Vũ “nhôm” phản đối kết luận giám định
Tại phiên tòa ngày 5/1, bị cáo Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận mình cùng 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng trong việc chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản. Vũ “nhôm” cho rằng việc chuyển nhượng đã diễn ra từ hàng chục năm trước, trong khi cơ quan tố tụng tính thiệt hại căn cứ vào giá trị thời điểm khởi tố vụ án là không hợp lý. Từ đó, bị cáo Vũ đề nghị xử lý nghiêm những người giám định do làm sai luật.
Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đồng quan điểm với bị cáo Phan Văn Anh Vũ khi cho rằng, cáo buộc gây thất thoát tài sản là vô lý. Dự án 29ha ở Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (được đánh giá thiệt hại lớn nhất, hơn 11.000 tỷ đồng), khi doanh nghiệp của bị cáo Phan Văn Anh Vũ tiếp nhận, chưa phải đất sạch, vẫn là mặt nước biển.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đã nêu nhiều câu hỏi với giám định viên các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng định giá Trung ương.
Theo cáo trạng, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại bằng cách lấy giá trị các dự án, nhà, đất công sản tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 4/2018) trừ đi giá chuyển nhượng.
Thắc mắc về cách tính thiệt hại, trong phiên làm việc sáng nay nhiều luật sư đã đặt câu hỏi với đại diện Hội đồng định giá tố tụng Trung ương. Vị đại diện cho biết Hội đồng không phải cơ quan xác định hậu quả thiệt hại vụ án, cũng không có chuyên môn này. Hội đồng chỉ làm theo trưng cầu của cơ quan điều tra với mốc định giá là thời điểm khởi tố vụ án.
Trước câu hỏi căn cứ nào để xác định giá nhà đất do Hội đồng đưa ra là giá thị trường đất, đại điện Hội đồng nêu rõ, quá trình định giá, Hội đồng phải thực hiện định giá theo những nguyên tắc và những phương pháp định giá theo quy định hiện hành.
Cụ thể, liên quan đến nhà đất thì áp dụng theo phương pháp định giá đất theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính tùy theo thời điểm định giá. Việc áp dụng theo các phương pháp này sẽ xác định được giá thị trường đất.
Vũ “nhôm” thành lập nhiều công ty chỉ để kinh doanh bất động sản?
Trả lời luật sư vì sao nhận được dự án 29ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết doanh nghiệp của mình nhận dự án dựa trên văn bản đề nghị của Công ty Daewon Cantavil gửi UBND TP Đà Nẵng để liên doanh. Bị cáo cho rằng, thời điểm giao dự án không phải là đất sạch, sau khi nhận dự án chưa triển khai được do cơ quan điều tra và Thanh tra Chính phủ thanh tra, ông Vũ đã 3 lần có văn bản gửi trả lại TP với mục đích lấy lại tiền ban đầu.
Liên quan tới cáo buộc Vũ “nhôm” thành lập 5 công ty như hồ sơ vụ án thể hiện để thâu tóm bất động sản, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết khi nhận bản cáo trạng, bị cáo rất hoang mang vì “quy kết kinh hoàng, với ý đồ thâu tóm, đầu cơ đất trên địa bàn Đà Nẵng”.
“Tôi là người đi mua, tại sao dùng từ kinh khủng như vậy, tôi không hiểu thâu tóm nghĩa là sao, trục lợi, đầu cơ nghĩa là sao”, ông Vũ thắc mắc.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ khẳng định mình thành lập các công ty với mục đích duy nhất là để kinh doanh bất động sản. Ông Vũ giải thích:
“Việc có 5 công ty là để phân loại các dự án. Một công ty không thể làm tới 5-7 dự án, cũng không phù hợp với quy hoạch từng vùng, từng thành phố”.