Cuộc tuyệt chủng hàng loạt mới. Các nhà khoa học cảnh báo về sự biến mất của các loài sinh vật

Năm ngoái, Úc đã xác nhận sự tuyệt chủng đầu tiên của một loài động vật có vú là kết quả của sự biến đổi khí hậu. Đây là loài chuột nâu Úc Melomys rubicola, sự nóng lên toàn cầu đã tước đi môi trường sống quen thuộc của chúng.
Sputnik

Theo báo cáo của Cơ quan Liên chính phủ về tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES), thú mỏ vịt, rùa, cá voi sát thủ Thái Bình Dương và khoảng một triệu loài thực vật và động vật khác bị đe dọa tuyệt chủng trong tương lai gần. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu Đan Mạch và Thụy Điển, vào cuối thế kỷ, gần như tất cả các loài động vật đang bị đe dọa sẽ biến mất, điều đó có nghĩa là hành tinh chúng ta đã bước vào kỷ nguyên tuyệt chủng hàng loạt mới.

Xác định nguyên nhân thật sự gây tuyệt chủng toàn cầu

Ngay cả côn trùng cũng đang biến mất

Theo các chuyên gia của IPBES, 1/10 loài thực vật và động vật hiện có sẽ biến mất trong những thập kỷ tới. Hơn 40% các loài lưỡng cư, gần 33% san hô tái sinh và hơn 1/3 động vật có vú sống ở biển bị đe dọa. Gần một phần tư của tất cả các loài trên cạn cũng đang bị đe dóa tuyệt chủng.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã ghi nhận sự sụt giảm nhanh chóng số lượng côn trùng. Theo dữ liệu mới nhất, sinh khối côn trùng giảm 2,5% mỗi năm. Trong số các khu vực bị ảnh hưởng nhất trên hành tinh chúng ta là vùng nhiệt đới của Puerto Rico, nơi trong 36 năm qua, sinh khối côn trùng đã giảm 78-98%. Các nhà nghiên cứu lưu ý: sự suy giảm số lượng côn trùng dẫn đến sự tuyệt chủng của chim, ếch và thằn lằn ăn chúng.

"Có chú ý đến tốc độ tuyệt chủng tăng nhanh và tốc độ suy giảm số lượng các loài động vật và thực vật, chúng ta đang sống trong thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt mới. Nhưng, rõ ràng, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ này. Hậu quả tàn khốc nhất và trong nhiều trường hợp không thể đảo ngược vẫn chưa đến”, - chuyên gia Alexei Zimenko, Giám đốc Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã lưu ý trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Hoạt động của con người thúc đẩy quá trình tuyệt chủng

Hầu hết các tác giả nghiên cứu đổ lỗi cho con người về tình hình thảm khốc hiện nay. Theo IPBES, con người đã thay đổi diện mạo của 75% điện tích đất và bằng cách nào đó đã ảnh hưởng đến 40% diện tích đại dương trên hành tinh. Ngày nay, hơn một phần ba bề mặt được sử dụng cho nhu cầu nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây và chăn thả. Khoảng một phần ba cá thương phẩm bị đánh bắt quá mức. Tính tổng cộng, con người khai thác tới 60 tỷ tấn tài nguyên tái tạo và không tái tạo mỗi năm. Tức là, gấp hai lần so với 50 năm trước.

Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc, các quần thể động vật có xương sống đã bắt đầu giảm mạnh vào cuối thế kỷ XIX, khi ở nhiều nước trên thế giới bắt đầu quá trình công nghiệp hóa. Các chuyên gia đã phân tích hơn mười nghìn nghiên cứu về sự đa dạng di truyền của 2764 loài. Kết luận thật đáng thất vọng: số lượng động vật bị đe dọa giảm 25% mỗi 10 năm. Hơn nữa, hiện nay một quần thể trung bình của các loài có nguy cơ tuyệt chủng chỉ bằng 5% số lượng của chúng vào cuối thế kỷ XIX.

Vô số cá trích chết hàng loạt ở vùng đảo Sakhalin
“Tôi không muốn đánh giá về tốc độ tuyệt chủng, về mặt này nên xem dữ liệu của các nhóm nghiên cứu có thẩm quyền, kể cả của các tổ chức quốc tế. Nhưng, tôi chắc chắn rằng, tình hình là hết sức nguy hiểm. Những chỉ số như vậy không phải là đặc điểm của thời kỳ ổn định trong sự phát triển của sinh quyển mà giống với thời kỳ thảm khốc trong lịch sử Trái đất.Trong tương lai, các loài động vật và thực vật trong môi trường sống bị thu hẹp, trong các khu vực mà con người khai thác quá mức (thảo nguyên) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất (và đã bị ảnh hưởng), ngoài ra, còn có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (cận nhiệt đới khô, Bắc cực). Cũng có nguy cơ đang đe dọa các loài động vật ăn thịt do vấn đề với dinh dưỡng vì có một lượng lớn chất ô nhiễm tích tụ trong thực phẩm của chúng”, - ông Alexey Zimenko cho biết,

Vương quốc của loài gặm nhấm

Báo động: Rùa đang dần biến mất

Các nhà sinh học Đan Mạch và Thụy Điển ước tính rằng, 99,9% các loài động vật đang bị đe dọa và 67% các loài dễ bị tổn thương sẽ biến mất trong thế kỷ này. Trước hết, đây là động vật lớn (Megafauna) - voi và tê giác sẽ biến mất, và quần thể động vật nhỏ như chuột sẽ gia tăng. Đồng thời, để khôi phục sự đa dạng sinh học ở mức ít nhất như mức hiện tại, hành tinh chúng ta phải mất từ ​​ba đến năm triệu năm. Hai triệu năm nữa là cần thiết để trở lại sự đa dạng sinh học đã tồn tại trước khi Homo sapiens bắt đầu hoạt động tích cực.

Các tác giả cho rằng trong tương lai Trái đất có thể trở thành vương quốc của loài gặm nhấm: chúng có thể dễ dàng thích nghi với điều kiện sống mới. Do đó, chúng sẽ có thể sống sót sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt mới. Còn sự tuyệt chủng của các loài voi - voi Ấn Độ và voi châu Phi - sẽ chặt một nhánh khác trên cây tiến hóa. Các nhà khoa học đề nghị trước hết nên nỗ lực cứu những động vật như vậy. Trong số các loài ưu tiên có tê giác đen, gấu trúc đỏ và vượn cáo Indri.

Cuộc tuyệt chủng hàng loạt mới. Các nhà khoa học cảnh báo về sự biến mất của các loài sinh vật
“Các loài đang bị đe dọa ngày hôm nay sẽ biến mất nếu chúng ta không thay đổi các chính sách và thực tiễn sử dụng đất đai gây hại cho các hệ sinh thái tự nhiên. Nếu không có gì thay đổi thì các chức năng của hệ sinh thái sẽ bị mất hoặc giảm đáng kể mà các chức năng này bảo đảm sự sống của con người. Trong trường hợp tốt nhất, sự tuyệt chủng hàng loạt sẽ dẫn đến sự đổi mới hoàn toàn của sinh quyển: sẽ hình thành các hệ thống tự nhiên mới, cảnh quan mới, hệ thực vật và động vật khác. Để có như vậy phải mất nhiều triệu năm. Kết quả là, thiên nhiên có khả năng sống sót, nhưng sẽ có một bản chất hoàn toàn khác. Tôi không chắc chắn về việc trong sinh quyển mới sẽ có một nơi dành cho con người", - ông Alexei Zimenko kết luận.
Thảo luận