Phải chăng Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận vũ khí hạt nhân chiến thuật?

Các lực lượng tên lửa của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Gần đây trên trang web của tạp chí Mỹ “Popular Science” xuất hiện một bài báo với đầu đề này.
Sputnik

Theo ghi nhận của tác giả, trong vòng chưa đầy ba năm (kể từ tháng 5 năm 2017), 11 lữ đoàn tên lửa mới được thành lập trong lực lượng tên lửa Trung Quốc - tương đương với hai hoặc ba căn cứ tên lửa mới.

Chuyên gia: Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh với Nga và Mỹ về vũ khí hạt nhân

Trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét về lý do và quy mô của sự gia tăng số lượng lực lượng tên lửa trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Quá trình triển khai các hệ thống tên lửa mới đang tiến hành theo hai hướng. Thứ nhất, đây là sự gia tăng số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại có khả năng vươn tới được lãnh thổ Mỹ. Ví dụ, tên lửa DF-41 và DF-31AG. Thứ hai, đó là việc triển khai nhiều loại tên lửa tầm trung khác nhau, kể cả các phiên bản chống hạm và phiên bản có độ chính xác cao của tên lửa DF-21 (DF-21C, DF-21D). Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục triển khai các tên lửa DF-17 mới với đầu đạn siêu thanh và xét theo mọi việc, các tên lửa hành trình DF-10 và DF-100.

Theo truyền thống, các lực lượng tên lửa đóng vai trò kép trong kế hoạch quân sự của Trung Quốc, vừa là yếu tố chính của hệ thống răn đe hạt nhân, vừa là lực lượng đóng vai trò không quân để thực hiện các cuộc tấn công phi hạt nhân với độ chính xác cao vào các mục tiêu cố định và tàu chiến của đối phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tên lửa mới DF-17 của Trung Quốc sẽ làm thay đổi điều gì?

Theo truyền thống, các tên lửa đạn đạo tầm trung đóng vai trò quan trọng trong hệ thống răn đe hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột, tên lửa đạn đạo tầm trung có thể vươn tới các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ Liên Xô và Ấn Độ, cũng như các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chắc chắn rằng, một số tên lửa như vậy sẽ tiếp tục đóng vai trò của mình trong hệ thống răn đe hạt nhân. Xét theo các tuyên bố của Trung Quốc, hai loại tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 và DF-26 có cả phiên bản hạt nhân. Tuy nhiên, chưa có thông tin về một số hệ thống vũ khí mới nhất chẳng hạn như DF-17 và DF-100. Một số chuyên gia, ví dụ như Ankit Panda, biên tập viên của tạp chí The Diplomat, bày tỏ nghi ngờ về vai trò hạt nhân của tên lửa DF-17, có chú ý đến việc Trung Quốc cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân, ngoài ra nước này thiếu kinh nghiệm trong việc tạo ra đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Căng thẳng Mỹ - Trung: Oanh tạc cơ B-2 trực chiến 24/7, tên lửa DF-26 đã vào vị trí

Tuy nhiên, trong chính sách của Trung Quốc “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên” có một số sắc thái. Xét theo một số bài phân tích, Trung Quốc xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên trong trường hợp một cường quốc xâm phạm chủ quyền quy mô lớn mà cuộc tấn công không thể được giáng trả bằng vũ khí thông thường; hoặc nếu đối phương tấn công vào vũ khí hạt nhân, các cơ sở năng lượng hạt nhân, kho hàng công nghiệp nguy hiểm của Trung Quốc hoặc nếu đối phương không kích thường xuyên các thành phố lớn của Trung Quốc.

Như được biết, vào những năm 1970 và 1980, Trung Quốc đã lo ngại cuộc chiến tranh trên bộ với Liên Xô, khi đó Bắc Kinh đã phát riển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trung Quốc đã tập trung nỗ lực để phát triển và thử nghiệm bom neutron (dự án đã được hoàn thành vào năm 1988). Đồng thời, xét theo một số dữ liệu, Bắc Kinh cũng đã thử nghiệm đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm ngắn DF-15 đã được cung cấp cho quân đội vào những năm 1980.

Các phiên bản đầu tiên của tên lửa này có độ chính xác rất thấp, vì thế việc sử dụng phiên bản thông thường không hiệu quả lắm. Theo các tài liệu CIA được giải mật vào năm 1993, khi đó Hoa Kỳ đã tin rằng, Trung Quốc đã thử nghiệm đầu đạn hạt nhân cho DF-15 vào cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990.

Trung Quốc phản đối việc triển khai tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Vào thời điểm đó, Trung Quốc dừng lại các chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật bởi vì sau chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào tháng 5 năm 1989, hai nước đã bình thường hóa quan hệ song phương. Trung Quốc không khởi động việc sản xuất bom neutron sau khi hoàn thành chương trình thử nghiệm, và có lẽ cũng đã dừng lại chương trình tạo đầu đạn cho DF-15.

Sau khi bình thường hóa quan hệ song phương và sau sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc không có một đối phương nghiêm trọng duy nhất trên bộ. Trong mấy thập kỷ tiếp theo, quan hệ với Hoa Kỳ nói chung khá ổn định bất chấp những biến động và khủng hoảng. Rõ ràng là vào thời điểm đó, Trung Quốc không có nhu cầu gia tăng nghiêm trọng số lượng tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung và triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn.

Trong điều kiện mới, khi có sự đối đầu với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Mỹ có ý định triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á, trong khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đang phát triển khả năng tấn công, Trung Quốc có thể thay đổi cách tiếp cận vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa hạt nhân tầm trung. Cách tiếp cận mới của Trung Quốc có thể giống quan điểm của Nga. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng về điều này chỉ có thể được đưa ra sau khi Trung Quốc thay đổi các tài liệu chính thức trong lĩnh vực quân sự và đưa ra những thay đổi tương ứng vào chương trình huấn luyện quân đội Trung Quốc.

Thảo luận