Một phần quan trọng của hoạt động là màn diễu hành tái hiện lịch sử — những người lính mang quân phục năm 1941 đều bước trên quảng trường, một đại đội khoác áo ngụy trang trắng tay mang ván trượt tuyết. Nhóm các chiến sĩ ngồi trên chiếc xe tải mẫu của thời tiền chiến. Hầu như sống lại sự kiện bi tráng 75 năm trước, khi những người lính và sĩ quan Hồng quân vai sát vai hành quân qua Quảng trường Đỏ Matxcơva với quyết tâm sắt đá bảo vệ thủ đô Liên bang Xô viết. Tuyết năm nay cũng rơi trắng mặt đất như 75 năm trước. Phần lớn những người lính tham gia cuộc diễu binh tháng 11 năm 1941 đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường trong cuộc chiến khốc liệt nhất thế kỷ XX.
Giữa đội ngũ diễu binh năm ấy đã có những người Việt Nam. Như được biết, một số người Cộng sản Việt Nam đang ở Liên xô khi Thế chiến II bùng nổ, họ đã tình nguyện gia nhập lực lượng phòng thủ bảo vệ Matxcơva trong Trung đoàn quốc tế, được thành lập theo quyết định của Quốc tế Cộng sản. Trung đoàn cũng tham dự cuộc diễu binh ngày 7 tháng 11 năm 1941, và từ Quảng trường Đỏ các chiến sĩ tiến thẳng ra mặt trận.
Mãi đến những năm 1980, mới xác minh được một số tên tuổi của các chiến sĩ quốc tế người Việt đã bảo vệ Matxcơva mùa đông năm 1941. Năm 1985, họ được Chính phủ Liên Xô truy tặng những phần thưởng cao quí.
Dưới đây là danh tính những chiến sĩ Hồng quân gốc Việt được truy tặng phần thưởng ghi công:
Lý Nam Thanh,
Lý Thúc Chất,
Lý Anh Tạo,
Vương Thúc Tình,
Lý Phú San.
Theo các lời kể, đây là danh sách chưa đầy đủ, cuộc tìm kiếm những anh hùng người Việt từng chiến đấu chống phát xít bảo vệ nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới vẫn đang được tiếp nối. Đặc biệt có sự tham gia tích cực của tập thể nhân viên đài Sputnik thuộc hãng truyền thông quốc tế "Rossiya Segodnya" cũng như các hội viên Hội hữu nghị Nga-Việt.
Dù là có nhiều hơn hay chỉ từng đó các chiến sĩ quốc tế gốc Việt thì người Nga vẫn luôn biết ơn tất cả những ai đã góp phần giúp Liên Xô trụ vững trong những thời khắc nguy nan của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bảo vệ tự do và độc lập! Cũng như những người Nga đã sẵn sàng hy sinh nhiều điều để giúp các bạn Việt Nam bảo vệ độc lập và chủ quyền trong cuộc chiến tranh nhân dân chống những kẻ xâm lược Mỹ. Khi ấy, người ta gọi đó là chủ nghĩa quốc tế vô sản. Không lẽ khái niệm này bây giờ đã chìm vào lãng quên?