Mặc áo dài - làm đẹp cho bản thân, giữ gìn bản sắc Việt

“Mặc áo dài, mọi người vừa làm đẹp cho bản thân, vừa bảo tồn và phát triển một loại hình di sản văn hoá của đất nước”, - BTV Lã Trang, Ban Truyền hình Đối ngoại – Đài THVN (VTV4) nói với Sputnik nhân dịp Tuần lễ áo dài tại Việt Nam.
Sputnik

Từ 2/3 đến hết ngày 8/3, tại Việt Nam diễn ra Tuần lễ áo dài. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam". Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuần lễ phụ nữ cả nước mặc áo dài nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Hưởng ứng chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" khắp nơi trên đất Việt diễn ra những cuộc thi như: "Ảnh đẹp áo dài" trên facebook Phụ nữ Bắc Kạn, cuộc thi ảnh "Nét đẹp áo dài Việt Nam" năm 2020 của tỉnh Quảng Nam, tại Huế miễn phí tham quan các di tích vào những ngày 6-8/3 cho những ai mặc áo dài, …

Áo dài tôn những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam

Nhà nhiếp ảnh Doãn Quang chuyên chụp áo dài. Niềm say mê này bắt nguồn từ những ký ức về tuổi trẻ, khi anh còn học cấp 3 ở Huế. Với anh mỗi chiếc áo dài là một câu chuyện. Áo dài là nguồn cảm hứng cho sáng tác của anh.

“Khi thấy những cô gái mặc áo dài đi học thì mình luôn cảm giác sự dịu dàng, nhẹ nhàng và tinh tế được toát lên, nên ấn tượng về người con gái mặc áo dài thật đẹp từ đó mà ra. Khi bắt đầu con đường sự nghiệp nhiếp ảnh, mình làm việc nhiều hơn với chiếc áo dài, càng tìm hiểu thì càng thấy không chỉ là một chiếc áo mà còn là một câu chuyện lịch sử dài. Qua bao nhiêu thăng trầm từ chiếc áo Tứ Thân cho đến Áo Dài… Việc chụp áo dài làm mình càng thấy yêu quê hương hơn, yêu văn hoá quê nhà và hơn hết còn là sự tự hào về bề dày văn hoá dân tộc”, - Nhiếp ảnh gia Doãn Quang chia sẻ suy nghĩ của mình với phóng viên Sputnik.  

Áo dài thật đặc biệt. Nó không chỉ là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, hội họa, nhiếp ảnh.

Mặc áo dài - làm đẹp cho bản thân, giữ gìn bản sắc Việt

Áo dài đi vào cuộc sống hiện đại nhẹ nhàng, bình dị, nhưng cũng thật sâu sắc.

Áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi thân hình, mọi tình huống. Ai mặc áo dài cũng đẹp hơn, duyên dáng hơn, đoan trang hơn, tự tin hơn.

Việt Nam nên có bộ quy chuẩn về trang phục truyền thống áo dài?
“Áo dài không chỉ gắn với những sự kiện trang trọng mà giờ còn rất hợp trong cuộc sống thường ngày. Chỉ một chút cách tân như cho tà áo ngắn hơn, đỡ ôm hơn, quần ngắn hơn một chút, là ta đã có một bộ trang phục phù hợp cho buổi buổi đi chơi, một buổi gặp mặt với bạn bè, hay đơn giản chỉ là đi dạo phố”, -Biên tập viên Lã Trang, Ban Truyền hình Đối ngoại – Đài THVN (VTV4) nói với Sputnik.
“Cảm xúc khi mình mặc chiếc áo dài mình thấy thướt tha, diu dàng, kín đáo, sang trọng và quý phái”, - Chị Quỳnh Nga, chủ nhà hàng “Kiến”, thành phố Huế chia sẻ với Sputnik.
“Việc mặc áo dài đối với mình đã trở thành nếp quen trên bục giảng. Đứng trên bục giảng trong tà áo dài mình cảm thấy tự tin hơn”, - Chị Ái Thanh, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Huế tâm sự với Sputnik.

Những năm gần đây, phái đẹp của Việt Nam không còn ngại mặc áo dài nữa. Áo dài xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Và thực sự, dù là hoàn cảnh nào thì áo dài vẫn vô cùng đẹp, giúp người mặc tự tin hơn rất nhiều.

Mặc áo dài - làm đẹp cho bản thân, giữ gìn bản sắc Việt

Mặc áo dài – cách giới thiệu văn hóa Việt Nam với khán giả quốc tế

Biên tập viên Lã Trang (VTV4) có ước chừng cũng phải gần 40 bộ áo dài. Vì yêu cầu công việc, và vì yêu thích nên chị thường tự chọn vải, tự lên thiết kế cho những chiếc áo dài của mình. Chị  bắt đầu mặc nhiều áo dài khi trở thành MC dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Hàng ngày, gắn bó với áo dài, BTV Lã Trang thấy ngày càng yêu thích tà áo truyền thống của dân tộc.

