Phát ngôn viên của quân đội Iran thông báo rằng, cuộc tập trận sẽ bắt đầu vào ngày 27 tháng 12 và sẽ kéo dài bốn ngày. Các cuộc diễn tập sẽ được tổ chức ở phía bắc Ấn Độ Dương và ở Vịnh Oman.
Theo phía Iran, một trong những nhiệm vụ của cuộc tập trận là đào sâu những kinh nghiệm về việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường hàng hải thương mại quốc tế. Một mục tiêu quan trọng khác là tăng cường hợp tác chống khủng bố và cướp biển, trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động cứu hộ trên biển.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) thông báo rằng, đại diện cho Hải quân Trung Quốc tại cuộc tặp trận sẽ là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Xining. Tại cuộc họp báo ngắn, đại diện quân đội Trung Quốc lưu ý rằng, mục đích của cuộc tập trận là tăng cường liên lạc và mở rộng hợp tác giữa lực lượng hải quân của ba nước, thể hiện khả năng cùng nhau bảo vệ hòa bình và an ninh trên biển, chứng tỏ một sự đồng thuận giữa các bên tham gia.
Lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông
Cho đến gần đây, Trung Quốc đã thể hiện thái độ kiềm chế, không xác định lợi ích của mình trong khu vực, mặc dù nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Sự tham gia vào cuộc tập trận chung cho thấy rằng, Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện trong khu vực, chuyên gia Yana Leksyutina nhận xét:
"Điều rất quan trọng là Trung Quốc nói rõ rằng họ có lợi ích trong khu vực. Chắc là Bắc Kinh muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực này. Một điểm quan trọng khác – sự tham gia vào cuộc tập trận hải quân chung là một định dạng tương đối mới đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác quân sự với Nga. Trước đó, Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận trong khuôn khổ SCO, hoặc các cuộc tập trận hải quân song phương. Bây giờ tham gia các cuộc tập trận có cả những quốc gia khác mà Nga và Trung Quốc đang phát triển quan hệ đối tác khá chặt chẽ. Chỉ một tháng trước, hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia một cuộc tập trận chung với Nga và Nam Phi. Và xu hướng này đang phát triển, bây giờ có cuộc tập trận chung với Iran".
Một điểm quan trọng khác là các cuộc tập trận hải quân được tổ chức
không chỉ gần biên giới Nga hay Trung Quốc, mà còn ở những khu vực khá xa. Bằng cách này Nga và Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng phối hợp hành động ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Chống lại sự hỗn loạn do Hoa Kỳ gây ra
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Ji Kaiyun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Iran thuộc Đại học Tây Nam (Trung Quốc), nhận xét rằng, cuộc tập trận ba bên ở một điểm nhạy cảm của Trung Đông là một yếu tố tăng cường sự ổn định trong khu vực để chống lại sự hỗn loạn mà Hoa Kỳ tạo ra ở đó bằng các hành động của mình.
Chuyên gia từ Viện nghiên cứu chiến lược Nga, ông Vladimir Evseev đồng ý với ông Ji Kaiyun. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Evseev nói, việc Trung Quốc biểu dương lực lượng trong khu vực là một cảnh báo về việc Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không thể giành độc quyền trong các hoạt động kiểm soát Ấn Độ Dương:
"Bằng cách này Bắc Kinh gửi một tín hiệu cho Washington. Hoa Kỳ đang cố gắng thành lập một liên minh để kiểm soát các tàu thuyền đi qua eo biển Hormuz. Gần đây Hàn Quốc bắt đầu tham gia vào liên minh này. Hoa Kỳ đang cố gắng ép buộc các đồng minh tham gia vào chiến dịch này, gia tăng áp lực quân sự ở Vịnh Ba Tư, tăng cường quân tới vùng vịnh. Cuộc tập trận chung của Nga, Iran và Trung Quốc cho thấy rằng, hiện có một phương án lựa chọn để bảo đảm an ninh trong khu vực. Đây là một tín hiệu gửi tới Hoa Kỳ - không được thiết lập sự độc quyền trong lĩnh vực kiểm soát các nguồn năng lượng".