Ngày nay, khi cả nhân loại cố gắng tự bảo vệ mình khỏi một loại virus đáng gờm, và những thông tin về cuộc chiến chống lại căn bệnh này giống như các báo cáo từ nơi chiến trận, chúng tôi muốn nói về những người đã nỗ lực cứu sống hàng trăm ngàn người - về các chiến sĩ quân y trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Nhờ có họ, hơn 70% số người bị thương và hơn 90% số chiến binh bị bệnh đã trở lại đội ngũ trong những năm chiến tranh. 116 nghìn chiến sĩ quân y đã được trao tặng các huân chương và huy chương. 47 người trong số họ được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô, trong số đó có 17 phụ nữ.
Các bác sĩ phẫu thuật quân y đã thực hiện các ca mổ phức tạp dưới hoả lực địch, khi không có đủ thuốc. Số người bị thương cần được giúp đỡ khẩn cấp nhiều đến nỗi các bác sĩ và y tá phải làm việc suốt nhiều ngày liền. Nhiều khi họ bị ngất vì đói, nhưng, không phải vì không có gì để ăn, mà vì bác sĩ hoặc y tá không thể nghỉ dù chỉ một giây. Các chiến sĩ quân y trên tiền tuyến đã đối mặt nhiều mối đe dọa như các binh sĩ. Từ năm 1941 đến năm 1945, khoảng 85 nghìn chiến sĩ quân y đã thiệt mạng hoặc mất tích, trong đó có 5 nghìn bác sĩ và 9 nghìn nhân viên y tế. Các bác sĩ không chỉ thực hiện những ca phẫu thuật, họ đã phát triển các loại phẫu thuật mới, như bác sĩ nổi tiếng Nikolai Burdenko, người đã đề xuất một phương pháp mới để điều trị các vết thương sọ não hở và cứu sống hàng ngàn người.
Trong điều kiện khó khăn nhất, các bác sĩ đã thực hiện nghĩa vụ chính của mình - cứu sống. Trong năm 1941, bác sĩ quân y hạng 2 Georgy Sinyakov đã bị phát xít Đức bắt làm tù binh cùng với những người lính bị thương. Trong trại tập trung, anh ta cũng làm việc như một bác sĩ trong bệnh viện. Sinyakov đã thực hiện nhiều ca mổ, kể cả cho người Đức, nhờ đó anh bắt đầu nhận các khẩu phần bổ sung, mà anh đã chia sẻ với các tù nhân khác. Bác sĩ đã phát triển một loại thuốc mỡ đặc biệt để chữa lành các vết thương và vết trầy xước da, nhưng, bề mặt vết thương trông giống như nó lâu lành. Nhờ đó, anh ta có thể nói với người Đức rằng, thuốc này không có tác dụng. Sau một thời gian bệnh nhân giả vờ chết - bác sĩ đã dạy các tù nhân giả vờ chết một cách tự nhiên - rồi “xác chết” được đưa ra khỏi trại và bị ném vào hào, và từ đó tù nhân có thể trốn khỏi trại giam. Bằng cách này, hàng chục tù binh đã được cứu. Vào tháng 1 năm 1945, khi Quân đội Liên Xô tiến gần trại giam và người Đức cố gắng xóa đi những dấu vết tội ác do họ gây ra, Sinyakov đã thuyết phục được những người lính Đức không giết những tù binh còn lại. Anh đã chào mừng ngày Chiến thắng ở Berlin.
Các cô y tá đã đóng vai trò thiên thần hộ mệnh cho những người lính và sĩ quan. Những cô gái trẻ mong manh đã cứu những người lính bị thương. Trong một giờ, chiến y tá có thể mang vác 5-6 binh sĩ, sau đó, không cần nghỉ ngơi, tiến hành băng bó và giúp đỡ trong ca phẫu thuật. Gần 71 nghìn nữ y tá đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh. Khoảng 40 giây là thời gian trung bình cô y tá có thể sống sót trên tiền tuyến năm 1941. Đây chỉ là một vài ví dụ về cuộc đời ngắn ngủi cao đẹp của họ.
Vào tháng 9 năm 1941, cô y tá Tamara Kalnin đã chở những người bị thương đến bệnh viện. Trên đường đi, một chiếc máy bay phát xít đã bắn vào xe cứu thương. Tài xế thiệt mạng, xe bốc cháy. Tamara đã đưa tất cả những người bị thương ra khỏi xe, nhưng đã bị bỏng nặng. Cô vất vả đi bộ đến biện viện quân y, báo cáo những gì đã xảy ra và nơi có những người bị thương. Sau đó, cô đã chết vì bị bỏng và nhiễm độc máu. Vào mùa thu năm 1943, trong các trận đánh giải phóng ngôi làng Verbovaya trên bờ sông Dnepr đã có nhiều người thiệt mạng và bị thương. Sau khi dựng lều cho những người bị thương trước khi đưa họ đến bệnh viện, các đơn vị quân đội đã rời khỏi đó. Chờ xe cứu thương cùng với những người bị thương có chiến y tá Valeria Gnarovskaya. Vào lúc bình minh, chiếc xe tăng Tiger của bọn phát xít xuất hiện từ phía sau. Gnarovskaya đã lấy các túi lựu đạn của những người bị thương và đã hy sinh bản thân bằng cách lấy thân mình để chặn chiếc xe tăng. Với cái giá là mạng sống của mình, cô đã cứu được 70 binh sĩ bị thương.
Đến tháng 5 năm 1942, nữ y tá 18 tuổi Irina Levchenko đã mang vác 168 người bị thương khỏi chiến trường. Năm 1942, quân đội Liên Xô đã có các trận đánh trên Bán đảo Kerch. Các xe tăng đã bắt đầu chiến dịch tấn công. Đằng sau một chiếc xe tăng, cô y tá Levchenko đang chạy với chiếc túi y tế. Cô gái đã giúp những người bị thương ra khỏi chiếc xe tăng bị cháy, trong khi bản thân cô bị thương nặng. Sau khi hồi phục, cô đã được phép vào Học viên Xe tăng, và sau khi tốt nghiệp, cô trở lại mặt trận. Cô đã lái xe tăng để cứu những người bị thương. Cô đã chào mừng chiến thắng gần Berlin. Năm 1961, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã trao tặng cho Irina Levchenko Huy Chương Florence Nightingale để ghi nhận đóng góp của cô trong việc giúp đỡ những người bị thương và bị bệnh tật trong cả thời chiến và thời bình.
Ngày nay, các bác sĩ và chiến y tá của quân đội Nga tiếp tục giúp đỡ và cứu sống người dân ở quê nhà cũng như ở hàng chục quốc gia trên thế giới.