Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?

Vào lúc 16 giờ chiều 31 tháng 1, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo nhằm thông tin về công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) sau hơn 1 tuần Việt Nam ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên, đồng thời lý giải, vì sao Việt Nam chưa ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh do coronavirus?
Sputnik

Vì sao Việt Nam chưa ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh do coronavirus?

Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp thuộc Bộ Y tế, cho biết Bộ đang hết sức quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người. Tính đến lúc này, Việt Nam mới chỉ ghi nhận các ca bệnh xâm nhập, không phải ca bệnh lây lan trong cộng đồng.

“3 công dân người Việt dương tính với nCoV đều có tiền sử dịch tễ đi từ Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam . 2 trường hợp cha con ruột người Trung cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì người cha cũng đến từ Vũ Hán, còn người con tiếp xúc rất gần với bố nên cũng coi là ca mang tính chất xâm nhập. Tôi xin khẳng định hiện nay tại Việt Nam chưa có, chưa thấy có ca bệnh do sự lây lan của cộng đồng ”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Về việc công bố tình trạng khẩn cấp, đến nay vẫn là điều chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

“Công bố đó chỉ có tính chất kêu gọi quốc gia chung tay phòng chống dịch bệnh: Đưa ra giải pháp, tạo nguồn lực hợp tác... Đối chiếu ở Việt Nam, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta đã làm các biện pháp rất mạnh để đáp ứng phòng dịch chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị cho nguồn lực, yêu cầu các ban ngành chính quyền vào cuộc... Các động thái này còn làm trước khi có tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp của WHO” - PGS Trần Đắc Phu nói.

Bộ Y tế: Việt Nam chưa hề có trường hợp tử vong do nhiễm coronavirus
Tuy nhiên liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chiều 31.1 cho biết:

“Sáng nay Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã họp và xác nhận đủ cơ sở pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh này đối với đất nước chúng ta”, ông Mẫn phát biểu tại hội nghị trực tuyến đột xuất với 63 tỉnh, thành nhằm phổ biến, quán triệt Chỉ thị 05 của Thủ tướng và Công văn số 79 của Ban Bí thư, đồng thời hướng dẫn về công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh virus corona.

Trước câu hỏi liệu người dân có nên tụ tập tham gia lễ hội hay không, PGS Trần Đắc Phu cho biết hiện tại virus corona còn nhiều ẩn số. Do đó, nếu không có việc thực sự cần thiết, người dân không nên đến chỗ đông người. Và nếu không khẩn cấp, cũng không nên tổ chức các sự kiện đông người. Việc du xuân, lễ hội cũng nên gác lại để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

“Dịch đến đâu Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu, căn cứ vào dịch bệnh lây lan. Còn các trường học chưa có khuyến cáo học sinh nghỉ học vì chưa có ca lây lan ra cộng đồng (5 ca mắc nCoV đều qua vùng dịch Trung Quốc). Còn nếu có sự lây lan khác thì sẽ có các động thái xử lý tiếp theo”, PGS Phu chia sẻ về việc cho học sinh nghỉ học.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nếu thấy có dấu hiệu mắc bệnh, học sinh cần được đưa đến ngay cơ sở y tế. Nếu phát hiện ca bệnh, ngành sẽ cách ly, điều trị và có thể sẽ đưa ra khuyến cáo phù hợp với tình hình.

“Chúng ta không được đáp ứng kém nhưng phải đáp ứng hợp lý đối với sức khoẻ, an ninh của người dân”, ông Phu nhấn mạnh.

WHO đánh giá cao quyết tâm chống dịch coronavirus của Việt Nam

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hôm nay ngày 31 tháng 1, WHO đã chính thức tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với dịch nCoV. Những yếu tố được WHO đưa ra bao gồm: Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra quốc tế và khả năng cần thiết phải có sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn bệnh dịch. Tuy nhiên, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào dựa trên thông tin hiện có.

Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?
Bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam- Trung tâm ứng cứu, cho biết, việc công bố nhằm mục đích khẳng định chúng ta cần có sự phối hợp toàn cầu, hỗ trợ lẫn nhau để đáp ứng phòng chống dịch bệnh.

“Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thắc mắc thậm chí sợ hãi của công chúng sau khi của WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, tôi khẳng định sự công bố này không nâng mức đe dọa của dịch bệnh trên toàn cầu. Chúng ta nhìn nhận thực tế rằng phần lớn ca bệnh chỉ được báo cáo tại Trung Quốc. Tuy đã có ca xâm nhập ra 22 nước khác nhưng chỉ chiếm số ca rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại hơn tới việc dịch này lây lan sang các nước mà y tế chưa đủ mạnh để đáp ứng việc ngăn chặn dịch bệnh”, bà Satoko nói.

Chuyên gia WHO cũng đánh giá cao Việt Nam trong giám sát phát hiện sớm và cách ly ca bệnh, nhận thấy rất rõ mức độ cam kết cao nhất của chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó và phòng chống dịch bệnh. WHO hoàn toàn tin tưởng năng lực ứng phó của Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch.

Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?

Bộ Y tế Việt Nam: Không thiếu khẩu trang y tế

Trước câu hỏi về nguồn cung khẩu trang, khẩu trang y tế đang được đẩy giá, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết đã gửi công văn cho các đơn vị sản xuất trong nước, đánh giá năng lực sản xuất, số lượng hàng tồn kho và đốc thúc báo cáo. Hiện khó khăn là sau nghỉ tết nhiều doanh nghiệp công nhân chưa quay lại làm việc, chưa đi vào sản xuất. Bộ yêu cầu các đơn vị phải có trách nhiệm bình ổn giá, không bán cho các cơ sở bán hàng đẩy giá, trước mắt đáp ứng cho các cơ sở y tế phòng chống dịch.

Theo ông Hiếu, năng lực sản xuất của các đơn vị hiện nay đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước. Ông Hiếu thừa nhận, vài ngày gần đây đã có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tâm lý người dân để gom hàng và đẩy giá. Bộ Y tế đã và sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để kiểm soát, kiểm tra xử phạt về tình hình tăng giá khẩu trang bất thường.

“Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị sản xuất báo cáo lại tình trạng tồn kho, khả năng sản xuất. Nâng cao kiểm tra, giám sát, xử phạt những đơn vị nâng giá khẩu trang”, ông Hiếu khẳng định.
Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?

Bộ Y tế cho biết, tính đến 13:30 ngày 31 tháng 1, toàn thế giới đã có 9.833 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 213 trường hợp tử vong. Trong đó, chỉ tính riêng ở Trung Quốc đã có 9699 ca mắc và 213 ca tử vong. Hiện Trung Quốc còn hơn 15.200 ca nghi nhiễm chờ xét nghiệm và hơn 1.500 ca mắc nCoV nguy kịch, hơn 102.000 người đang được theo dõi.

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 5 trường hợp, trong đó có 2 công dân Trung Quốc (một người đã khỏi). 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Việt Nam có 97 trường hợp nghi nhiễm, trong đó có 65 trường hợp xét nghiệm âm tính với nCoV và 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi.

Sẽ miễn cước đến cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế 19003228

Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) mới gây ra, Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng 19003228 để sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân có nhu cầu tư vấn. Tuy nhiên, nhiều độc giả phản ánh, mức giá cước 5.000 đồng/1 phút là quá cao trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên toàn cầu.

Việt Nam cần thêm trung tâm xét nghiệm những trường hợp nghi nhiễm virus nCoV
Chiều 31 tháng 1, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết từ ngày 1.2.2020, ngành y tế sẽ miễn cước cuộc gọi đến đường dây nóng số 19003228. Theo ông Trung, trước đó số điện này được bệnh viện sử dụng cho việc đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại, số điện thoại này đã được sử dụng để cung cấp thông tin cho người bệnh.

Cùng ngày 31 tháng 1, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Cường cho biết, để hỗ trợ người dân tiếp cận đường dây nóng 19003228, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp miễn cước gọi đến số dịch vụ này kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 2 năm 2020.

Việt Nam ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc

Ngày 31.1, hàng không Việt Nam ra hàng loạt thông báo ngừng bay tới Trung Quốc thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc hạn chế đưa/đón hành khách từ vùng có dịch.

