Diễn biến mới ở Đồng Tâm: Công an Hà Nội khởi tố vụ án khiến ba chiến sĩ công an hy sinh

Cập nhật tin tức mới liên quan đến vụ gây rối ở Đồng Tâm, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng vĩ khí trái phép và chống người thi hành công vụ khiến 3 chiến sĩ công an và một người dân tử vong xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Sputnik

Công an Hà Nội khởi tố vụ án ở Đồng Tâm với ba tội danh

Thông tin từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hà Nội ngày 10.1 cho biết đã ra quyết định khởi tố về ba tội danh để điều tra vụ việc gây rối ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 9.1.

Cụ thể, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho hay, Công an thành phố Hà Nội tiến hành khởi tố vụ án với các tội danh sau: Giết người, Tàng trữ, sử dụng vĩ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ để điều tra việc các đối tượng kích động ở Đồng Tâm gây rối khiến 3 chiến sĩ công an nhân dân hy sinh, một đối tượng tham gia vụ chống đối lực lượng chức năng cũng tử vong, một người khác bị thương.

Tình hình Đồng Tâm: Công an Hà Nội thông tin vụ gây rối

Liên quan đến vụ án này, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), Đại tá Nguyễn Bình khẳng định, cơ quan điều tra đã bắt giữ 30 đối tượng trong hai năm qua thường xuyên chống đối quyết liệt.

Theo Bộ Công an, từ ngày 31.12.2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây tường rào chắn, bảo vệ sân bay Miếu Môn, Hà Nội theo kế hoạch. Nhiệm vụ xây dựng hơn 1.000 m tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn được giao cho Lữ đoàn công binh 543, Quân khu 2 cùng một số đơn vị khác, thực hiện trên khu đất rộng hơn 236 ha, thuộc địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).

Sáng 9.1 khi cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ mục tiêu tại khu vực thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nhiều người dân quá khích đã tấn công lực lượng chức năng.

Diễn biến mới ở Đồng Tâm: Công an Hà Nội khởi tố vụ án khiến ba chiến sĩ công an hy sinh

Dù các chiến sĩ và đại diện chính quyền dùng loa kêu gọi những người có thái độ chống đối không được hành động quá khích, vượt quá giới hạn nhưng những người này vẫn rất manh động. Các đối tượng có các hành vi tấn công công an, cảnh sát, đại diện cơ quan chức năng như ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng, lưỡi liềm làm tổn thương và gây áp lực với người thi hành công vụ.

Lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 9.1, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết “vụ việc ở Đồng Tâm đang nằm trong tầm kiểm soát, lực lượng chức năng tiếp tục có mặt ở hiện trường để ổn định tình hình”.

Hiện các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

Tướng Phạm Phú Thái: Quân đội được phân đất ở Đồng Tâm làm sân bay quân sự bí mật

Trao đổi về điểm nóng Đồng Tâm với báo chí, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho biết, ông đã theo dõi sự việc này trong một thời gian dài.

Phản ứng của Việt Nam về tàu Trung Quốc vào Biển Đông, Đồng Tâm, nạn nhân vụ cháy ở Nga

Theo Trung tướng Phạm Phú Thái, kể từ hồi 1968, Chính phủ đã cho phép Quân đội xây dựng một “sân bay bí mật” ở khu vực Miếu Môn. Đồng thời, quân đội xây dựng hệ thống hầm giấu máy bay trong các dãy núi song song với đường băng, cách vài trăm mét.

“Đầu tháng 4.1969, khi sân bay bằng đất và hệ thống hầm đã hoàn thành bước một thì chúng tôi nhận lệnh hạ cánh thử nghiệm sân bay và hầm cất giấu máy bay. Khi đó xung quanh sân bay hầu như không có người ở. Sau khi hạ cánh, máy bay được kéo vào hầm dưới sự chỉ huy của Đại tá Phùng Thế Tài. Chui qua hầm sang phía bên kia núi mới thấy người Mường ở trong bản gần đó”, Trung tướng Thái chia sẻ trên VTC News khẳng định.

