Tin mới vụ Đồng Tâm: Đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can
Hiện trường vụ gây rối tại xã Đồng Tâm, khu vực sân bay Miếu Môn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội hiện đang bị công an phong tỏa, tất cả các con đường, lối vào xã Đồng Tâm đều bị đóng kín bằng hàng rào. Mọi phương tiện đều không thể ra vào trừ xe của cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ tại đây.
Một lãnh đạo của huyện Mỹ Đức chia sẻ với báo giới cho biết, do vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, nên Trung ương đã điều lực lượng về địa phương giải quyết. Địa phương không có thẩm quyền phát ngôn hay lên tiếng.
Liên quan đến vụ tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng đặc biệt nghiêm trọng xyả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bản tin thời sự của VTV ngày 9.1 cho biết, sau hơn một tuần các đối tượng nhiều lần gây rối, sáng 9.1 khi cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ mục tiêu tại khu vực thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nhiều người dân quá khích đã tấn công lực lượng chức năng.
Dù các chiến sĩ và đại diện chính quyền dùng loa kêu gọi những người có thái độ chống đối không được hành động quá khích, vượt quá giới hạn nhưng những người này vẫn rất manh động. Các đối tượng có các hành vi tấn công công an, cảnh sát, đại diện cơ quan chức năng như ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng, lưỡi liềm làm tổn thương và gây áp lực với người thi hành công vụ.
Hậu quả khiến 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối tử vong, 1 người bị thương.
Tại hiện trường, công an thu giữ 8 quả lựu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng, nhiều pháo nổ và vũ khí gây án khác.
Ngày 9.1, Bộ Công an đã chính thức đưa ra thông tin về vụ gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ xảy ra trong sáng cùng ngày tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9.1.2020, đã có một số đối tượng có hành vi chống đối bằng cách sử dụng lưu đạn, bom xăng, dao phóng nhằm tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ và gây mất trật tự công cộng.
Lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.
Công an Hà Nội thông tin vụ Đồng Tâm: Bắt 30 đối tượng gây rối
Theo lời khai của một đối tượng tên Nguyễn Văn Tuyển (ngụ xã Đồng Tâm) bị bắt trong vụ gây rối khai với cơ quan điều tra về hành vi và động cơ chống đối người thi hành công vụ.
“Cụ Kình bảo rằng, cứ cho 3 thằng chết là phải chạy hết. Không phải bàn cãi nhiều, cứ vào là chiến”, ông Nguyễn Văn Tuyển nói. Lời khai cho thấy sự liều lĩnh của các đối tượng kích động.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), Đại tá Nguyễn Bình cho biết, khi tổ công tác vào cổng thôn Hoành (xã Đồng Tâm) thì bị một nhóm người chống đối quyết liệt. Họ sử dụng quả nổ, bom xăng và 2 quả lựu đạn ném vào tổ công tác, lực lượng chức năng.
“Chúng tôi đã tuyên truyền vận động và yêu cầu các đối tượng không được sử dụng vũ khí và không được tấn công lực lượng chức năng. Chúng tôi xác định có một nhóm khoảng 30 đối tượng, trong 2 năm qua thường xuyên chống đối quyết liệt”, Đại tá Nguyễn Bình nhấn mạnh.
Diễn biến vụ Đồng Tâm
Diễn biến vụ Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng Việt Nam được giao nhiệm vụ sân bay Miếu Môn trên địa bàn ba xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm. Cụ thể, ngày 14.4.1980, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng đợt 1 sân bay quân sự Miếu Môn với diện tích 208ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Khu đất sân bay quân sự Miếu Môn do Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý.
Năm 2014, Bộ Quốc phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó tái khẳng định có 46 héc-ta thuộc xã Đồng Tâm. Đây chính là khu đất đồng Sênh, nơi người dân xã Đồng Tâm canh tác hàng chục năm qua. Người dân Đồng Tâm muốn thành phố làm rõ trắng đen, đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng, và nếu có quyết định thu hồi thì cần có giấy tờ cụ thể, minh chứng rõ ràng. Bởi trước đó, khi dự án sân bay Miếu Môn không được thực hiện, Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã làm thủ tục hợp pháp hóa các giao dịch đất quốc phòng xem như đó là đất thổ cư, đất vườn liền kề, thời hạn sử dụng lâu dài, đất ở cho các hộ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2017 cho biết:
“Về vấn đề tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, vấn đề xảy ra rất đáng tiếc. Mấu chốt câu chuyện là năm 1980, nguyên Phó Thủ tướng Đỗ Mười khi đó ký quyết định giao cho Bộ Quốc phòng 208 ha đất tại xã Đồng Tâm và một số huyện xung quanh để xây dựng sân bay Miếu Môn thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình đã quyết định giao đất, giao mốc giới cho Bộ Quốc phòng. Năm 2014, UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao đất đó, đồng thời đo lại toàn bộ mốc giới và diện tích đất là 236,7 ha, so với 208 ha ban đầu thì có chênh nhau 28,7 ha. Nhân dân xã Đồng Tâm cho rằng diện tích 28,7 ha đó là đất nông nghiệp. Từ đó có sự tranh chấp và giải quyết không thấu tình đạt lý của huyện Mỹ Đức, của TP. Hà Nội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng trong cuộc họp này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ quan điểm phải minh bạch, công khai, công bằng. Nếu như huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm có sai phạm trong vấn đề quản lý sử dụng đất đai, quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo kiến nghị 47 điểm của nhân dân xã Đồng Tâm không đúng, không thể hiện trách nhiệm của cơ quan công quyền thì sẽ xem xét mức độ sai phạm.
