“Make in Vietnam” lấy cảm hứng từ đâu?
Khẩu hiệu “Make in..." là một sáng kiến có nguồn gốc từ Ấn Độ, được khởi xướng vào tháng 9 năm 2014. Khẩu hiệu nhằm khích lệ phát triển sản phẩm nội địa và biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Tại Ấn Độ, phong trào “Make In India” đã thu được nhiều thành tựu to lớn và hiệu quả. Đặc biệt, sản xuất smartphone tại Ấn Độ đã chiếm đến 11% sản xuất di động toàn thế giới trong năm 2017, vượt qua Việt Nam để trở thành “công xưởng” di động lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc tính theo sản lượng.
Để gặt hái được những thành quả đó, cả nước Ấn Độ đã thật sự hành động, thật sự dấn thân chứ không phải chỉ hô hào khẩu hiệu suông. Lẽ dĩ nhiên, "Make in India" chỉ có giá trị trong một giai đoạn và bối cảnh nhất định chứ không phải cỗ máy thần kỳ biến ra mọi thứ.
Học hỏi từ người láng giềng Ấn Độ, năm 2015, Trung Quốc đề ra kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”, hướng đến việc nâng cấp toàn diện nền công nghiệp, mà chủ lực là các lĩnh vực công nghệ cao lấy cảm hứng từ sáng kiến Công nghiệp 4.0 của Đức. Mục tiêu của Bắc Kinh là vào năm 2025 có thể tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa lên 70% trong một số ngành công nghiệp trọng yếu.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên cụm từ “Make in Vietnam” được Bộ Thông Tin - Truyền Thông chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ Thông Tin - Truyền Thông giữa Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ” vào tháng 12 năm 2018, khi đề cập đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp ICT Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV sang giới thiệu, trình bày với các cơ quan, doanh nghiệp từ Myanmar.
Tháng 1 năm 2019, “Make in Vietnam” cũng là chủ đề của Triển lãm về công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam thuộc Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Thông Tin - Truyền Thông. Tại đây, các doanh nghiệp trong ngành Thông Tin - Truyền Thông (TT&TT) đã trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…), nhằm khẳng định năng lực và thể hiện sự sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Từ cuối năm 2018, Bộ TT&TT đã tính tới việc cần phải có một slogan cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. “Made in Vietnam”, mang tính chất là sản xuất ở Việt Nam và không có sự chủ động. Còn thông điệp “Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ. Như vậy, cụm từ “Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ”, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết.
Tuyên bố về chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra những vấn đề cần lưu tâm, bao gồm tăng cao năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình. Vậy điều gì có thể giúp Việt Nam hoàn thành những mục tiêu đó?
“Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Cơ hội trong tay người dân Việt
Theo Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính, Ấn Độ là bài học thành công về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ. Thái Lan cũng đã sớm tuyên bố về quốc gia số. Để phát triển bền vững, các quốc gia cần có chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ. Và ở thời điểm này, Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam có thể làm R&D và phải có chính sách kéo lực lượng R&D về Việt Nam. Ngoài ra, cần thu hút nguồn nhân lực của Việt Nam đang làm cho doanh nghiệp nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước. Nếu có chiến lược quốc gia đúng đắn, diện mạo quốc gia sau 5 - 10 năm nữa sẽ thay đổi.
“Nếu chúng ta chỉ làm xuất khẩu phần mềm và lắp ráp thì chuỗi giá trị gia tăng này rất thấp, lợi nhuận chỉ từ 10 - 13%. Chúng ta không nên đi theo các mô hình sản xuất lắp ráp cách đây 20 năm. Để thoát khỏi mô hình này một cách thông minh, chỉ có cách là sản xuất chế tạo bởi con người Việt Nam, công ty tại Việt Nam. Make in Vietnam không chỉ là con người Việt Nam mà cả các công ty nước ngoài tại Việt Nam làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chúng ta cần làm những công việc có năng suất công nghệ và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, đây là con đường thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Nếu chúng ta có chiến lược và con đường đi đúng thì chúng ta có thể đi nhanh hơn các quốc gia đã thành công khác”, ông Chính lý giải.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Đại học FPT, “Make in Vietnam” là tuyên bố thể hiện quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ của Chính phủ Việt Nam, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà đất nước Đông Nam Á đang trở thành một điểm thu hút đầu tư lớn. Tuy nhiên, để khẩu hiệu “Make in Vietnam” thật sự mang lại hiệu quả, ông Nam cho rằng cần hội tụ một số điều kiện.
Thứ nhất, bài toán đặt ra phải thật rõ ràng. Là đất nước có thị trường lớn với 100 triệu dân và mức thu nhập tăng không ngừng, Việt Nam thật sự có cơ hội để làm điều đó. Tuy nhiên, một loạt những rào cản như hạ tầng xã hội thô sơ, dân trí thấp, pháp luật lỏng lẻo,… đang làm cho các vấn đề đan xen nhau, phụ thuộc nhau, rất khó có thể bóc tách thành những bài toán rõ ràng riêng lẽ để có thể dùng công nghệ giải quyết.
