Thế giới đã nhìn nhận thế nào về Việt Nam trong năm 2019?

Năm 2019 sắp kết thúc. Việt Nam có tiếng nói ngày càng mạnh hơn trên trường quốc tế. Và tất cả những sự kiện xảy ra ở Việt Nam đều được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nước ngoài.
Sputnik

Các nhà báo nước ngoài và báo chí Nga đã viết gì về Việt Nam trong năm sắp qua? Trong mục điểm báo hàng tuần, chúng tôi xin nhắc nhở về các chủ đề chính liên quan đến Việt Nam.

Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên–Hoa Kỳ tại Hà Nội

Trong vài tuần liền đầu nâm nay, chủ đề chính trên các phương tiện truyền thông của phương Tây và phương Đông là cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội. CNBC viết:

Việt Nam trở thành tâm điểm địa chính trị

“Việt Nam đã bị cô lập và đã là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng, trong ba thập kỷ qua Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất với các công ty quốc tế lớn như Intel, Samsung, Adidas và Nike. Khả năng của Việt Nam phát triển mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ đáng được khâm phục. Trong nhiều năm Bình Nhưỡng đã nghiên cứu các cuộc cải cách thị trường của Việt Nam và ảnh hưởng của các cuộc cải cách đó đến sự ổn định chính trị. Việt Nam cung cấp cho Triều Tiên cách thức thực tế nhất để một nhà nước độc đảng cộng sản với thái độ thù địch với Hoa Kỳ chuyển đổi mạnh mẽ và trở thành một nền kinh tế ổn định, phát triển nhanh chóng và duy trì mối quan hệ tốt với hầu hết các nước láng giềng”.

Căng thẳng Biển Đông

Báo chí nước ngoài đã chú ý theo dõi cuộc đối đầu Trung-Việt ở Biển Đông, khi chiếc tàu khảo sát của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc. Việt Nam “cô độc” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tờ Asia Times viết. Hầu hết các nước Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Malaysia, và  Thái Lan - Chủ tịch ASEAN trong năm nay, đã nỗ lực hòa giải với hy vọng giành được chiến thắng. Chỉ có Việt Nam chỉ trích công khai các hành động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo tranh chấp. Đồng thời, Việt Nam đang tích cực giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách mở rộng quan hệ thương mại với các cường quốc phương Tây, bao gồm thỏa thuận gần đây nhất với EU, tờ báo viết. Hà Nội tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan khu vực và quốc tế trong việc lên án các hành động của Bắc Kinh đang đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc trong khu vực, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản, giúp củng cố an ninh và an toàn trên biển.

Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển và nền kinh tế quốc gia

 “Việt Nam có thể cải thiện đáng kể quốc phòng an ninh nếu thiết lập liên minh với Hoa Kỳ - quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn còn có khả năng đánh bại Trung Quốc”, - tờ báo Mỹ The National Interest nhận xét và nêu những lý do đang cản trở việc thiết lập liên minh quân sự này.

Việt Nam thực thi chính sách "ba không", cam kết không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước ngoài triển khai căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Nhưng Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam năm 2019 duy trì truyền thống của “Ba không”, mặc dù khái niệm về việc cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đã được hiểu như là thêm một “không”.

Chiến tranh Việt Nam

Một chủ đề được đề cập đến thường xuyên trên các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ là cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Bài viết trên Thời báo Los Angelesliên quan đến việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, mà tác giả so sánh với việc rút quân khỏi Việt Nam vào những năm 70 thế kỷ 20. Mỹ chưa học được gì ở Việt Nam, tác giả của bài báo nhấn mạnh. Là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của chính sách Hoa Kỳ, người dân Việt Nam đã chịu thiệt hại rất lớn, rất khó để sửa chữa. Nhưng một lần nữa, mệt mỏi với cuộc chiến sai lầm và vô giá trị, người Mỹ chuyển sang các mục tiêu khác và rời khỏi Afghanistan, để lại cho người Afghanistan những vấn đề của họ và thêm những mục tiêu mới.

