Thông tin này có vẻ không có gì khác thường, nhưng, có một chi tiết thu hút sự chú ý. Bắt đầu từ chiếc tàu này, tất cả các tàu tên lửa lớp Karakurt sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-M. Theo dự án 22800, sẽ có cả phiên bản xuất khẩu của tàu tên lửa cỡ nhỏ, và nó cũng sẽ được trang bị hệ thống phòng không tương tự - Pantsir-ME.
Tàu tên lửa cỡ nhỏ có hỏa lực mạnh
Các tàu tên lửa cỡ nhỏ (tàu hộ tống cỡ nhỏ) của dự án 22800 được thiết kế bởi Cục Thiết kế Hàng hải trung ương Almaz (St. Petersburg). Tàu có độ giãn nước 800 tấn, dài 67 mét, lườn rộng 11 mét và mớm nước tối đa 4 mét, tốc độ tối đa 30 hải lý giờ; tầm hoạt động tối đa của tàu khoảng 2500 dặm hoặc 15 ngày liên tục trên biển. Trang bị vũ khí của tàu hộ vệ tên lửa thuộc dự án 22800 rất ấn tượng, không phải ngẫu nhiên mà dự án này được đặt tên Karakurt - một loại nhện độc mà vết cắn có thể gây tử vong cho người và động vật. Theo kế hoạch, Nga sẽ xây dựng các tàu lớp này cho cả Hải quân Nga và để xuất khẩu. Karakurt sẽ được xây dựng tại một số nhà máy đóng tàu ở các khu vực khác nhau của LB Nga.
Phóng viên Sputnik cùng với một nhóm các nhà báo đã tham quan chiếc tàu tên lửa cỡ nhỏ Mytishchi - chiếc đầu tiên thuộc dự án 22800. Nó đã được chuyển giao cho Hải quân Nga vào năm 2018 và đang phục vụ tại biển Baltic. Trợ lý chỉ huy tàu tên lửa “Mytishchi”, trung úy Denis Stuchinsky, nói với phóng viên:
"Đây là tàu tấn công cỡ nhỏ, nhưng cực kỳ hiện đại và rất hiệu quả, chủ yếu nhằm tiêu diệt lực lượng mặt nước của hạm đội và các mục tiêu ven biển của đối phương. Vũ khí tấn công chính của tàu là tên lửa hành trình Kalibr. Pháo tự động “không người lái” được lắp đặt ở phần mũi (cỡ 77mm AK-176MA). Tàu có khả năng tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của đối phương bằng tổ hợp vũ khí phòng thủ. Đó là hai ụ pháo phòng không AK-630M tốc độ cao, ngoài ra, còn có các thiết bị phát nhiễu thụ động và chủ động. Các kênh theo dõi mục tiêu cho pháo hạm - radar và hình ảnh quang nhiệt – lặp lại lẫn nhau, nghĩa là con tàu sẽ không bị “mù ” trong bất kỳ mọi trường hợp hư hỏng nào".
Vài ngày trước, báo chí Nga đã đưa tin rằng, tại nhà máy đóng tàu "Pella" đang tiến hành các thử nghiệm tại hồ nước lớn của chiếc tàu tên lửa cỡ nhỏ Odintsovo (dự án 22800 Karakurt). Bắt đầu từ chiếc tàu này, tất cả các tàu tên lửa lớp Karakurt sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-M thay cho pháo phòng không AK-630M. Pantsir-M được Nga phát triển dựa tổ hợp phòng không mặt đất Pantsir-S1. Vũ khí tương tự - Pantsir-ME là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp Pantsir-M.
Tại cuộc họp báo trong khuôn khổ cuộc triển lãm LIMA-2019 ở Malaysia, Tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu Ak Bars (Cộng hòa Tatarstan, Nga) Renat Mistakhov nói: “Khả năng cung cấp các tàu chiến thuộc dự án 22800 với tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-ME làm tăng tiềm năng xuất khẩu chúng trên thị trường toàn cầu”.
Nguyên tắc "phóng và lãng quên" có thể không hoạt động
Tổ hợp Pantsir-ME phóng tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến. Một đợt phóng như vậy giá rẻ hơn 15 lần so với đợt phóng tên lửa "thông minh" với đầu đạn tự dẫn. Nhân tiện, ông Aleksander Zhukov có thái độ khá bi quan khi đánh giá những "lợi thế" của tên lửa với đầu đạn tự dẫn hoạt động theo nguyên tắc "phóng và lãng quên". Đây là lý do tại sao:
"Không có tên lửa nào có thể đảm bảo 100% việc tiêu diệt mục tiêu. Làm thế nào có thể "lãng quên" về mục tiêu đang bay và chỉ sau một vài giây sẽ tiếp cận chiếc tàu của bạn? Cần phải ngay lập tức phóng tên lửa thứ hai, cần phải theo dõi mục tiêu, mà đầu đạn tự dẫn không thể làm như vậy. Ngoài ra, các tên lửa phòng không "thông minh" có một số hạn chế về tốc độ. Khi bay với tốc độ cao trong bầu khí quyển dày đặc (ở độ thấp), đầu đạn tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến giảm phạm vi theo dõi mục tiêu, còn đầu đạn tự dẫn với đầu dò quang học chỉ đơn giản "bị mù" do chất khí nóng lên".