Kỳ thi THPT quốc gia 2020 diễn ra từ 23-26/7
Ngay sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, chiều 22/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thống nhất điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký công văn gửi Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố về việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên để xây dựng kế hoạch học bù, đảm bảo chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia của cả nước.
Bộ GD&ĐT cho biết, khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được điều chỉnh như sau: Các trường phải kết thúc năm học trước ngày 30/6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8. Đáng chú ý, kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ diễn ra trong 4 ngày (23/7-26/7).
Bộ GD&ĐT yêu cầu căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho năm học 2020-2021.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 2/3.
Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Bộ cùng các địa phương đã bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo và hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn.
Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2020
Theo Bộ GD&ĐT, ngoài việc lùi thời gian tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019.
Cụ thể, kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, đảm bảo kết quả đánh giá trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Đồng thời, là cơ sở cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh các quy trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Được biết, năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia. Theo Bộ GD&ĐT, tài liệu để các thí sinh tham khảo trong định hướng ôn tập tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 đã được Bộ công bố. Tỷ lệ về độ khó của các câu hỏi trong đề không thay đổi.
Tuy nhiên, đó chỉ là định hướng về định dạng và cấu trúc đề thi, nội dung của đề thi năm 2020 có thể vẫn được khai thác ở các đơn vị kiến thức đó hoặc các đơn vị kiến thức khác thuộc các chủ đề theo cấu trúc của các đề thi nói trên.