Giới siêu giàu Việt Nam 2019: Những cái bắt tay ngàn tỷ và biến động bất thường

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, đại gia Trịnh Văn Quyết- FLC và Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai là những tỷ phú trong giới siêu giàu Việt Nam có hoạt động nổi bật năm 2019 vừa qua.
Sputnik

Những tỷ phú nổi bật của Việt Nam theo bình chọn của độc giả Sputnik

Năm 2019 ghi nhận hàng loạt biến động mạnh trong giới tỷ phú Việt Nam. Góp mặt trong danh sách các tỷ phú USD hiện tại Việt Nam vẫn có sự hiện diện của những doanh nhân nổi tiếng quen thuộc như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco và Đại Quang Minh Trần Bá Dương, ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Cuối năm 2019, Sputnik Việt Nam đã mở cuộc bình chọn những tỷ phú Việt Nam thành công hay có hoạt động nổi bật nhất năm qua. Kết quả do độc giả của Sputnik bình chọn khá bất ngờ.

Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn giữ vững truyền thống dẫn đầu danh sách tỷ phú Việt Nam. Chủ tịch Vingroup được Forbes đánh giá đã bứt tốc từ vị trí người giàu số 499 thế giới lên bậc xếp hạng 239 (tính đến ngày 04.01.2020). Các công ty của Vingroup nổi bật với đa dạng nhiều ngành nghề, hoạt động kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, chế tạo, nông nghiệp, y tế. Trong cuộc bình chọn của Sputnik, Chủ tịch Vingroup giành được tới 46,8% số phiếu bầu của độc giả.

Việt Nam sắp có Tập đoàn bán lẻ hàng đầu: Cú bắt tay của tỷ phú Vượng và ông chủ Masan
Xếp ngay sau tỷ phú Vượng không ai khác chính là bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo với 19.2% số phiếu bình chọn. Có thể nói, năm 2019 là năm vô cùng thành công của vị nữ tỷ phú vừa xinh đẹp vừa tài năng này. Bà Thảo là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất năm 2019 do Forbes công bố.

Nổi bật ở vị trí thứ ba với 7.1% số phiếu bầu là Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết với một năm đầy sóng gió cùng những tuyên bố gây tranh cãi liên quan đến hoạt động của Hãng hàng không Tre Việt Bamboo Airways cũng như một số dự án lớn của FLC khác.

Tiếp sau ở vị trí thứ 4 với 5.8% phiếu bình chọn là Chủ tịch Thaco Trường Hải, tỷ phú Trần Bá Dương và người đàn ông có đóng góp vô cùng lớn lao với nền bóng đá Việt Nam thời gian qua chính là doanh nhân Đoàn Nguyên Đức- Bầu Đức (với 5.1% số phiếu bầu). Thaco và Hoàng Anh Gia Lai năm vừa qua cũng đã cú bắt tay tỷ đô gây chấn động thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hãy cùng Sputnik điểm lại những hoạt động nổi bật của giới siêu giàu Việt Nam, những tỷ phú thu hút mọi sự chú ý không chỉ trên thị trường chứng khoán mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Ông Phạm Nhật Vượng: người giàu nhất Việt Nam đổ tiền sản xuất ôtô, xe máy, smartphones

Theo thống kê của Forbes đến ngày 04.01.2020, doanh nhân Phạm nhật Vượng sở hữu khối tài sản 7,7 tỷ USD, tiếp tục giữ vững ngôi vị người giàu nhất Việt Nam và là người giàu thứ 239 của thế giới.

Trước đó vào cuối tháng 8, tài sản ông Vượng thậm chí đã có lúc vượt ngưỡng 10 tỷ USD (thống kê ngày 22.8), khi giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đạt mức cao kỷ lục 126.100 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh).

Giới siêu giàu Việt Nam 2019: Những cái bắt tay ngàn tỷ và biến động bất thường

Theo xếp hạng của Bloomberg Index, thì khối tài sản của ông Vượng hiện tại đã lên tới 9,09 tỷ USD và đang xếp thứ 185 thế giới. Hai phương thức đánh giá của Forbes và Bloomberg là khác nhau.

