Đừng quá lo về coronavirus: Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên

Dịch viêm phổi do virus corona gây ra sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nếu biết hành động ngay để tận dụng. Việt Nam hoàn toàn có thể giành lấy đơn hàng và xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, có nhiều tín hiệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam là ngôi sao đang lên.
Sputnik

Coronavirus: Đi kèm khó khăn là cơ hội cho kinh tế Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hiện đã ghi nhận nhiều tác động tiêu cực, trực tiếp lẫn gián tiếp lên nền kinh tế Việt Nam do dịch viêm phổi cấp gây ra bởi virus corona chủng mới. Nếu có thể khống chế dịch ngay trong quý I, tăng trưởng GDP của quý cũng có thể chỉ đạt 3,8%, thay vì mục tiêu 6,52% mà Chính phủ đề ra trước đó.

Dịch coronavirus đánh vào nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể tạm thời giảm sút, Việt Nam hoàn toàn có thể lấy lại đà tăng trưởng nhanh hơn sau khi dập dịch. Tuy nhiên, Chính phủ cần có kịch bản kinh tế phù hợp để tận dụng các cơ hội sắp tới.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ với Zing, cho rằng ưu tiên số 1 ở thời điểm hiện tại là tập trung phòng chống và dập dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến việc tháo gỡ các khó khăn để phát triển kinh tế.

Theo ông Ngân, một cách hiển nhiên dịch corona sẽ mang lại những khó khăn trước mắt về kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng những tác động này chỉ là ngắn hạn. Điều quan trọng là sau dịch, Chính phủ có những kịch bản phát triển như thế nào để hồi phục lại đà tăng trưởng.

Việt Nam cần sẵn sàng đón đầu giành lấy đơn đặt hàng sau dịch coronavirus

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, một cơ hội cho kinh tế Việt Nam mà dịch virus corona mang lại là việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thế giới sau dịch, do có cơ cấu hàng hóa tương đồng với Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, Việt Nam hoàn toàn có thể giành lấy các đơn đặt hàng này.

Nếu thành công nhận được các đơn đặt hàng, Việt Nam sẽ chứng tỏ mình hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dịch viêm phổi do virus Corona sẽ đánh vào kinh tế Việt Nam như thế nào?

Cùng chung ý kiến trên, TS kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội sau khi khống chế thành công dịch bệnh, từ đó hồi phục đà tăng trưởng.

Tiến sĩ Hiển cho rằng, nhiều chuyên gia quốc tế đã dự đoán cao trào dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ rơi vào trung tuần tháng 2. Nhiều khả năng, dịch bệnh sẽ cơ bản được khống chế vào cuối tháng 3.

Khi đó, trên 70% lãnh thổ Việt Nam sẽ có nắng xuân, thời tiết ấm dần khiến dịch khó lan tỏa. Như vậy, dịch bệnh cũng có thể được khống chế ở tầm y học.

“Như vậy chỉ còn 1,5 tháng nữa để chuẩn bị. Giờ là lúc cần tính toán thiệt hại, sắp xếp tài chính, hỗ trợ, chuẩn bị nguyên vật liệu để có thể tăng tốc sản xuất từ cuối tháng 3”, Tiến sĩ Hiển nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, sau dịch, Trung Quốc sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, sẽ có những thuận lợi lớn nếu hiện nay doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thời cơ, xem đây là thời kỳ chuẩn bị để đón đầu các đơn hàng sau dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về giá thành rẻ, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên dễ dàng tận dụng được các cơ hội mở ra.

Về nông sản, TS Hiển cho rằng nông dân hoàn toàn có thể canh tác, chuẩn bị hàng hóa để tận dụng nhu cầu tăng mạnh sau dịch. Nhất là trong thời điểm hiện tại, nông dân Trung Quốc cũng đang không sản xuất được vì dịch bệnh, nên mặt hàng nông sản có thể thiếu trầm trọng vào những tháng tới.

Sau dịch, nhu cầu về nông sản tại Trung Quốc lại tăng lên nhanh chóng sau một thời gian dồn nén. Kế tiếp đó là các ngành dịch vụ, bán lẻ, du lịch cũng hoạt động, đẩy mạnh trở lại khiến nhu cầu nông sản cũng tăng theo.

