Ngày 16/7, phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hợp tác phát triển giữa Bộ Thông tin - Truyền thông và UBND TP HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng ủng hộ việc TP HCM xác định sử dụng công nghệ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và giải quyết các vấn đề của thành phố. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng luôn xác định thành phố là "đầu tàu" về lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), theo VnExpress thông tin.
"Năm 2022 là hạn cuối phải phủ sóng toàn bộ TP HCM, để tương đương New York về hạ tầng viễn thông", ông Hùng nói và đề nghị các doanh nghiệp viễn thông coi sự phát triển của ngành là xây dựng nền tảng hạ tầng chứ "không chỉ thuần túy lợi nhuận".
Nói về lĩnh vực viễn thông, người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá, chỉ 60% người dân thành phố sử dụng điện thoại thông minh là rất thấp, cần đặt ra mục tiêu tất cả người dân đều dùng smartphone, tất cả hộ dân phải có Internet cáp quang.
"Nếu không có hai điều này thì không thể nói TP HCM là thành phố thông minh. Bởi chính quyền điện tử là cung cấp thông tin, dịch vụ công đến mọi người, mọi lúc, mọi nơi", ông Hùng nói.
Về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, người Việt rất có năng lực trong lĩnh vực này nên cần phấn đấu trở thành cường quốc, nếu làm được sẽ giống như trở thành cường quốc quân sự trong thế giới thực.
"Thành phố phải đi đầu về an ninh mạng, không có yếu tố đảm bảo thì không ai dám chuyển đổi số vì rất nguy hiểm. Dữ liệu là số phận con người, an toàn phải đi trước", ông Hùng nhận định.
"Sắp tới thành phố sẽ mời các bộ ngành trung ương cùng góp ý triển khai thực hiện khu đô thị sáng tạo này", ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy cũng gợi ý UBND TP HCM "đặt hàng" Bộ Thông tin - Truyền thông làm chiến lược số hóa dữ liệu "khổng lồ" của thành phố trong 7 năm tới; đề nghị Bộ phối hợp trong việc xây dựng các mô hình mô phỏng và dự báo sự phát triển của thành phố.
Trước đó, báo cáo kết quả sau 6 tháng ký kết hợp tác, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Dương Anh Đức cho biết, Sở và Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông) đã xử lý mã độc hệ thống công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị (hơn 510 máy tính được bóc gỡ mã độc); hợp tác đào tạo, phát triển mã nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng...
Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai bên cũng có một số việc chưa hiệu quả như: phối hợp triển khai thử nghiệm các giải pháp cho đô thị thông minh, ứng dụng Internet vạn vật (IoT).