Tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử
Sáng 28/12, Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 đã khai mạc tại thành phố Hải Phòng. Hội nghị nhằm đánh giá đúng ưu điểm, thành tích của báo chí trong năm 2019; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020 và các năm tiếp theo.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng Biên tập Báo Nhân dân - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ.
Dự hội nghị còn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2019 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 nêu rõ: Các cơ quan báo chí tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch báo chí) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được tăng cường định hướng nội dung tuyên truyền, tập trung xây dựng thể chế, giải quyết các vấn đề bất cập trong hoạt động báo chí. Cùng với đó, việc quy định và từng bước nâng cao nghiệp vụ, đạo đức người làm báo cũng được quan tâm, nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp được phát hiện xử lý kịp thời.
Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí, chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng; thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã tập trung rà soát, kiểm tra, chỉ rõ các biểu hiện của việc “báo hóa” báo điện tử, trang thông tin điện tử. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có thời điểm còn chậm trong phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí. Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp còn rất chậm, lúng túng trong nhận thức và hành động. Việc hướng dẫn triển khai Quy hoạch báo chí còn chậm. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí, cơ chế đặt hàng báo chí. Một số sai phạm của cơ quan báo chí chưa được chủ động phát hiện sớm để xử lý nghiêm, kịp thời.
Hoạt động báo chí có nhiều chuyển biến rõ nét
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2019, cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018.
Tính đến hết tháng 11/2019, ở Việt Nam có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương... Cả nước hiện có hơn 41 nghìn người công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có hơn 20 nghìn người đã được cấp thẻ nhà báo.
Cũng theo ông Hùng, năm 2019 có sự chuyển biến rõ nét của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch với nhiều hình thức thông tin phong phú. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân trong và ngoài nước
Ngoài việc phản ánh trong các bản tin thời sự, trong các chương trình, chuyên mục chuyên biệt, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, đấu tranh chống các thông tin xấu độc còn được lồng ghép, tuyên truyền trong các chương trình khác.
Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để giúp người dân các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Các cơ quan báo chí cũng thực hiện sản xuất tin, bài trực tiếp bằng các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật) hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế.
Cùng với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, báo chí ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân. Đặc biệt, trên phát thanh, truyền hình, nhiều chương trình giải trí, phim truyện lành mạnh, có nội dung giáo dục tốt đã được phát sóng.