Do vậy, nông nghiệp Việt Nam cần nắm bắt đúng chu kỳ sau dịch để sản xuất đón đầu nhằm bắt kịp cung ứng. Bộ Nông nghiệp cần nhận định để hướng nông dân chuẩn bị. Các ngành khác như thương mại, dịch vụ, du lịch… nên tập trung chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới.

“Chúng ta phải lạc quan lên, đừng quá lo lắng vì dịch bệnh này. Đây chính là cơ hội của Việt Nam cho chặng đường dài, bởi nước ta đang có rất nhiều thuận lợi phía trước, kinh tế còn rất nhiều cơ hội để bật dậy”, TS Hiển nhấn mạnh.

Tầm nhìn dài hạn cho kinh tế Việt Nam sau dịch coronavirus

Chờ đợi gì ở nền kinh tế Việt Nam 2020?
Cho rằng dịch virus corona là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh tái cơ cấu lại kinh tế với tầm nhìn dài hạn, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhận định đã đến lúc cần đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đặc biệt, nên tránh quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu từ Trung Quốc.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần nhanh chóng đầu tư vào các chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu ngay trong nước, nhất là ở những ngành quan trọng như dệt may, da giày, điện tử…

Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm bạn hàng mới, không nên bấu víu vào một thị trường cụ thể.

Về phần Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm tạo đà cho phát triển, không chỉ sau dịch mà là trong dài hạn. Ngày thời điểm này, khi dịch vẫn đang diễn ra, khi các ngành kinh tế đình trệ thì hoàn toàn có thể dồn lực vào xây dựng hạ tầng.

Đừng quá lo về coronavirus: Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên

Theo ông, việc xây dựng cơ sở hạ tầng này là “một mũi tên bắn trúng hai đích”. Bởi lẽ, các dự án hạ tầng vừa kích cầu, đóng góp cho tăng trưởng trong ngắn hạn, bù đắp các ngành khác đang ảm đạm, lại vừa có thể khơi thông nguồn lực, tạo đà cho phát triển dài hạn.

“Đẩy nhanh hơn việc đầu tư cao tốc, sửa chữa sân bay, để khi kinh tế phát triển có cơ hội đẩy nhanh hơn nữa”, ông nói.

Cùng quan điểm trên, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng và chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất. Ví dụ, Việt Nam có thể tự xây thêm các nhà máy nguyên phụ liệu, hay tìm thêm các nguồn cung cấp từ nước khác như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… để đề phòng bất trắc.

Vừa qua, việc nông sản không xuất đi được cho thấy đây không chỉ là do virus corona, mà còn bộc lộ điểm yếu của ngành nông nghiệp. Theo đó, hàng nông sản cần đi theo hướng sản xuất, cung ứng chính ngạch, sản xuất đại trà đi kèm chế biến sâu.

TS Đinh Thế Hiển khuyến nghị, về lâu dài, cần đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu, sản xuất có chế biến sâu kèm theo.

Việt Nam liệu có tung gói hỗ trợ nền kinh tế?

Về vấn đề tung ra gói kích thích kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng việc này cần hết sức cân nhắc, dựa trên bài học về các gói kích thích, các chương trình hỗ trợ đã ban hành trong quá khứ. Việc đưa ra gói kích thích có thể cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, giải quyết được đúng vấn đề. Đại biểu Ngân nhấn mạnh, việc triển khai gói thế nào mới là quan trọng. Tức là phải đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ, phát huy hiệu quả hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

“Chắp cánh” cho kinh tế Việt Nam – chỉ nên xem 5G là điều kiện cần và chưa đủ

Về phần mình, TS Đinh Thế Hiển cho rằng nếu tung gói kích thích kinh tế, cần phải tính đến “đường dài”. Gói hỗ trợ này có thể là công cụ để Chính phủ định hướng việc chuyển dịch cơ cấu, nghĩa là hỗ trợ cho sản xuất tương lai nhiều hơn là bù đắp những thiệt hại trong quá khứ.

Lấy ví dụ, TS Hiển cho rằng có thể hỗ trợ một phần nào đó cho những người trồng thanh long, dưa hấu… thiệt hại bởi dịch, không xuất khẩu được do tắc biên. Tuy nhiên, để căn cơ hơn, cần hỗ trợ họ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, nâng cao giá trị hàng nông sản, để có thể xuất đến những thị trường khó tính hơn, tạo thu nhập cao hơn cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, phải chuẩn bị nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp, dự án sản xuất, tăng chế biến - chế tạo, hỗ trợ các dự án sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam thay thế nhập khẩu.