Thứ hai là vấn đề thời cơ. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội, ở đó có cạnh tranh. Không những thế, cơ hội càng lớn thì sự cạnh tranh càng khốc liệt. Hoàn toàn không nên và không thể đối đầu với thế giới. Ngược lại, Việt Nam cần mềm dẻo, tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau. Lĩnh vực nào phải được lựa chọn, liệu đó là tài chính hay hậu cần, giao thông hay y tế, chăn nuôi hay giáo dục? Nhìn toàn cục, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho ngành công nghệ Việt Nam trong việc chủ động giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Cuối cùng, cần có một thủ lĩnh tầm cỡ quốc gia để khi thời cơ đến thì biết cách chớp lấy một cách quyết liệt. Đó phải là người tập hợp được tất cả các lực lượng, công nghệ, tài chính, chuyên ngành, pháp luật. Người đó không nhất thế phải ở trong hay ngoài nước Việt Nam, cũng không nhất định phải là công ty to hay công ty nhỏ. Theo ông Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có thể coi là đã dũng cảm đứng ra cầm cờ cho công cuộc “Make in Vietnam” này.
Về phần mình, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty Haravan chia sẻ, doanh nghiệp ông cũng rất mong muốn đem được những trí tuệ, công nghệ phát triển được để có thể ứng dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Văn, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài. Không những thế, còn phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Lấy ví dụ về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Hùng Trần, CEO Công ty Got It nhận định, hơn chục năm trước, chưa ai biết đến Uber, còn doanh nghiệp công nghệ này hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Cũng trong khoảng 10 năm qua, nhiều công ty công nghệ lớn đã hình thành, phát triển và sau khi IPO thì giá trị công ty đã rất lớn, có thể kể đến như Facebook, Google hay một số công ty khác.
“Với tư tưởng đó và dựa trên kinh nghiệm của chính Got It, tôi cho rằng Việt Nam có thể xây dựng được những công ty toàn cầu, đào tạo ra lứa nhân sự làm công nghệ hùng mạnh để gây dựng doanh nghiệp”, ông Hùng Trần tin tưởng.
Vượt qua định kiến của người Việt
Nói về tương lai của “Make in Vietnam”, ông Nguyễn Tử Quảng, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần BKAV nhận định, cơ hội để Việt Nam phát triển dựa vào khoa học công nghệ là rất lớn. Theo ông, để thực hiện “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp khoa học công nghệ rất cần sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ.
“Một điều quan trọng không kém là Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt Nam không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu trên thế giới. Nếu thay đổi định kiến đó, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ, và trong 15 năm tiếp theo có thể trở thành cường quốc về công nghệ”, ông Nguyễn Tử Quảng bày tỏ.
Từ kinh nghiệm của chính doanh nghiệp mình, ông Quảng cho rằng, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong quá trình xây dựng thương hiệu “Make in Vietnam” chính là định kiến: Việt Nam là nước chưa phát triển thì không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu.
“Đặc biệt, đây là định kiến của cả xã hội thì không thể thay đổi một sớm, một chiều mà phải là một công việc trường kỳ”, nhà sáng lập BKAV nhận xét.
Trong khi đó, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo Trần Trọng Tuyến đánh giá, để tạo ra các sản phẩm thương hiệu Việt, băn khoăn nhất hiện nay là định kiến của người dân “phải hàng ngoại mới xịn”. Điều đó gây ra nhiều khó khăn cho việc lựa chọn những thị trường, ngành hàng mà sản phẩm đó vốn dĩ không được sử ủng hộ của người Việt. Để có thể chống lại định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức người tiêu dùng đó là rất khó khăn.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Dương, nguyên Giám đốc Singtel Việt Nam cho rằng, người Việt Nam chưa tin tự mình có thể làm ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. Cần phải thừa nhận, định kiến là một phần của nhận thức, và nó có lý do để hình thành. Người làm thị trường phải coi định kiến là một thực tế và xuất phát từ định kiến chính là xuất phát từ thực tế. Chỉ có thể chinh phục khách hàng dần dần bằng sản phẩm chất lượng và dịch vụ như kỳ vọng.
Chủ tịch HĐQT Công ty MISA Lữ Thành Long nhận định, việc làm sản phẩm công nghệ là bài toán cực kỳ khó, vô cùng thách thức. Doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện làm sao để cả xã hội sử dụng được sản phẩm công nghệ do mình làm ra, làm sao để sản phẩm đó cạnh tranh được với những sản phẩm khác trong nước và cả sản phẩm nước ngoài. Vì thế, nhà sản xuất phải có sự sáng tạo, đồng thời cũng phải rất am hiểu đặc thù của thị trường Việt thì mới có thể tạo ra sản phẩm có giá trị mà lại cạnh tranh được với nước ngoài.
“Chúng ta có đủ sự tự tin để giải quyết các bài toán của Việt Nam một cách rất hiệu quả và cũng trên cơ sở đó, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp phần mềm nói riêng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một cường quốc về công nghệ, có nhiều sản phẩm triển khai thành công ở khu vực cũng như trên thế giới”, ông Long chia sẻ.