Cũng trong bài phỏng vấn với Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, ông sẽ chi 2 tỷ USD cá nhân đầu tư vào Vinfast, cũng như dự định xuất khẩu ô tô điện sang thị ttrường Hoa Kỳ trong vòng 2 năm tới. Ông sẽ bán 10% cổ phần Vingroup để thực hiện tham vọng này.

Theo ông Phạm Nhật Vượng, mục tiêu của ông là tạo lập một thương hiệu quốc tế. Đây sẽ là con đường duy nhất để tiến lên phía trước, mặc dù sẽ có rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi có khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm Việt Nam chưa có thương hiệu quốc tế. Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn còn nghèo và lạc hậu. Chúng tôi phải tìm ra cách để tiếp thị và chứng minh sản phẩm của chúng tôi đại diện cho một Việt Nam năng động và phát triển. Chúng tôi phải đạt được tiêu chuẩn cao nhất của thế giới”, Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh.

Ngày 3.12, cái bắt tay ngàn tỷ, gây chấn động thị trường Việt Nam khi hai tỷ phú Đông Âu cùng hợp tác, Vingroup và Tập đoàn Masan đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (lĩnh vực bán lẻ), Công ty VinEco (lĩnh vực nông nghiệp) và Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng cán mốc lịch sử và người vợ bí ẩn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam

Sau khi hoàn tất sáp nhập, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Theo giới chuyên gia, đây là một “bước ngoặt” với Vingroup. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có nguồn lực để tập trung vào mảng kinh doanh chiến lược là công nghệ và công nghiệp (ở đây là sản xuất ô tô - xe máy).

Bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất năm 2019 vừa được công bố cách đây không lâu của Forbes, một lần nữa có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp bà xuất hiện trong danh sách này.

Theo đó, trong danh sách năm nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đứng ở vị trí thứ 52. Lần đầu tiên bà Thảo có tên trong danh sách tỉ phú đô la của Forbes vào năm 2017. Cũng trong năm đó, bà Phương Thảo lọt vào danh sách 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới.

Bà cũng nằm trong danh sách các nữ doanh nhân quyền lực châu Á của Forbes. Trong danh sách tỉ phú của Forbes công bố hồi tháng 3.2019, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đứng thứ 1008. Bà cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này. Tính đến ngày 04.01.2020, Forbes ước tính bà Thảo sở hữu khối tài sản trị giá 2,8 tỷ USD.

Giới siêu giàu Việt Nam 2019: Những cái bắt tay ngàn tỷ và biến động bất thường

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là đồng sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet Air. Tập đoàn này ra mắt năm 2007. Từ một số ít các tuyến bay nội địa khi ra mắt, hãng đã dần mở rộng đội bay lên tới 80 chiếc, phục vụ 120 điểm đến. Năm 2017, Vietjet ra mắt trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với giá trị vốn hóa thị trường là 1,4 tỉ đô la. Doanh thu của Vietjet đã tăng 27% lên 2,3 tỷ USD năm 2018.

Hãng hàng không của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam muốn bán đủ thứ

Ngày 31.10.2019, tại Toulouse (Pháp), Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thế hệ mới A321XLR.

Theo đó, Vietjet sẽ trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác dòng máy bay tầm xa này của Airbus, nhằm hiện đại hóa đội bay, phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế với tầm bay tới 8.700 km.

Đại gia Trịnh Văn Quyết: Ông chủ Bamboo Airways có một năm đầy sóng gió

Trong năm 2019, các công ty của ông Trịnh Văn Quyết đã có nhiều động thái, nỗ lực để bứt phá trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt.

Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến như: Tập đoàn FLC lập liên doanh với Lotte làm dự án 6,4 ha tại Đại Mỗ, Bamboo Airway mua nhiều máy bay phục vụ các chặng bay trong nước và quốc tế, niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, FLC cũng có nhiều hoạt động giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Home.

Giới siêu giàu Việt Nam 2019: Những cái bắt tay ngàn tỷ và biến động bất thường

Tuy nhiên, những nỗ lực này không gặt hái được mấy thành công khi không thể "phanh lại" đà giảm giá mạnh của loạt cổ phiếu do doanh nghiệp này làm chủ sở hữu.

Trong năm 2019, tính đến phiên giao dịch ngày 26/12, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC ở mức 4.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giảm khoảng 5% so với năm 2018.