Trong các ngày 1 và 7.3.2017, số công dân khiếu kiện tại địa bàn đã tổ chức tập trung đông người tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm khi các đoàn công tác của huyện đến thực hiện nhiệm vụ, có nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự.
Vụ việc đỉnh điểm là ngày 15.4.2017, sau khi 4 người bị bắt để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất đai ở xã Đồng Tâm. Điều này gây nên làn sóng phản đối dữ dội của người dân xã Đồng Tâm. Ông Lê Đình Kình (82 tuổi), người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đối với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng bị bắt đi. Ông Kình có hơn 60 năm tuổi Đảng là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm.
Sau vụ việc ông Kình cùng những người khác bị bắt, một số người dân xã Đồng Tâm đã có những hành động quá khích. Có 38 người (gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, các chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động) bị người dân Đồng Tâm giam giữ trong nhà văn hóa thôn Hoành.
Ngày 16.4.2017, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chính thức phát thông tin liên quan đến vụ việc người dân giữ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát ở xã Đồng Tâm. Một ngày sau, người dân thôn Hoành cho biết họ đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Cũng trong ngày này, Công an thành phố Hà Nội cho biết ngày 30.3.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo quy định tại Điều 245-Bộ luật Hình sự.
Đến ngày 18.4, Công an Hà Nội khẳng định người dân Đồng Tâm đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người tự giải thoát. Đồng thời, 4 người dân Đồng tâm bị bắt trước đó đã được thả, riêng cụ Lê Đình Kình vẫn nằm viện điều trị.
Ngày 22.4.2017, tại hội trường UBND xã Đồng Tâm, Chủ tịch UBND TP Nội Nguyễn Đức Chung đã về gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân; cam kết Thành phố đã ra quyết định Thanh tra 1121 ngày 20.4.2017 thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.
Ngày 24.7.2017, Thanh tra TP Nội đã ra thông báo Kết luận “Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”.
Theo Thanh tra Hà Nội, cơ quan chức năng đã làm rõ nguồn gốc, toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng đất đai cũng như các khiếu nại, tố cáo của người dân. Theo đó, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.
Không đồng tình với kết luận thanh tra, ông Lê Đình Kình đại diện cho người dân xã Đồng Tâm gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Hà Nội công bố.
Ngày 25.4.2019, Thanh tra Chính phủ công bố Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346 ngày 19.7.2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội về thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
“Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miêu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng. Diện tích đất có sự chênh lệch tại các thời điểm nhưng đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, điều chỉnh bằng quyết định giao đất đúng quy định, đúng thẩm quyền”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.
Thanh tra Chính phủ còn nhấn mạnh, từ thời điểm Quyết định số 5383/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban được ban hành vào ngày 20.10.2014 trở về trước không có sự tranh chấp về diện tích đất tại sân bay Miếu Môn. Mọi sự vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm, cản trở đơn vị quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trong tháng 8, tháng 11.2019, Thanh tra Chính phủ và đại diện thành phố Hà Nội đã tiến hành các cuộc họp đối thoại với người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn.
Vào cuối năm 2019, lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng hàng rào bảo vệ khu vực sân bay Miếu Môn.
Trong quá trình xây dựng, sáng 9.1.2020, Bộ Công an phát đi thông tin cho biết một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.
Bộ Công an cho biết, hậu quả vụ gây rối, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm làm 3 chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.
Công an TP.Hà Nội xác nhận, các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Giữa thời bình, giữa thủ đô Hà Nội, 3 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống, một người dân cũng đã ra đi, còn một người bị thương, nhiều người khác phải chịu ảnh hưởng. Vì sao có sự việc như vậy ở Đồng Tâm? Những kẻ coi thường pháp luật, sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác, cần phải bị trừng trị nghiêm minh. Tuy nhiên, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này cần phải được điều tra một cách nghiêm túc để lý giải vì sao tình hình căng thẳng, không tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền cứ kéo dài như thế mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, để không còn ai phải nằm xuống, làm tổn thương lẫn nhau giữa người và người?