PwC: Thế giới bi quan về tăng trưởng nhưng Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên

Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp toàn cầu do PwC lần thứ 23 mới thực hiện với sự tham gia của 1500 CEO đến từ 83 quốc gia khác nhau trên thế giới công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos Thụy Sĩ vừa qua cho thấy, có đến 53% các lãnh đạo CEO tỏ ra bi quan khi nhận định kinh tế thế giới sẽ có xu hướng tăng trưởng giảm đi trong năm 2020 này.

Tình huống đang theo chiều hướng xấu đi. Năm 2019, PwC công bố mức 29% CEO tin rằng kinh tế thế giới sẽ sụt giảm.

Liệu Mỹ có gây khó cho kinh tế Việt Nam 2020?

Ở chiều hướng ngược lại, chỉ có 42% CEO dự đoán triển vọng kinh tế được cải thiện vào năm 2019 giảm xuống chỉ còn 22% vào năm 2020.

Mức độ bi quan của các CEO khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Đông với lần lượt tỉ lệ 63%, 59% và 57%. Các lãnh đạo từ những khu vực này dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức thấp hơn trong năm 2020 này.

Khác với cái nhìn bi quan của giới lãnh đạo doanh nghiệp các quốc gia Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Đông, các CEO trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức độ lạc quan cao nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới, với 35% dự đoán tăng trưởng và đặc biệt 15% kỳ vọng mức tăng trưởng cao trong 12 tháng tới.

PwC cũng khẳng định kết quả này khá tương thích với cuôc khảo sát giới lãnh đạo doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương năm 2019, khi có 34% các CEO trong lĩnh vực này giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp trong năm kế tiếp.

“Có thể thấy sự lạc quan chung giữa các CEO Việt Nam và trong khối APEC về triển vọng phát triển trong năm tới, khi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến và là nguồn đầu tư nước ngoài hấp dẫn, thêm vào đó là tăng trưởng vững vàng của thị trường nội địa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt và thức thời về các nhân tố ảnh hưởng để sẵn sàng đối phó và thích ứng với những thách thức trong tương lai”, VNF dẫn phân tích của Tổng Giám đốc PwC của Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân khẳng định.

Các CEO tham gia khảo sát của PwC lần thứ 23 cũng tỏ ra không mấy tích cực về triển vọng của công ty mình trong năm tiếp theo. Chỉ  27% các CEO cho biết họ đang “cực kỳ tự tin” về tăng trưởng 12 tháng tới - mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2009 và suy giảm so với con số 35% của năm ngoái. 

Ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC nhận định: “Về mặt tích cực, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ mức độ bi quan kỷ lục, thì bên cạnh đó vẫn còn có những cơ hội thực sự. Với chiến lược nhanh nhạy, sự tập trung sắc bén trước những kỳ vọng đang thay đổi của các bên liên quan, cùng với kinh nghiệm mà nhiều lãnh đạo đã đúc kết được trong bối cảnh đầy thách thức mười năm vừa qua, lãnh đạo các doanh nghiệp có thể định hướng qua giai đoạn suy thoái kinh tế này và tiếp tục vươn lên để phát triển”.

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2019, PwC cũng đưa ra báo cáo “Kinh doanh xuyên lãnh thổ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2019 – 2020”, theo đó, các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam lập kỷ lục mới

Có tới 49% trong tổng số 1.000 lãnh đạo được khảo sát cho biết họ rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong năm tiếp theo, so với chỉ số trung bình trong khối APEC là 34%. Trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC có hiện diện tại Việt Nam, 44% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào quốc gia này trong năm tới, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu.

“Giữa những áp lực có thể tiên liệu được từ các rào cản thương mại lên các nền kinh tế trong khu vực cũng như Việt Nam, Việt Nam vẫn đang vươn lên theo đà tăng trưởng cùng với sự lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp được củng cố , và nền kinh tế tiếp tục thu hút nguồn đầu tư không chỉ từ nước ngoài mà còn từ chính nguồn lực kinh tế trong nước”, bà Quỳnh Vân nhấn mạnh.
Thảo luận