Trong số đó, giảm giá mạnh nhất là mã ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS). Hiện mã cổ phiếu này đang ở mức 22.550 đồng/cổ phiếu, giảm 16.150 đồng/cổ phiếu (mất 58,2% giá trị). ROS là một trong những mã cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong năm qua.

Hé lộ mức lương của các tỷ phú USD Việt Nam

Là người giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị của các doanh nghiệp này, ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ không ít cổ phiếu FLC và ROS. Với việc sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu trong năm, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết đã giảm mạnh.

Cụ thể, tính đến ngày 30.6.2019, ông Quyết nắm giữ hơn 150 triệu cổ phiếu FLC tương đương 21,19% cổ phần. Ông Quyết đang sở hữu hơn 312 triệu cổ phiếu ROS tính đến hết ngày 6.12.2019 (47,15%). Trước đó, ông Quyết đã bán 70 triệu cổ phiếu ROS trong thời gian từ 5.9 đến 1.10.2019.

Như vậy, tính ra, việc giảm giá cổ phiếu đã khiến ông Trịnh Văn Quyết mất gần 6.000 tỷ đồng trong khối tài sản trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, ông Quyết cũng đang có trong tay hơn 3 triệu cổ phiếu ART của Công ty cổ phần chứng khoán BOS. Tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết tính đến ngày 26.12 đạt khoảng 7.838 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với cuối năm 2018.

Ở thời điểm hiện tại, trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, ông Quyết đang đứng ở vị trí số 10, thấp hơn 4 bậc so với năm 2018, và giảm 9 bậc so với năm 2016, thời kỳ đỉnh cao khi ông là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: Xuất khẩu xe ôtô ra thế giới

Tỷ phú Trần Bá Dương chính là người sáng lập và hiện đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco). Bên cạnh đó, vị đại gia này còn được biết đến rộng rãi trong vai trò là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Tạp chí Forbes lần đầu tiên công nhận ông Trần Bá Dương là tỷ phú USD khi sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD vào ngày 6.3.2018. Theo hồ sơ của Forbes, đến năm 2016, Thaco trở thành công ty ôtô lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 32%. Hiện tại, tính đến ngày 04.01.2020, ông Trần Bá Dương đang sở hữu 1,7 tỷ USD và xếp thứ 1.349 thế giới.

Giới siêu giàu Việt Nam 2019: Những cái bắt tay ngàn tỷ và biến động bất thường

Theo thông tin mà Forbes công bố, ông Trần Bá Dương bắt đầu làm việc cho một nhà máy sửa chữa ôtô từ những 80 và quản lý công việc theo cách riêng của mình. Ông thành lập Trường Hải trong năm 1997. Ban đầu công ty chỉ bán ôtô, sau đó mới lắp ráp cho một vài thương hiệu như Kia, Mazda và Peugeot. Năm 2016, Thaco trở thành công ty ôtô lớn nhất Việt Nam với thị phần 32%. Tính đến năm 2019 này, Thaco Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất, lắp ráp ôtô của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, được xem là Trung tâm liên kết Công nghiệp ôtô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc tốp đầu trong khu vực ASEAN.

Ngày 8.8.2018, Thaco đã bắt tay thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với HAGL, đầu tư vào 2 công ty là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế HAGL (mã cố phiếu HNG) và HAGL Myanmar. Sau hơn một năm hợp tác, tỷ phú Trần Bá Dương đã đầu tư vào HNG thuộc HAGL thông qua việc mua 35% vốn với số tiền 3.949 tỷ đồng, cho Bầu Đức vay 2.464 tỷ đồng.

Quý bà kín tiếng phía sau ông Phạm Nhật Vượng: Ứng viên tỷ phú USD mới của Việt Nam
Ngoài ra, Công ty THADI do Thaco thành lập đã mua cổ phần 3 công ty con của HNG, sở hữu 23.100 ha đất với số tiền là 7.626 tỷ đồng, đồng thời đã nhận nợ vay gần 2.500 tỷ đồng và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty Đại Quang Minh góp 65% vốn theo thỏa thuận, sẽ ứng mua tiếp 35% đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn II là 8.155 tỷ đồng. Thaco cũng hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai về tài chính để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư thực hiện chiến lược phát triển bền vững với tổng số tiền dự kiến lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (gần một tỷ USD). Tuy nhiên, theo xác nhận của chính bản thân ông Trần Bá Dương, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn rót cho bầu Đức đã vượt quá con số một tỷ USD.

