EVFTA và EVIPA được chính thức thông qua: Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh

“Để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của EU và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức về lao động, kỹ năng, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường,…”, PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam bình luận với Sputnik.
Sputnik

Như chúng ta đã biết, tại phiên họp toàn thể chiều 12.2 ở Strasbourg, Pháp Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư thế hệ mới, có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững, được các chuyên gia đánh giá là tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

EVFTA và EVIPA được chính thức thông qua: Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh

Để hiểu rõ và sâu hơn về 2 Hiệp định nói trên và ý nghĩa của nó, Sputnik đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

EVFTA và EVIPA là gì?

Sputnik: Thưa Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh, đánh giá của ông về ý nghĩa của sự kiện trên như thế nào?

PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam: 

Việt Nam lên tiếng việc Ủy ban Thương mại quốc tế thông qua EVFTA với Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, cho đến khi được nghị viện châu Âu thông qua, đã trải qua tiến trình rất dài và phức tạp. EVFTA được khởi động đàm phán từ năm 2010 và đến năm 2012 thì chính thức tuyên bố khởi động đàm phán qua nhiều cấp, nhiều vòng khác nhau. Đến ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán. Sau đó hiệp định này được tách thành hai hiệp định là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Có thể thấy rằng việc ký kết được hiệp định với 28 nước thành viên EU, khác nhau về cả trình độ quản trị nền kinh tế, toan tính và lợi ích của từng nước, đã khiến cho việc đàm phán ký kết trở thành một quá trình rất dài và phức tạp, nhưng cuối cùng Việt Nam cũng đã vượt qua.

EVFTA là một hiệp định thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên EU (gồm 28 nước). Đây là một trong hai hiệp định có phạm vi toàn diện, chất lượng cao, mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay (cùng với CPTPP). Hiệp định thương mại tự do EVFTA bao gồm 17 chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản kèm theo, bao gồm không chỉ các vấn đề về thương mại, mà còn liên quan đến các vấn đề đầu tư, quản trị quốc gia, bảo vệ quyền con người, lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ

Những lợi thế EVFTA và EVIPA mang lại cho Việt Nam và Liên minh châu Âu

Sputnik: Việt Nam có những lợi thế gì đặc biệt từ những Hiệp định này và EU có lợi thế gì? Ai lợi hơn ai? Hiệp định EVFTA được các chuyên gia xem là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mở ra cơ hội thâm nhập thị trưởng EU với quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. Quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam:

Có thể nói, khi cả 2 bên đã cùng thống nhất và thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU sau một quá trình đàm phán và đồng thuận rất dài và nan giải như đã nêu, chắc chắn hai bên phải cùng nhìn thấy lợi ích của mình trong đó. Sẽ không có cân nhắc ai lợi hơn ai vì khi đã ký kết và thông qua, cả hai bên tham gia đã phải tự nhìn thấy lợi ích của mình trong đó đủ lớn trong tương quan cả với lợi ích của bên đối tác để cùng ký kết và thông qua hiệp định này.

Ủy ban Thương mại quốc tế thông qua EVFTA với Việt Nam

Hiện EU là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa, với giá trị xuất khẩu sang thị trường này năm 2018 đạt 41,88 tỷ USD, chiếm 17,2% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Ghi nhận bởi Tổng cục thống kê, từ năm 1995 trở lại đây, Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại đối với EU. Tuy nhiên, so với tổng kim ngạch nhập khẩu của EU thì tỷ lệ hàng hóa Việt Nam ở thị trường này còn rất nhỏ. So với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 6,387 nghìn tỷ USD năm 2018 của EU, hàng hóa từ Việt Nam chỉ đạt 45,62 tỷ USD, tức chiếm tỷ lệ 0,7% (Số liệu từ IMF).

Do vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ là một cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp mở rộng hơn nữa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản và các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đây chính là cơ hội cho các mặt hàng lợi thế của Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng. Theo các cam kết, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực. Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm hiệp định này có hiệu lực là hơn 99%. Những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong hiệp định sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các ngành hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, nông sản…

Lấy ví dụ, hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. Vì thế ngành này kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ cán mốc 40 tỷ USD khi có EVFTA.

EVFTA: Tạo uy tín cho hàng Việt Nam

Cùng với những lợi thế do Hiệp định Bảo hộ Đầu tư hứa hẹn mang lại, EVFTA và EVIPA sẽ tạo ra một đòn bẩy lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Với EU,thứ nhất, EVFTA mở cửa miễn thuế hoàn toàn, theo lộ trình gỡ bỏ ngay khoảng 50% các dòng thuế và 100% sau 7-10 năm tới cho hàng hóa của EU. Thứ hai, máy móc, thiết bị của EU với giá miễn giảm thuế sẽ được nhập khẩu và đáp ứng được nhu cầu lớn của các doanh nghiệp ở một đất nước đang trên con đường công nghiệp hóa như Việt Nam. Sau đó, dịch vụ, các sản phẩm lợi thế của EU như sản phẩm hóa dược, thuốc men chất lượng cao được mở cửa với một thị trường lớn, tiềm năng và nhu cầu về chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngày càng cao như Việt Nam. Cuối cùng, thông qua EVFTA, EU sẽ đạt được mục đích lan tỏa những giá trị về phát triển bền vững của mình tới các thị trường đối tác, bên cạnh những giá trị thương mại-đầu tư-kinh tế.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh

Sputnik: Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, dòng vốn FDI vào Việt Nam không chỉ từ các nước EU mà cả từ các quốc gia khác sẽ tăng mạnh nhờ sự dịch chuyển sang để hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế. Ông có phân tích gì về vấn đề này?

PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam:

Trước hết, những cam kết về đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong IPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Với quy mô đầu tư lên tới 22 tỷ USD trong những năm gần đây, chắc chắn môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện và cải thiện đáng kể. Dòng đầu tư lớn sẽ tạo ra sức hấp dẫn và môi trường lớn trong chuỗi giá trị mới cũng như các mối quan hệ hợp tác mới trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động.

EVFTA chưa tạo bùng nổ đơn hàng dệt may xuất khẩu

Ngoài ra, EVFTA với các cam kết vô cùng cởi mở, tiến bộ giúp đảm bảo một môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn tại Việt Nam, tăng độ mở cửa và tính liên kết chặt chẽ của Việt Nam với các thị trường thế giới, trong khu vực khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành. Tất cả những điều kiện trên, cùng với việc thị trường EU với quy mô 18.000 tỷ USD sẽ mở cửa đối với hàng hóa xuất sang từ Việt Nam, sẽ là đường dẫn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và của các nước chủ đầu tư tiềm năng khác vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, những ngành hàng khác cũng được hưởng lợi gián tiếp như: ngành logistics, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Để tận dụng được ưu thế của các Hiệp định thương mại, chắc chắn hệ thống luật pháp cùng cơ sở hạ tầng về đường xá, giao thông, logistics cần phát triển mạnh để thích ứng với điều kiện phát triển cao hơn. Đặc biệt, EU cũng là đối tác hợp tác toàn diện với Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, hai bên còn có khả năng rất lớn trong việc chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng lực thể chế. Đây là điều kiện rất tốt để các nhà đầu tư từ các nước đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, để có thể tận dụng những lợi thế mà EVFTA và EVIPA mang lại.

Những thách thức cho những nhà sản xuất trong nước

Sputnik: Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh phát biểu rằng, Hiệp định này tạo cú hích cho xuất khẩu Việt Nam, rồi có ý kiến cho rằng nó sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trường Việt Nam, và nhiều ưu thế, lợi ích khác nữ. Cũng đã đễ dàng nhận thấy điều đó qua những phân tích trên của ông. Vậy, chẳng lẽ sẽ không có nguy cơ gì cho sản xuất trong nước? Và nếu có, đó là nguy cơ gì? Và theo ông, Việt Nam phải làm gì để thực hiện Hiệp định này hiệu quả?

PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam:

Hiệp định này đúng là sẽ tạo cú hích cho xuất khẩu Việt Nam và làm cho thị trường Việt Nam thêm hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư. Đối với cam kết mở cửa thị trường của EU, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với khoảng 0.3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Sự thật buồn: Hơn 70% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam "không biết gì" về CPTPP và EVFTA

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất cho những nhà sản xuất trong nước sẽ là nâng tầm năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất, để không chỉ đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của một thị trường khó tính bậc nhất thế giới là EU, mà còn để cạnh tranh được với chính những sản phẩm có chất lượng cao được nhập khẩu từ EU tại thị trường trong nước. Một trong điểm đáng chú ý của EVFTA, là cam kết sở hữu trí tuệ, gồm các cam kết về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bằng sáng chế, thông tin bí mật. Cần phải lưu ý rằng EU là một thị trường thu nhập cao, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu rất lớn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của EU và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng chế biến trong xuất khẩu, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức về lao động, kỹ năng, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường ... Đặc biệt, vấn đề đảm bảo quy tắc nguồn gốc xuất xứ sẽ là một trong những trở ngại lớn nhất, và cũng là rủi ro cần lưu ý nhất của hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường EU.

Để nắm bắt những cơ hội từ EVFTA không là điều dễ dàng. Hàng hóa xuất nhập khẩu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan, ưu đãi phi thuế  quan, hay hạn ngạch như cam kết thì cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ với nguyên tắc hàm lượng giá trị nội khối không dưới 40%. Điều quan trọng nhất các doanh nghiệp cần làm là chủ động trong tìm hiểu về EVFTA, các cơ hội và thách thức, chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng lao động, tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, môi trường, quy tắc xuất xứ. Các doanh nghiệp cũng cần xem xét lập bộ phận nghiên cứu về EVFTA tùy theo quy mô của doanh nghiệp và tích cực tham gia, tổ chức các cuộc hội thảo, bàn luận về tác động của EVFTA…

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải cải cách hệ thống luật pháp tạo điều kiện dễ dàng và giảm bớt thủ tục cho nhà đầu tư.

Sputnik: Cảm ơn Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh.
 

Thảo luận