Đồng thời, theo nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, bản đồ đất Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng làm sân bay có từ năm 1968 và đất này không có tranh chấp. Khu vực đất nêu trên là đất quân sự.

“Nay có quá nhiều bài viết không đúng về tình trạng ban đầu để nói đất tranh chấp và quy trách nhiệm, bôi xấu chính quyền là không được. Đây là lấn chiếm đất công. Nhưng chúng ta không giải quyết ngay từ đầu để phần tử xấu lợi dụng, quyết đòi ăn thua, chiếm đất công. Chỉ cần cơ quan Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không Không quân tìm lại và đưa tấm bản đồ giao đất từ năm 1968 là ổn”, Trung tướng Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân cho biết, có trình trạng buông lỏng quản lý đất công.

“Vấn đề ở Đồng Tâm bị các thế lực chống đối lợi dụng và kích động làm cho những kẻ tham lam nghĩ rằng mình có thể thắng, có thể chiếm được đất và từ đó là tiền”, tướng Thái nêu rõ, đồng thời khuyến nghị người dân nên tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng.
“Còn những ai lợi dụng việc này để kích động thêm sẽ có tội với dân, với nước”, Trung tướng Phạm Phú Thái chốt lại.

ĐBQH: Vụ Đồng Tâm phải xử lý nghiêm để răn đe

Trước vụ việc nghiêm trọng ở Đồng Tâm khiến ba cảnh sát hy sinh, một người dân bị thương, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng lên tiếng chỉ trích những hành vi kích động, tước đoạt tính mạng người khác và làm tổn thương uy tín của chính quyền.

Bộ Công an thông báo về việc 3 chiến sĩ công an hy sinh trong vụ Đồng Tâm

Đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm phải xử lý nghiêm vụ Đồng Tâm để răn đe.

“3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh ở Đồng Tâm là sự việc rất đau buồn, là tổn thất lớn không chỉ riêng của lực lượng Công an. Sáng nay, chúng tôi tiếp xúc cử tri, các cử tri đều bày tỏ sự bất bình, căm phẫn các đối tượng chống đối, coi thường pháp luật và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng này để răn đe, giữ gìn kỷ cương, phép nước”, ĐBQH Dương Xuân Hòa chia sẻ trên CAND.

Trên nguyên tắc, khi cán bộ chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ, họ đại diên cho pháp luật và Nhà nước. Vì vậy, hành vi chống đối với cán bộ chiến sĩ công an khi đang làm nhiệm vụ là chống đối Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng pháp luật.Với những đối tượng cố tình mượn danh nghĩa nhân dân để kích động, chống đối, bất chấp thiện chí và biện pháp giải quyết của chính quyền thì càng cần xử lý nghiêm.

“Là đại biểu dân cử, chúng tôi thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn và các cử tri gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia quyến của các CBCS Công an đã hi sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ, chia sẻ với lực lượng Công an trong mất mát lớn lao này”, đại biểu Hòa bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những kẻ đứng sau.

Đại biểu Phương cho biết, ông rất đau lòng trước sự hy sinh của 3 cán bộ chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ, đồng thời nhận định đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Theo ông, vừa qua đã có kẻ đứng sau kích động, xúi giục, thậm chí bơm tiền để người dân chống đối, gây rối, bạo loạn. Cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ những kẻ này để xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của vụ việc. Phải tìm hiểu rõ cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Về vấn đề kiếu kiện đất đai, cần phân tích, dự báo đúng, chặt chẽ.