Việt Nam 2019: Năm của Biển Đông, bóng đá và chiến lược ngoại giao khôn ngoan

Kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, chủ đề chính về Việt Nam được phản ánh rộng rãi nhất trên báo chí nước ngoài, tất nhiên, là sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến nó.

Brookings Institutionviết: đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành công kinh tế lớn nhất trong thế kỷ XXI. Chỉ một thế hệ trước, đất nước này là một trong những nước nghèo nhất thế giới, chịu đựng tình trạng xung đột trong nhiều thập kỷ và có nền kinh tế bị kế hoạch hóa. Sau ba thập kỷ tăng trưởng liên tục, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế với thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh. Nhưng, tờ báo lưu ý, nhiều động lực đã đóng góp cho sự tăng trưởng của Việt Nam, chẳng hạn như lao động giá rẻ, sẽ giảm trong thập kỷ tới. Tác giả viết về bốn phương hướng phát triển chính sẽ giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đó là tăng vốn đầu tư vào sản xuất, đào tạo lực lượng lao động với các kỹ năng của thế kỷ XXI, khuyến khích đổi mới và hoàn thành việc tạo ra các cơ chế thị trường.

Việt Nam có cần đến chiến thắng trong cuộc chiến thương mại hay không?
Prensa Latina cho biết rằng, theo dữ liệu của tạp chí US News &World Report, Vietnam đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, và đứng thứ nhất ở Đông Nam Á. Trong số các thông số được đánh giá là sự ổn định và năng động của nền kinh tế, môi trường tài chính, những kinh nghiệm công nghệ, khả năng đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, lực lượng lao động lành nghề và cuộc chiến chống tham nhũng. Trong giai đoạn 2011-2018, Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư trị giá hơn 200 tỷ USD. Năm ngoái, khối lượng đầu tư đã lên tới mức kỷ lục - hơn 35,4 tỷ USD. Nhưng, ngoài những lợi thế của dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam, ngày càng có nhiều tác giả viết về những khó khăn lớn mà các doanh nhân ở Việt Nam đang phải đối mặt. Những "cạm bẫy" này được phản ánh đầy đủ nhất trong bài viết của tờ Business Standard. “Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp phàn nàn về cảng và đường bị tắc nghẽn, chi phí đất đai và lao động tăng nhanh, cũng như các quy định nội bộ. Nếu Việt Nam không thể nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, thì nước này có nguy cơ mất đi vị thế “Trung Quốc mini”, nơi thu hút rất nhiều nhà cung cấp. Chi phí có thể vượt xa lợi nhuận và sẽ khiến các nhà sản xuất chuyển sang Sri Lanka hoặc Campuchia, tờ báo viết.

Bloombergviết rằng, một quốc gia với dân số 96 triệu người đang hưởng lợi từ việc mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh lâm vào chỗ bế tắc. Việt Nam hưởng lợi lớn  đến mức họ cũng có thể bị áp thuế từ Mỹ. Các nhà lãnh đạo Việt Nam  đang cố gắng thuyết phục chính quyền Trump rằng họ là những thương nhân có lương tâm, và tìm cách bảo vệ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20% tổng sản phẩm trong nước năm ngoái và gần 26% trong nửa đầu năm 2019. Và Nikkei Asian Review thu hút sự chú ý đến việc chính phủ Việt Nam đã siết chặt các quy định sử dụng nhãn dán "Made in Vietnam". Để biểu thị sản xuất của Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc phải được chế biến thành sản phẩm khác, trong khi giá trị gia tăng đối với sản phẩm đường sản xuất trong nước phải chiếm ít nhất 30% giá hàng.

Vì sao người Việt từ bỏ quê hương?

