EU đưa ra cải cách nguyên tắc cạnh tranh để ứng phó với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc

Vào cuối tháng 6, EU sẽ chuẩn bị bản cập nhật các quy tắc bảo vệ cạnh tranh công bằng. Ý và Ba Lan đã ủng hộ sáng kiến này của Đức và Pháp. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia đánh giá sáng kiến của EU và khả năng đạt được một thỏa thuận về đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Sputnik

Margrethe Vestager, cao ủy về cạnh tranh EU, người đứng đầu chính sách cạnh tranh ở châu Âu, đã công bố kế hoạch của EU. Vào ngày 2 tháng 3, bà đã đọc báo cáo tại Bruges cumpus thuộc Đại học châu Âu (College of Europe) về việc duy trì sức cạnh tranh của EU trong thế giới “xanh” và kỹ thuật số.

Margrethe Vestager lưu ý rằng, các quy tắc mới sẽ cho phép đối phó với thiệt hại mà các khoản trợ cấp từ nước ngoài cấp cho các công ty của họ, cũng như tài sản nhà nước đằng sau các công ty đó có thể gây ra cho cuộc cạnh tranh công bằng ở châu Âu. Các đề xuất mới của EU sẽ được đưa ra dưới dạng Sách Trắng làm cơ sở để thảo luận trước khi thông qua dự luật này.

Trung Quốc kêu gọi EU triển khai bàn về hiệp định thương mại tự do

Theo tờ South China morning post, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc là mục tiêu chính của dự luật mới về cạnh tranh tại EU.

Dựa theo một nguồn thông tin ẩn danh ở châu Âu, tờ SCMP cho biết, "mặc dù EU không nêu tên một quốc gia nào, nhưng, ngay lập tức trong giây lát, mọi người đều hiểu quốc gia nào gây sự lo ngại lớn nhất, và ở đây nói về các công ty của nước nào".  Tác giả bài báo cho rằng, sáng kiến ​​của châu Âu có thể làm phức tạp thêm cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và EU về thỏa thuận đầu tư, mà cả hai bên hy vọng sẽ ký kết trong năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Xu Xuemei từ Trung tâm Kinh tế và Phát triển Thế giới thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc đưa ra dự báo lạc quan hơn:

“Không chỉ châu Âu đang đưa ra những đề xuất về việc duy trì sự cạnh tranh công bằng. Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đưa ra một quan điểm tương tự. Tuy nhiên, có một không gian chung cho các cuộc tham vấn giữa Trung Quốc và EU, đây không phải là một vấn đề không thể giải quyết. Trung Quốc và EU luôn tiến về phía nhau để giải quyết vấn đề với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington cũng đã đạt được một số tiến bộ trong lĩnh vực này thông qua cuộc đàm phán kéo dài lâu. Những kết quả này là một ví dụ về sự phát triển quan hệ kinh tế và thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác. Trong tương lai, Trung Quốc và EU cũng có thể tìm kiếm điểm tương đồng thông qua cuộc đàm phán. Và kết quả này sẽ đẩy nhanh việc ký kết thỏa thuận đầu tư. Có chú ý đến lập trường của Trung Quốc và EU về vấn đề này, có thể hy vọng rằng, trong năm 2020 hai bên có thể đạt được tiến bộ lớn, vì vậy tôi tin rằng, Trung Quốc và EU sẽ ký kết thỏa thuận đầu tư”.

Ông Yury Rubinsky, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Pháp thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, chia sẻ ý kiến của chuyên gia Xu Xuemei. Ông cho rằng, những tiến bộ trong cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xúc tiến đối thoại EU-Trung Quốc. Ông Rubinsky tin chắc rằng, EU cần phải bắt kịp người Mỹ trong cuộc đối thoại với Trung Quốc, bởi vì đối thoại là nền tảng của mối quan hệ với Trung Quốc.

Mỹ cảnh cáo về nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập châu Âu
“Margrethe Vestager là một trong những nhân vật chủ chốt trong Ủy ban châu Âu. Chính sách cạnh tranh là nội dung quan trọng nhất ở châu Âu. Bà Vestager cần vạch ra trong một thời gian khá ngắn các điều kiện mà EU có thể giới thiệu với Trung Quốc. Trong khi đưa ra các đề xuất cần phải tính đến những kết quả mà Mỹ đã đạt được trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. EU và Hoa Kỳ có cùng một quan điểm về vấn đề này, họ thách thức yêu sách của Trung Quốc về điều kiện cạnh tranh: các doanh nghiệp nhà nước ưu tiên nhận các đơn đặt hàng của chính phủ, nhận trợ cấp của chính phủ. Cả châu Âu và Mỹ đều coi đó là vi phạm các quy tắc cạnh tranh. Mặt khác, EU đối với Trung Quốc cũng như Trung Quốc đối với EU là một đối tác rất quan trọng, vì vậy EU đang cố gắng để lập trường của họ và lập trường của Mỹ không được xem như nhau. EU muốn duy trì cách tiếp cận của riêng mình, duy trì trạng thái cân bằng giữa các yêu sách mà họ đưa ra với các công ty lớn của Trung Quốc và vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong EU, để Trung Quốc củng cố mối quan hệ với EU”.

Đồng thời, ông Yuri Rubinsky cho rằng, chỉ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, EU mới có thể nói rõ lập trường của mình về thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu phải đạt được sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia EU liên quan đến các điều kiện cho việc Anh rời khỏi EU. Cuộc đàm phán về vấn đề này mới chỉ bắt đầu, và EU sẽ mất mấy tháng để đạt được sự đồng thuận về Brexit, mà nếu không có sự đồng thuận về nội dung này thì khó có thể đạt được tiến bố trong cuộc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư.

Pháp và Đức đã đề xuất cải cách nguyên tắc cạnh tranh của EU để bảo vệ sự cạnh tranh công bằng, vì hai nước này phẫn nộ trước quyết định của Ủy ban Châu Âu ngăn chặn thương vụ sáp nhập hai công ty đường sắt Alstom và Siemens. Paris và Berlin đã giải thích rằng, thương vụ sáp nhập này có thể giúp tạo ra một nhà khai thác đường sắt lớn có thể cạnh tranh bình đẳng với Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC). CRRC sản xuất hơn 200 tàu cao tốc mỗi năm, trong khi Alstom và Siemens cùng nhau chỉ có thể sản xuất 35 tàu như vậy. Trong khi đó, bà Margrethe Vestager giải thích, Brussels ngăn chặn thương vụ sáp nhập vì nó trái với các nguyên tắc của EU và vi phạm các quy định về sự cạnh tranh công bằng.

Thảo luận