“Áo dài không chỉ là trang phục giúp tôi đẹp hơn, giúp tôi tự tin lên sóng, mà mặc áo dài là cách tôi giới thiệu văn hoá Việt Nam với khán giả quốc tế, là cầu nối khán giả kiều bào với quê hương. Và nhìn vào tà áo dài, khán giả có thể biết ngay được Tôi là người dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Tôi thực sự tự hào về điều đó”, - BTV Lã Trang, VTV4 nói với Sputnik. 

Chị Tâm Hằng, BTV tiếng Nga, TTXVN cũng rất thích mặc áo dài. 3 năm làm phóng viên thường trú ở Nga, trong hành trang của chị bao giờ cũng có những bộ áo dài duyên dáng mà đã để lại cho chị những kỷ niệm không bao giờ quên.  

Trung Quốc gọi áo dài, nón lá Việt Nam là phong cách Trung Quốc
“Kỷ niệm không thể quên khi tôi mặc áo dài tác nghiệp trong một sự kiện rất lớn, rất quan trọng. Đó là lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức LB Nga tháng 9/2018. Vì điều kiện không thể thay trang phục nên tôi đã mặc áo dài trong lễ đón và tham gia tác nghiệp ngay sau đó. Từ sân bay Vnukovo, chúng tôi di chuyển ra Quảng trường Đỏ, ghi hình lễ đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ vô danh và viếng Lăng Lenin. Vậy là tôi vẫn mặc áo dài khi phải bê chân máy quay, và chụp ảnh suốt hai sự kiện. Nếu hỏi có vướng không thì có vướng, nhưng thực sự tôi có cảm giác tư thế của mình như được nâng cao hơn khi tà áo dài truyền thống của Việt Nam đã theo từng bước chân của lãnh đạo cao nhất của Đảng trong sự kiện có ý nghĩa lớn với Tổ quốc mình! Hôm đó cô đồng nghiệp từ VOV đã chụp cho tôi một bức ảnh áo dài đang chạy trên Quảng trường Đỏ để kịp đón đầu đoàn đại biểu. Đó là kỷ niệm vô giá trong nghề phóng viên của tôi!”, - BTV tiếng Tâm Hằng, Ban biên tập tin đối ngoại, TTXVN kể lại kỷ niệm ấn tượng của mình với Sputnik.

Tuần lễ áo dài cần mang tính liên tục

Tuần lễ áo dài tại Việt Nam tôn vinh các nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể là một hoạt động thường niên, là một ý tưởng rất hay, nhất là khi tuần lễ rơi vào ngày 8-3, ngày tôn vinh một nửa thế giới.

“Tuần lễ này không chỉ đơn thuần về việc khích lệ mặc áo dài mà còn là một dịp để xã hội xem việc mặc áo dài là một việc thường xuyên hơn cũng như là cách để gìn giữ văn hoá nguồn côị mà chiếc áo dài là một đại diện tiêu biểu”, - Nhiếp ảnh gia Doãn Quang nói với Sputnik.
“Tôi thấy đây là một hình thức quảng bá cho áo dài Việt Nam rất hiệu quả. Bằng chứng là tôi thấy rất nhiều bạn bè của mình đã chia sẻ hình ảnh mặc áo dài trên Facebook cá nhân. Ai cũng thật đẹp và đầy tự hào trong trang phục truyền thống dân tộc”, - BTV Lã Trang (VTV4) nói với Sputnik.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức Tuần lể áo dài cần liên tục trong năm để tạo thành thói quen, nếp mặc của tất cả phụ nữ Việt Nam, để áo dài trở thành một loại trang phục quen thuộc đối với cả nguời mặc lẫn người nhìn. Quen thuộc với tất cả môi trường xã hội, giao tiếp, làm việc ở Việt nam.

Mặc áo dài - làm đẹp cho bản thân, giữ gìn bản sắc Việt
“Khi liên tục được như vậy thì đương nhiên áo dài đã được mọi người dân công nhận là quốc phục Việt Nam rồi. Ví dụ, định kỳ thứ 2 hàng tuần mặc áo dài nơi công sở. Rồi tất cả các sở ban ngành văn hóa - du lịch đều sử dụng áo dài. Rồi hệ thống trường học. Tôi muốn thêm một ý nữa: Thử thách cho các nhà thiết kế (NTK) là phải đưa được công nghệ vào việc thiết kế, may và sản xuất áo dài. Sẽ có quy chuẩn phom dáng như chiếc áo sơ mi, size cỡ được tính theo thông số chiều cao, cân nặng. Lúc đó, áo dài sẽ nổi tiếng hơn”, - NTK áo dài nổi tiếng Quang Huy chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik.

Những phong trào như áo dài mặc Tết, Tuần lễ áo dài có tính lan toả rất mạnh. Những ai mặc áo dài vừa làm đẹp cho bản thân, vừa bảo tồn và phát triển một loại hình di sản văn hoá của đất nước. Và qua đó, chúng ta thấy được rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước hiện nay, những giá trị truyền thống, bản sắc Việt vẫn luôn được người Việt trân trọng và giữ gìn.

Thảo luận