Năm 2019 này, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương bắt đầu chính thức có một số sản phẩm xe bus, xe tải, container xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Thái Lan, Philippines, Singapore và đặt mục tiêu xuất khẩu 1226 sản phẩm xe các loại năm 2020. Ngày 28.12, tại cảng Chu Lai (Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam), Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức lễ bàn giao xe Bus THACO thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines và xuất khẩu các lô linh kiện phụ tùng ôtô sang Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đối với hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, lãnh đạo Thaco khẳng định, năm 2019, khoản đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, với doanh thu hơn 100 triệu USD. Năm 2020, công ty của tỷ phú Trần Bá Dương đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu trái cây đạt doanh thu khoảng 1 tỷ USD.

Bầu Đức: Rút khỏi loạt mảng kinh doanh, vẫn giữ lại bóng đá dù thua lỗ

Vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, đã ký nghị quyết thông qua giao dịch chuyển nhượng toàn bộ 99,4% cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.

Người được ủy quyền ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 248,5 triệu cổ phần tại công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai là ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Được biết, giao dịch này có mục đích nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc tập đoàn theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

Giới siêu giàu Việt Nam 2019: Những cái bắt tay ngàn tỷ và biến động bất thường

Trước đó, cuối tháng 9.2019, Công ty của ông Đoàn Nguyên Đức đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH V&H Corporation (Lào) liên quan đến Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, phần vốn chuyển nhượng chiếm 80% vốn tại V&H Corporation.

Trong thời gian qua, công ty của “Bầu” Đức đã tiến hành một loạt các thương vụ thoái vốn như: Công ty con HAGL Agrico đã chuyển nhượng 100% vốn Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương cho CTCP Sản xuất và Phân phối Nông nghiệp Thadi.

Trong tháng 8 và 9, HAG cũng nhượng toàn bộ 99,875% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đông Pênh và 100% vốn điều lệ của Cao su Trung Nguyên cho Thadi, 47,93% vốn Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh cho Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

Trước đó nữa, nhiều mảng kinh doanh quan trọng khác như mía đường, bò sữa,… cũng được HAGL chuyển nhượng để tái cơ cấu nợ.

Việt Nam vừa có thêm 1 tỷ phú đôla
Nhờ một loạt hoạt động thoái vốn liên tiếp để tái cấu trúc, nợ vay của hệ thống HAGL đã giảm đáng kể. Tính đến thời điểm 30.9.2019, tổng tài sản và nợ phải trả hợp nhất của HAGL lần lượt là 41.900 tỷ và 24.800 tỷ đồng, giảm tương ứng 6.200 tỷ và 6.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Các khoản vay ngắn hạn giảm từ xấp xỉ 7.000 tỷ xuống còn 4.052 tỷ đồng và vay dài hạn giảm từ 14.800 tỷ xuống 10.700 tỷ đồng.

Hiện tại, HAGL còn đầu tư trực tiếp trong 4 mảng, bao gồm nông nghiệp (HAGL Agrico và Hưng Thắng Lợi Gia Lai), bệnh viện (Bệnh viện Đại học Y dược - HAGL), quản lý khách sạn (Công ty TNHH HAGL Vientiane), và cuối cùng là bóng đá (CTCP Thể thao HAGL).

Trong số này, bóng đá là mảng duy nhất tập đoàn đang thua lỗ toàn bộ giá vốn.

Được biết, giá gốc khoản đầu tư tại CLB HAGL là 59 tỷ đồng, tương đương 51% vốn. Hiện tại, toàn bộ khoản đầu tư này đang thua lỗ và phải trích lập dự phòng 100% giá vốn đầu tư.

Trong 9 tháng đầu năm, HAGL lỗ hợp nhất 1.265 tỷ và phải thu hẹp hầu hết mảng kinh doanh. Tuy nhiên, công ty vẫn rót thêm hàng chục tỷ cho bóng đá.

Có thể đánh giá, Bầu Đức là một trong những người góp công lớn vào thành công của nền bóng đá Việt Nam thời gian qua khi giữa muôn vàn khó khăn, thô lỗ, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn không hề từ bỏ những khoản đầu tư cực lớn vào công tác đào tạo bóng đá trẻ.

Thảo luận