Phản ứng của Việt Nam khi INTA khuyến nghị phê chuẩn EVFTA và EVIPA
“Việt Nam hoan nghênh việc Uỷ ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu (INTA) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đề nghị Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Chúng tôi trông đợi INTA sẽ sớm trình hồ sơ phê chuẩn các Hiệp định lên Nghị viện châu Âu để xem xét và thông qua trong thời gian tới”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của Việt Nam và Liên minh châu Âu, tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Tín hiệu tích cực của EU đến Việt Nam và ASEAN
“Khi đi vào triển khai, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế liên khu vực Á – Âu, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á – Âu và trên thế giới”, Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết.
Trên cổng thông tin chính thức của Nghị viện châu Âu, thông báo chính thức của Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) dẫn lời của đặc phái viên Geert Bourgeois cho biết:
“Với việc nhất trí đối với thỏa thuận thương mại với Việt Nam,Ủy ban thương mại đang đưa ra một tín hiệu tích cực với khu vực ASEAN và những khu vực còn lại trên thế giới ngay tại thời điểm mà các căng thẳng thương mại đang gia tăng”. Bên cạnh tầm quan trọng về kinh tế và vị trí địa lý, tôi tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy quá trình cải cách tại Việt Nam”, ông Geert Bourgeois khẳng định.
“Hiệp định này sẽ loại bỏ hầu như toàn bộ thuế quan giữa hai bên trong vòng mười năm. Các thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp bảo vệ cho các sản phẩm đặc trưng của Châu Âu, và cho phép châu Âu tiếp cận thị trường mua sắm công của Việt Nam”, Thông cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu nêu rõ.
Ủy ban Thương mại quốc tế thông qua EVFTA với Việt Nam
Ngày 21.1, tại thủ đô Brussels của Bỉ, một sự kiện vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra.
Tổng số có 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng (tương đương tỷ lệ phiếu 29/6/5), Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
EVFTA gồm có 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ…Hiệp địn này được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng vốn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua.
Ngoài ra, các đại biểu của INTA đã nhất trí thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tưu EU- Việt Nam (EVIPA) với 26/39 phiếu thuận của các đại biểu.
Theo thỏa thuận, về thuế quan, sau khi ký kết và Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ tiến hành xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được dỡ bỏ sau 7 năm.
Trong khi đó Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xóa trong vòng 10 năm tiếp theo.
Theo kế hoạch dự kiến, phiên họp toàn thể của EP sẽ bỏ phiếu về hai Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) vào giữa tháng hai tới tại Strasbourg, Pháp.
Theo đó, nếu được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực sau một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau về quá trình thủ tục và pháp lý kết thúc.
Việc ký các hiệp định EVFTA và EVIPA với EU là kết quả quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua. Đây là những hiệp định được đánh giá là toàn diện nhất giữa EU với một nước đối tác đang phát triển ở mức độ cam kết sâu rộng, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.
Một số nghiên cứu và ý kiến của chuyên gia chỉ ra rằng, Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.