Nhà quan sát Tùng Dương dẫn ý kiến của các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga. Thêm nữa, quan sát viên lưu ý là «ngoài việc tăng sức mạnh cho mũi tấn công của bộ binh cơ giới thì vẫn tồn tại yêu cầu quan trọng là bảo vệ đội hình tác chiến trước các cú đánh đường không của đối phương, do vậy cần có tổ hợp chiến đấu phòng không đủ mạnh, với khả năng cơ động cao (dùng bánh xích) và phát huy hoả lực kịp thời trong khi vẫn hành tiến.
«Derivatsya-Phòng không» thay cho huyền thoại «Shilka»?
Tác giả bài viết nêu đề xuất theo gương Lực lượng Vũ trang Nga và dần thay thế các hệ thống phòng không quân sự tự hành lỗi thời trong các đơn vị bộ binh Việt Nam (ví dụ, pháo phòng không tự hành 23-4 «Shilka» do Liên Xô sản xuất) bằng những hệ thống hiện đại. Chuyên gia này cho rằng phương án thích hợp hơn cả là hệ thống pháo phòng không của Nga 2S38 «Derivatsya-Phòng không», thực hiện trên khung gầm BMP-3.
Hệ thống 2S38 còn mới mẻ và chưa gia nhập hệ trang bị của quân đội Nga.
«Việc thử nghiệm hệ thống «Derivatsya-Phòng không» theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2021, còn khâu cung cấp các mẫu sản xuất hàng loạt đầu tiên của tổ hợp này cho Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga dự trù vào năm 2022», - đại diện chính thức của nhà phát triển- chế tạo là tập đoàn «Uralvagonzavod» tuyên bố với Sputnik trong thời gian Triển lãm Defexpo India-2020.
Hiện nay, hệ thống pháo 2S38 «Derivatsya-Phòng không» chưa có mặt trong bảng giới thiệu mẫu mã chính thức của «Rosoboronexport». Nhưng, xét theo các thông điệp của «Rosoboronexport», biến thể xuất khẩu của hệ thống này có thể ra mắt khá sớm. Như xác nhận của các nhà phát triển và chuyên gia, tổ hợp mới sẽ là vô đối trên thế giới. Nó có thể bao quát che chở cho đội quân từ trên không, trong đó về tính hiệu quả triệt hạ những mục tiêu kích thước nhỏ và tốc độ thấp, nó ít có gì thua kém khác biệt so với tổ hợp tên lửa phòng không, nhưng lại rẻ hơn đáng kể khi vận hành. Ngoài ra, hệ thống «Derivatsya-Phòng không» có thể đương đầu ngon lành với cả những mục tiêu trên mặt đất trong vai trò vũ khí yểm trợ.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, trưởng chuyên gia thiết kế-thử nghiệm của tập đoàn Nga là ông Ilya Kryzhin nói rằng sở dĩ cần phải sáng chế các mẫu «ống thổi» mới cho hệ thống phòng không quân sự là bởi... «sự phát triển như vũ bão về máy bay không người lái. Trong khi đó nếu để chống lại máy bay không người lái kích thước bé và tương đối rẻ tiền mà sử dụng loại tên lửa phòng không dù cỡ nhỏ nhất cũng là lãng phí. Do đó, đã có đề xuất phát triển hệ thống pháo phòng không quân sự cỡ nòng 57 mm.
«Đã sáng chế mẫu súng phòng không tự động có cỡ nòng như vậy, đủ khả năng dùng đạn pháo 57 mm hiện có cũng như thích ứng với các sản phẩm triển vọng (như cầu chì điện tử tiếp xúc từ xa và đạn phụ xuyên giáp). Súng kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại có thể bao phủ che chắn hiệu quả cho các đơn vị của lực lượng mặt đất khỏi đòn tấn công của UAV, của tên lửa hành trình, cũng như đòn đánh từ trực thăng tấn công và máy bay cường kích».
Nhưng tại sao ở Nga lại chọn chính loại cỡ nòng có vẻ đã bị lãng quên đến thế - 57 mm, không hơn không kém? Ông Ilya Kryzhin trả lời như sau:
«Đây là cỡ nòng tối ưu dành cho hệ thống đang nói tới. Dùng pháo mạnh hơn (76-100 mm – tức là cỡ nòng của pháo phòng không trong Thế chiến II) thì khung gầm của xe chiến đấu bộ binh không chịu được. Mà đối với bộ binh thì một yêu cầu quan trọng là tính cơ động linh hoạt, súng phòng không cỡ như vậy giúp vừa đảm bảo di chuyển tốt trong đội hình chiến đấu cùng với xe thiết giáp lại vừa có khả năng lội nước. Khung gầm nặng hơn sẽ không thể bơi. Cỡ nòng nhỏ hơn (23-40 mm) thì thua kém về tầm sát thương và sức mạnh hỏa lực chung. Do đó, 57 mm là cỡ nòng hợp lý nhất, cả về trọng lượng, hỏa lực và tổ hợp chiến đấu».
Súng phòng không mới có thể bắn đón đạn pháo từ nhiều hệ thống tên lửa phản lực, cũng như đủ sức nhắm vào triệt hạ các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước. Đạn pháo 57 mm điểm huyệt là tử thần đối với xe bọc thép, những ổ hoả lực liên hồi, tàu đổ bộ hoặc tuần tra.
Cần xe BMP-3? Ngay bây giờ cũng có!
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 là thứ Việt Nam có thể mua ngay từ bây giờ. Cỗ xe này và phiên bản sửa đổi của nó dành cho thủy quân lục chiến BMP-3F đã được giới thiệu trong phần trưng bày của «Rosoboronexport» tại Triển lãm Defense & Security Expo Vietnam tổ chức hồi mùa thu năm 2019 ở Hà Nội, thu hút sự chú ý của nhiều vị khách hàng tiềm năng. Và không phải là chuyện ngẫu nhiên. BMP-3 hội đủ các đặc tính của xe thiết giáp lội nước bánh xích, tính tiêm kích của tăng và xe yểm trợ hỏa lực. Trong mẫu xe này kết hợp hài hòa giữa sức mạnh hỏa lực, tính cơ động cao, khả năng lội nước (hai bộ phản lực nước cho tốc độ lên tới 10 km/h) và được bảo vệ tốt (ngoài thân xe bọc thép, đó là hệ thống bảo vệ chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, có thiết bị chữa cháy, hệ thống màn chắn và tản khói), thì BMP-3 còn được trang bị các phương tiện liên lạc và điều khiển hỏa lực hiện đại (hoạt động suốt ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết), cũng như thiết bị tự đào bới. Tổ lái - 3 người, đổ bộ - 7-9 người, tầm xa di chuyển – tới 600 km.