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông tại ra thách thức hàng hải đòi hỏi giải pháp song phương. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cam kết của Mỹ về Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Về an ninh hàng hải, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, nước này có chính sách thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và những hoạt động sử dụng vùng biển và vùng trời một cách hợp pháp. Ông Esper tuyên bố, Hoa Kỳ đã tiến hành thêm nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2019, điều mà Mỹ thực hiện nhiều nhất trong 20 năm qua.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ và ASEAN đang có một lập trường chung về Biển Đông, và Washington tin rằng tuyên bố của ASEAN sẽ là một phương tiện mạnh mẽ để thể hiện tinh thần đoàn kết.
“Hãy cùng đoàn kết, chúng ta phải ủng hộ chính sách tự do hàng hải, sử dụng hợp pháp không gian trên biển và trên không để chống lại những hành động cưỡng ép, bắt nạt và đe dọa”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.