“Xin chia buồn sâu sắc với thân nhân, gia đình các cán bộ chiến sỹ hy sinh và bị thương, chúng tôi cũng mong muốn các đồng chí được thực hiện chế độ chính sách phù hợp, sớm công nhận là liệt sỹ CAND. Đồng thời các cơ quan báo chí truyền thông cũng cần thông tin, tuyên truyền về vai trò, sự hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của CBCS, thấy được mất mát, tổn thất để chia sẻ. Đồng thời sớm điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng phạm pháp để cảnh báo, răn đe phòng ngừa chung”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
Diễn biến vụ Đồng Tâm

Năm 1980 Bộ Quốc phòng Việt Nam được giao nhiệm vụ sân bay Miếu Môn trên địa bàn ba xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm. Cụ thể, ngày 14.4.1980, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng đợt 1 sân bay quân sự Miếu Môn với diện tích 208ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Khu đất sân bay quân sự Miếu Môn do Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý.

Chủ tịch Hà Nội nói ông Lê Đình Kình có âm mưu trục lợi vụ Đồng Tâm

Năm 2014, Bộ Quốc phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó tái khẳng định có 46 héc-ta thuộc xã Đồng Tâm.

Trong các ngày 1 và 7.3.2017, số công dân khiếu kiện tại địa bàn đã tổ chức tập trung đông người tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm khi các đoàn công tác của huyện đến thực hiện nhiệm vụ, có nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự.

Vụ việc đỉnh điểm là ngày 15.4.2017, sau khi 4 người bị bắt để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất đai ở xã Đồng Tâm. Điều này gây nên làn sóng phản đối dữ dội của người dân xã Đồng Tâm. Ông Lê Đình Kình (82 tuổi), người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đối với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng bị bắt đi. Ông Kình có hơn 60 năm tuổi Đảng là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm.

Sau vụ việc ông Kình cùng những người khác bị bắt, một số người dân xã Đồng Tâm đã có những hành động quá khích. Có 38 người (gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, các chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động) bị người dân Đồng Tâm giam giữ trong nhà văn hóa thôn Hoành.

Ngày 16.4.2017, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chính thức phát thông tin liên quan đến vụ việc người dân giữ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát ở xã Đồng Tâm. Một ngày sau, người dân thôn Hoành cho biết họ đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Cũng trong ngày này, Công an thành phố Hà Nội cho biết ngày 30.3.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo quy định tại Điều 245-Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 18.4, Công an Hà Nội khẳng định người dân Đồng Tâm đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người tự giải thoát. Đồng thời, 4 người dân Đồng tâm bị bắt trước đó đã được thả, riêng cụ Lê Đình Kình vẫn nằm viện điều trị.

Ngày 22.4.2017, tại hội trường UBND xã Đồng Tâm, Chủ tịch UBND TP Nội Nguyễn Đức Chung đã về gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân; cam kết Thành phố đã ra quyết định Thanh tra 1121 ngày 20.4.2017 thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.

Ngày 24.7.2017, Thanh tra TP Nội đã ra thông báo Kết luận “Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”.

Theo Thanh tra Hà Nội, cơ quan chức năng đã làm rõ nguồn gốc, toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng đất đai cũng như các khiếu nại, tố cáo của người dân. Theo đó, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Không đồng tình với kết luận thanh tra, ông Lê Đình Kình đại diện cho người dân xã Đồng Tâm gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Hà Nội công bố.

Kết luận thanh tra về đất đai xã Đồng Tâm cho thấy điều gì?

Ngày 25.4.2019, Thanh tra Chính phủ công bố Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346 ngày 19.7.2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội về thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

“Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miêu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng. Diện tích đất có sự chênh lệch tại các thời điểm nhưng đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, điều chỉnh bằng quyết định giao đất đúng quy định, đúng thẩm quyền”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Thanh tra Chính phủ còn nhấn mạnh, từ thời điểm Quyết định số 5383/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban được ban hành vào ngày 20.10.2014 trở về trước không có sự tranh chấp về diện tích đất tại sân bay Miếu Môn. Mọi sự vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm, cản trở đơn vị quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trong tháng 8, tháng 11.2019, Thanh tra Chính phủ và đại diện thành phố Hà Nội đã tiến hành các cuộc họp đối thoại với người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn.

Vào cuối năm 2019, lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng hàng rào bảo vệ khu vực sân bay Miếu Môn.

Thảo luận