6.359 sĩ quan và tướng lĩnh, hơn 4.500 chiến sĩ và hạ sĩ quan của Lực lượng Vũ trang Liên Xô đã tham gia sự nghiệp kháng chiến đánh bại cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam. Tình nghĩa anh em chiến đấu - thuật ngữ này mô tả rõ nhất mối quan hệ giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô và các sĩ quan chiến sĩ của QĐND Việt Nam. Họ đã cùng nhau kề vai sát cánh chiến đấu, cùng nhau chịu đựng khó khăn gian khổ, chia sẻ giúp đỡ nhau trong giây phút nguy hiểm và hoàn thành những nhiệm vụ cam go phức tạp nhất.
Khẩu hiệu “Hãy làm như tôi!”
Các chuyên gia tên lửa Nga đã huấn luyện pháo thủ Việt Nam sử dụng những thiết bị quân sự tối tân theo nguyên tắc “Hãy làm như tôi!”, vận dụng tối đa sức lực và kiến thức của họ. Những người lính Việt Nam tận mắt mình nhìn thấy rõ rằng đối với những người Nga này, bảo vệ Việt Nam, hỗ trợ đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù xâm lược là vấn đề của danh dự và lương tâm, và thực tế sống động đó không thể không khơi lên những cảm xúc chân thành nhất dành cho những vị chỉ huy, huấn luyện viên, những người bạn chiến đấu đã tới đây từ nước Nga xa xôi.
Một điển hình nổi bật về cách ứng xử trong trận chiến đã được các chuyên gia tên lửa Nga thể hiện vào thời điểm Không lực Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng tổ hợp tên lửa chống radar “Shrike” hòng trấn áp các hệ thống tên lửa phòng không. Máy bay địch có lắp đặt thiết bị xác định vị trí của trạm dẫn đường tên lửa vào thời điểm lọt vào vùng trời và sẽ phóng “Shrike”. Người điều khiển cần phải bắt kịp hiện tượng tăng đột biến đáng chú ý trong dấu hiệu mục tiêu trên màn hình radar khi “Shrike” vừa tách ra khỏi máy bay. Sau đó nhanh chóng xoay ăng-ten sang một bên và tắt nhanh điện áp cao của bộ phát. Động thái này khiến cho “Shrike” lỡ trớn. Còn sau đó, chỉ dựa vào kinh nghiệm và trực giác, người điều khiển bật lại thiết bị định vị, và tính toán biên độ tọa độ để tổ hợp tên lửa tiếp tục hướng nhắm trúng máy bay địch.
Để làm được như vậy, những động tác này đòi hỏi sức bền và khả năng tự chủ ở mức đặc biệt. Khoảng cách mong manh giữa sự sống và cái chết chỉ là một phần của giây. Bởi nếu không nhận thấy sự khác biệt của phản ảnh mục tiêu vào thời điểm phóng “Shrike”, thì việc trận địa tên lửa bị đánh tan là điều không thể tránh khỏi. Một CCB tham gia chiến đấu tại Việt Nam là Thiếu tướng Anatoly Pozdeev đã nhớ lại điều này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Trong tình huống như vậy, nhóm điều khiển tổ hợp tên lửa biết rằng chỉ trong vài giây, tất cả đều có thể hy sinh. Muốn lao ra khỏi cabin điều khiển tên lửa để ẩn trốn trong chiến hào. Nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra. Ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ buộc mọi người ở nguyên vị trí và kiên quyết hoàn thành đến cùng nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt lũ diều hâu Mỹ”.
Cách huấn luyện của các chuyên gia Nga đã giúp các học viên Việt Nam nhanh chóng nắm vững kỹ năng điều khiển tổ hợp tên lửa để chủ động chiến đấu.
Gặp Bác Hồ trên trận địa tên lửa
“Xin cảm ơn các đồng chí về sự giúp đỡ sẽ được khắc ghi mãi mãi trong trái tim của người Việt Nam”, - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Ba mươi năm với mảnh đạn Mỹ dưới tim
Vì chiến thắng, không một ai trong số các chuyên gia quân sự Liên Xô tiếc công sức. Cuối tháng 12 năm 1971, tiểu đoàn 52 thuộc trung đoàn tên lửa phòng không 267 của QĐND Việt Nam giao tranh với máy bay Mỹ ở phía nam thành phố Vinh. Hỏa lực được phóng lên từ trận địa mai phục, sau khi phóng quả tên lửa đầu tiên cần khẩn cấp di chuyển sang vị trí khác. Thiếu tá Viktor Makarochkin phụ trách việc di chuyển đã ở lại kiểm tra trận địa cũ cho đến phút cuối, rồi bị thương ở ngực và lưng. Mặc dù ca phẫu thuật phức tạp do các bác sĩ giỏi nhất của quân y Việt Nam tiến hành vẫn không thể gắp hết các mảnh đạn, nhưng Makarochkin đã dần bình phục. Ông tiếp tục phục vụ tại Việt Nam thêm sáu tháng nữa. Nhưng những cơn đau ngày càng day dứt mạnh và viên sĩ quan Nga được gửi về nước. Ở Matxcơva, ông trải qua hai ca mổ nữa, nhưng dù vậy vẫn không lấy ra được tất cả các mảnh đạn. Suốt ba mươi năm, Viktor Makarochkin sống với hai mảnh tên lửa của Mỹ - cắm sâu gần tim và ở thận.