Vấn đề xã hội

Đã có rất nhiều bài viết về các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống nạn buôn lậu động vật hoang dã. Trong vài tuần liền, báo chí nước ngoài liên tục theo dõi và tường thuật về thảm kịch ở Vương quốc Anh, nơi đã phát hiện 39 thi thể người Việt trong xe thùng đông lạnh tại Essex. Nghèo đói, triển vọng công việc không thuận lợi, thảm họa môi trường, hoạt động buôn bán băng đảng - đây là những nguyên nhân khiến người dân miền Trung Việt Nam tìm đường ra nước ngoài, tác giả của một bài báo trên Reuterscho biết. Và tờ The New York Times lưu ý rằng, xuất khẩu lao động hợp pháp là một trong những giải pháp cho vấn đề thất nghiệp tại Việt Nam. Những người làm việc ở nước ngoài gửi tiền về Việt Nam cho gia đình và góp phần lớn vào việc nâng cao mức sống của người dân.

Du lịch và thể thao

Một chủ đề không thể thiếu trên báo chí nước ngoài và Nga là ngành du lịch. Nhiều ấn phẩm của các quốc gia khác nhau giới thiệu những hành trình du lịch hấp dẫn nhất ở Việt Nam – ngôi sao sáng của Đông Nam Á. Đó là thắp đèn lồng tại  Hội An và nếm thử thức ăn đường phố ở Hà Nội, thăm Bảo tàng Chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, bay trực thăng trên Vịnh Hạ Long, du lịch sông Mê Kông, thư giãn ở đảo Phú Quốc, nếm trà tại Sapa và cà phê ở Đà Lạt, một chuyến tham quan Huế và du lịch mạo hiểm bằng xe đạp leo núi.

Du lịch Việt Nam tiếp tục tạo ra kỷ lục mới
Truyền thông về thể thao rất vui mừng đưa tin về các thành tựu đạt được của nền thể thao Việt Nam, đặc biệt là bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo, người đã trở thành anh hùng dân tộc của Việt Nam. Formula 1 kể về đường đua mới ở Hà Nội, tổng hoà nhiều ưu điểm giá trị của những đường đua tốt nhất ở các nước khác, và về chương trình của cuộc đua sắp tới mà nhờ nỗ lực của Ban tổ chức sẽ biến thành quảng cáo vô giá cho tiềm năng và cơ hội du lịch của Việt Nam.

Nga và Việt Nam

Trên báo chí Nga xuất hiện ngày càng nhiều tài liệu về Việt Nam.

“Việt Nam là đối tác lâu năm và đáng tin cậy của chúng tôi ở châu Á", tờ báo có uy tín của Nga  Nezavisimaya Gazeta viết.

Tác giả bài ghi nhận mức độ phát triển cao của mối quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, quá trình phát triển sự hợp tác kỹ thuật quân sự, đặc biệt là tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga bắt đầu khắc phục một trong những nhược điểm chính của nó - thiếu hệ thống dịch vụ hậu mãi. Các công ty của Nga vẫn vững vàng trong ngành năng lượng Việt Nam và đã tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng, mức độ tương tác kinh tế vẫn còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng và ý muốn. Việt Nam không còn là người em của Nga cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ. Đây là một quốc gia với dân số 94 triệu người đang tăng trưởng nhanh chóng.

Bóng đá Việt Nam 2020: Nhiệm vụ nặng nề của HLV Park Hang-seo
Trong nhiều năm liền, cả hai bên khẳng định sự trùng hợp hoặc gần gũi lập trường về những vấn đề thời sự bức thiết ghi nhận trong chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực. Nga hy vọng vào sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc thiết lập các quy tắc ứng xử trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà tất cả các nước đều có thể cấp nhận dựa trên nguyên tắc nền an ninh tập thể không thể chia cắt, tác giả kết luận.

Chúng tôi tin chắc rằng, năm 2020 sắp tới, khi Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN và chính thức trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ mang lại nhiều thành công mới cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ nói về những thành tựu mới của đất nước thân yêu của chúng tôi trong mục điểm báo trên trang web của chúng tôi. Hẹn gặp lại vào năm 2020 mới. Chúc các bạn năm mới đầy hạnh phúc, bình an và thịnh vượng!

Thảo luận