Vietjet Air công bố kế hoạch ngừng bay các đường bay tới Trung Quốc. Theo đó, hãng ngừng khai thác ngay từ ngày mai 1.2.2020.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam- Vietnam Airlines thông báo sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến từ ngày 4.2.2020. Tiếp đến là các chặng bay giữa Việt Nam và Thành Đô từ ngày 5.2, giữa Việt Nam và Ma Cao từ ngày 6.2. Đối với các đường bay đi Hong Kong, hãng sẽ tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hong Kong từ ngày 6.2 và giảm tần suất đường bay TP.HCM - Hong Kong từ 10 chuyến/tuần xuống 7 chuyến/tuần.

Việt Nam sẵn sàng đóng cửa biên giới với Trung Quốc vì coronavirus?
Đại diện của Vietnam Airlines khẳng định, các máy bay sau khi bay từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ được hãng tiến hành khử trùng để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus corona.

Jetstar Pacific cũng tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hong Kong từ ngày 6.2, Hà Nội - Quảng Châu từ ngày 9.2 và TP.HCM - Quảng Châu từ ngày 11.2.

Hành khách có nhu cầu sẽ được Vietnam Airlines và Jetstar Pacific hoàn vé miễn phí hoặc chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay sớm trước khi hai hãng tạm ngừng khai thác.

Tất cả hành khách, đặc biệt là công dân Việt Nam, tại Trung Quốc có kế hoạch về Việt Nam trên chuyến bay của hai hãng, cần chủ động sắp xếp lịch trình trở về nước trước hạn trên. Hành khách có dự định đến các sân bay tại Trung Quốc trong thời gian này nên cân nhắc, theo dõi và cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh và thông tin từ các hãng hàng không.

“Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Tạm dừng việc cấp  thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc biệt. Dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch. Cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Tình hình dịch bệnh biến phức tạp và nguy cơ lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán cao nên nhiều hãng hàng không của Việt Nam và quốc tế đã quyết định ngừng khai thác các đường bay đến và đi từ các sân bay Trung Quốc.

Việt Nam viện trợ Trung Quốc chống dịch coronavirus

Ngày 31.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thường trực Chính phủ quyết định viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona gây nên.

“Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch cúm virus Corona lan rộng”, cổng thông tin điện tử Chính phủ thông tin cho biết.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD và 7 tỉnh biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân nước bạn trong giai đoạn khó khăn này.

Trước đó, ngày 27-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiến hành gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường liên quan đến tình hình dịch bệnh. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc, những nỗ lực to lớn của chính quyền địa phương và nhân dân Trung Quốc thời gian qua trong việc chống dịch bệnh, kiểm soát tình hình.

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, trong khả năng của mình, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tích cực hợp tác trong cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Người dân không nên hoang mang về coronavirus

Cũng trong ngày 31.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Việt Nam thành lập Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh coronavirus
Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Việt Nam nêu rõ, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn do có đường biên giới dài với Trung Quốc, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn, khách du lịch, lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc và lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam đông.

“Các Bộ, ban, ngành, địa phương đã chủ động, có nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh, Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 4 bệnh viện tuyến quân đội Trung ương trong việc sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và đang kiểm soát tốt tình hình”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.

Việt Nam có khả năng điều trị thành công bệnh viêm phổi do coronavirus?
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, các tổ chức, cá nhân phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong, phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng.

Thủ tướng yêu cầu, hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội, tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức, yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội.

Đặc biệt, trước tình trạng người dân hoang mang đổ xô đi mua khẩu trang, thiết bị y tế, chất diệt khuẩn, nhiều của hàng thuốc đã tăng giá không kiểm soát, Thủ tướng chỉ đạo nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các bộ, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý việc này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?

Các bộ, ngành, địa phương kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại tại tất cả cửa khẩu biên giới, dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc, tăng cường việc giám sát công dân, lao động Trung Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam về quê ăn tết nay trở lại Việt Nam, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh trong vòng 14 ngày, cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh; thực hiện việc khử trùng các điểm nghi ngờ dịch bệnh theo quy định.

“Tạm thời đóng các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh”, Chỉ thị số 06 nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu người dân không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả.

“Đề nghị nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc che dấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh”, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định.
Bộ Y tế họp báo về dịch coronavirus: Việt Nam có ban bố tình trạng khẩn cấp?
Thảo luận