Trung sĩ Vladimir Chernenko là người chuyên điều chỉnh theo dõi mục tiêu bằng phương pháp thủ công trên radar của hệ thống tên lửa phòng không. Công việc của những chuyên viên như vậy luôn phái đáp ứng nhiều đòi hỏi, nhất là về độ nét trên mặt phẳng theo dõi mục tiêu, cần biết nắm chắc không để mất mục tiêu ngay cả khi bị nhiễu cản… Tất cả những yếu tố đó đảm bảo tính chính xác khi hướng dẫn tên lửa phóng vào diệt máy bay địch.
Vài ngày trước khi hệ thống tên lửa di chuyển đến vị trí chiến đấu kế tiếp Vladimir bị con rết độc cắn. Chân sưng to, buộc phải nhập viện.
Thế nhưng trong sư đoàn không ai thay thế được và nếu thiếu Vladimir thì không thể bắn tên lửa. Hiểu rõ điều đó, trung sĩ Volodya đã thuyết phục các bác sĩ tiếp tục điều trị trên cơ sở ngoại trú. Trong vòng ba tháng, khi người thay thế chưa được Matxcơva gửi sang, Vladimir quyết không rời vị trí chiến đấu. Tình trạng nhiễm độc nặng hơn nhiều lần, chân sưng tấy nhưng trung sĩ trẻ tuổi đã gắng vượt lên những cơn đau, làm việc không hề sai sót nhầm lẫn và thực hiện trọn vẹn tất cả những gì có thể để cùng đồng đội đạt thành công trong các trận đánh.
Có bao nhiêu chuyên gia quân sự Liên Xô hy sinh trong cuộc chiến ở Việt Nam?
Trong nhiều năm tham gia chiến đấu và phục vụ giúp Việt Nam chống Mỹ xâm lược, tổn thất của đội ngũ chuyên gia quân sự Xô-viết có vẻ không lớn - 13 người hy sinh, 4 người trong số họ ngã xuống ở vị trí chiến đấu. Điều đáng nói là tỷ lệ tổn thất như vậy một phần không nhỏ được giải thích bằng sự chăm lo và mối quan tâm huynh đệ dành cho họ từ phía Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Thiếu tướng Vyacheslav Kanaev, vào năm 1966 từng là chỉ huy đội pháo cao xạ đầu tiên của tiểu đoàn I thuộc trung đoàn tên lửa phòng không số năm của QĐND Việt Nam đã nhớ lại như sau:
“Trong thời gian có cuộc tấn công của máy bay Mỹ, những người lính và sĩ quan Việt Nam đã bảo vệ chúng tôi bằng cách lấy thân mình chắn đạn cho các chuyên gia Liên Xô. Một lần, bệ phóng của tiểu đoàn lân cận gặp sự cố trong cuộc không kích. Dưới hỏa lực địch ác liệt, huấn luyện viên-trung sĩ Liên Xô lao ra vội vã sửa chữa chỗ trục trặc. Những người lính từ đơn vị Việt Nam đã đuổi kịp anh và quây quần lấy thân mình che chắn phủ kín chuyên gia Liên Xô. Năm người trong số này bị thương, còn trung sĩ của chúng tôi không hề hấn gì dù chỉ một vết xước đã kịp nhanh chóng sửa bệ phóng để trận địa cao xạ tiếp tục tham gia trận đánh”.
Hiến dâng mạng sống cho cuộc đời của một chiến sĩ Việt Nam
Các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng dành quan hệ chân thành thân thiết như vậy với các chiến sĩ Việt Nam.
Ngày 11 tháng 4 năm 1970, một nhóm 9 chuyên gia tham dự cuộc lao động công ích ngày thứ Bẩy do ban chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không số 237 của QĐND Việt Nam tổ chức. Những chiến sĩ Nga-Việt cùng nhau dọn dẹp chấn chỉnh nhà cửa của trường phổ thông địa phương, đắp con đường cho trẻ em đến lớp. Hạ sĩ Vladimir Garkusha và người phiên dịch tên là Sâm làm việc cạnh nhau – họ đào đất bên lề đường để lấp chiếc hố hình phễu lớn do bom Mỹ tạo ra. Và đột nhiên – vang lên tiếng nổ. Một nhát cuốc đã bổ trúng quả bom bi thâm hiểm nằm ẩn dưới lớp đất.
Mấy người bị thương, kể cả Vladimir, ở bụng và đầu. Tuy nhiên, hạ sĩ Nga là người đầu tiên nhỏm dậy từ mặt đất. Mọi người lập tức chạy đến giải cứu. Còn Sâm vẫn nằm bất động, chân đẫm máu. Vladimir yêu cầu đội cứu thương trước hết hãy giúp Sâm, rồi sau đó mới đến lượt anh. Trên xe chở những người bị thương đến bệnh viện, Vladimir vẫn gắng gỏi động viên mọi người. Đã cứu được tất cả - chỉ trừ Vladimir. Hạ sĩ Nga năm ấy 23 tuổi.
Toàn thể các đồng đội Liên Xô và Việt Nam đã tới để tiễn đưa anh trên hành trình cuối cùng. Phiên dịch viên Sâm chống nạng chậm chạp đến vĩnh biệt người anh em Xô-viết. Nghẹn ngào phát biểu tại lễ truy điệu, anh nói:
“Tôi có một gia đình lớn, nhưng hôm nay đã vắng đi một người. Vladimir đã cứu mạng tôi, trở thành anh em ruột thịt của tôi và sẽ là người thân thiết như vậy suốt đời tôi”.