Bộ Giáo dục và Đào tạo: Học sinh đến lớp trở lại từ ngày 2.3
Sau cuộc họp của Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây nên, Bộ y tế cho biết từ ngày 13.2.2020 đến nay (đã 8 ngày) liên tiếp Việt Nam vẫn chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới.
Hôm nay, cổng thông tin Chính phủ dẫn cập nhật của Bộ Y tế, trên tổng số 16 trường hợp dương tính với Covid-19, đã có 15 trường hợp khỏi bệnh. Một trường hợp còn lại vẫn đang được theo dõi, tình trạng sức khỏe tốt, tiến triển hết sức khả quan. Hiện chỉ còn 28 trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly.
Các chuyên gia y tế Việt Nam cùng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục công nhận công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp ở Việt Nam được kiểm soát rất tốt và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Việt Nam đã an toàn”.
“Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn. Đặc biệt, để phòng chống dịch bệnh, chúng ta không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. Thay vào đó chúng ta chọn giải pháp khó hơn là vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo các điều kiện đi lại của người dân, du khách. Chúng ta tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Xét ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, ở nhiều quốc gia ghi nhận những trường hợp nhiễm virus corona như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, học sinh và sinh viên đều đi học bình thường. Ở các cơ sở đào tạo của họ, giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh đều không cần đeo khẩu trang.
Hay ngay tại Trung Quốc, hiện vẫn đang triển khai chương trình đào tạo theo hai hình thức. Trừ Bắc Kinh, Hồ Bắc, Thiên Tân, Cát Lâm hiện vẫn chưa cho phép sinh viên, học sinh đến trường, các tỉnh và khu vực còn lại đều bắt đầu đi học trở lại từ tháng ba tới đây.
Theo ông Tô Anh Dũng, đương nhiên, mọi công tác đảm bảo vệ sinh an toàn dịch tễ, các cơ sở giáo dục, đào tạo đều triển khai nhiều biện pháp tiến hành tiêu trùng khử độ trường học, rà soát đầy đủ các trường hợp có nghi ngờ nhiễm bệnh, khuyến cáo giáo viên, học sinh rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn cũng như hạn chế nhiều hoạt động ngoại khóa, tránh tụ tập đông người. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng có khuyến nghị, với tình hình hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Đối với thời điểm cho sinh viên, học sinh đi học trở lại, hiện ở Việt Nam, các địa phương đang bất đồng quan điểm. Theo đó, hầu hết các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam đều muốn cho học sinh, sinh viên đi học lại vào đầu tháng 3 tới. Riêng TP.HCM đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng ba.
Trao đổi tại buổi làm việc của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các trường học đều đã tiến hành nhiều biện pháp phòng dịch cần thiết, tiêu trùng khử độc. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sinh viên và học sinh sẽ an toàn khi đến trường, không đối mặt với nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, theo quy định, chỉ có địa phương có dịch mới được phép cho sinh viên, học sinh nghỉ học. Nếu tiếp tục kép dài thời gian nghỉ, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện chương trình đào tạo.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đang xem xét phương án cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2.3 tới đây.
Cũng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia, với cơ sở xem xét phân tích điều kiện thực tiễn công tác phòng chống dịch, các điều kiện về y tế và kinh nghiệm các nước, nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đều đồng tình với đề xuất cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng ba.
Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, đối với các trường hợp như học sinh THPT, các cháu đã lớn, có ý thức và tự chăm sóc bản thân thì có thể tổ chức cho đi học trở lại ngay trong tuần tới để tránh ảnh hưởng tới việc học tập và thi cử.
Trong tình hình diễn biến dịch viêm phổi cấp do virus corona gây nên ở Trung Quốc và nhiều quốc gia, các vùng lãnh thổ khác đang diễn biến hết sức phức tạp, thì Việt Nam đang kiểm soát rất tốt tình hình và không chủ quan, tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ về dịch tễ, không lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội cho học sinh đi học lại vào ngày 2.3
Chiều 21.2, trong buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đồng ý với đề xuất của liên sở Giáo dục- Đào tạo và Y tế, cho phép học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố nghỉ học tiếp đến hết ngày 1.3 và tất cả đi học trở lại từ ngày 2.3.
Cũng trong ngày hôm nay, liên sở Giáo dục- Đào tạo và Y tế thành phố thống nhất kiến nghị Ban Chỉ đạo Phòng, Chống dịch Covid-19 cho phép học sinh trên địa bàn thành phố tiếp tục nghỉ một tuần nữa hết ngày 1.3.
Lắng nghe đề xuất của liên sở, Chủ tịch Hà Nội đã đặt câu hỏi, cơ sở nào để quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ tiếp một tuần?
“Các đồng chí hãy nêu cho tôi những căn cứ để cho học sinh nghỉ học, căn cứ nào hay cứ theo phong trào. Việc cho học sinh nghỉ học phải có căn cứ, phải thuyết phục. Các trường dân lập, các trường quốc tế hiện nay đang rất khó khăn. Hiện nay Hà Nội đang thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng thôi, còn trên địa bàn thành phố Hà Nội đến giờ phút này chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm chéo. Hà Nội cũng không phải vùng có dịch, còn mục tiêu của chúng ta là đưa nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho người dân và sức khỏe của các cháu học sinh là số một. Thứ hai, không được để xảy ra việc lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, việc đề xuất cho học sinh nghỉ học tiếp phải có căn cứ vào đâu”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Chung, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Văn Quý cho hay, việc xem xét cho học sinh, sinh viên được nghỉ như hiện nay dựa trên hai tiêu chí, đó chính là an toàn và an tâm. Nếu đảm bảo được hai tiêu chí này thì có thể cho người học trở lại trường.
“Về an toàn thì hiện nay vẫn có nguy cơ khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Một số nước vẫn có ca bệnh tăng lên. Còn tại Hà Nội vẫn còn hơn 400 trường hợp phải giám sát, nguy cơ thì vẫn có. Còn về tiêu chí an tâm, vừa qua đã có thăm dò với học sinh, trường học. Kết quả có trên 85% giáo viên đề nghị cho học sinh nghỉ tiếp, trên 95% phụ huynh học sinh vẫn còn ý kiến cho học sinh nghỉ. Ngoài ra Bộ Giáo dục - đào tạo cũng có văn bản đề nghị các tỉnh cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết.
“Hiện nay thành phố còn hơn 400 trường hợp cách ly tại cộng đồng và hơn 60 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, nếu không may có một trường hợp thì cũng không an toàn. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mục tiêu phấn đấu không để một trường hợp nào lây nhiễm chéo trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe người dân, cộng đồng là số 1. Vì vậy, Ban chỉ đạo thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học hết ngày 1.3, tinh thần sẽ cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2.3”, ông Chung nêu rõ.
Tuy nhiên, để đảm bảo mọi công tác vệ sinh an toàn dịch tễ, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thực hiện việc phun khử trùng, khử khuẩn vào cuối tuần. Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu phải đảm bảo tập huấn cho các trường về đo thân nhiệt, đặc biệt phải trang bị mỗi phòng học có một máy nhiệt kế điện tử để đo thân nhiệt.
Chia sẻ về câu chuyện cho học sinh nghỉ học, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng “đến nay cũng là rất mạnh”.
“Thực tình, ở góc độ chuyên môn y tế, chúng tôi cho là hơi mạnh quá. Bởi thật ra, chỉ cần đóng cửa trường học ở những nơi có dịch, đợi hết thì mở trở lại. Chứ còn địa phương không có dịch, cho các em nghỉ chủ yếu để an dân thôi”, ông Long cho biết.