Bộ sưu tập áo dài, nón lá mang phong cách Trung Quốc
Cư dân mạng Việt Nam tỏ ra vô cùng phẫn nộ cho rằng, sau Biển Đông, Trung Quốc còn âm mưu chiếm đoạt cả tà áo dài và chiếc nón lá quen thuộc, mang tính truyền thống, thể hiện tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Những thiết kế được giới thiệu trong buổi trình diễn thời trang của Ne Tiger nêu trên có kiểu dáng, thiết kế, họa tiết và phụ kiện đi kèm “mang đậm phong cách Việt Nam” như nón lá hay mấn đội dầu.
Người Trung Quốc coi đây là “sườn xám” cách tân nhưng dễ dàng nhận thấy hai kiểu trang phục, tà áo, cách kết hợp phụ kiện là hoàn toàn khác nhau. Dư luận Việt Nam tin rằng, các thiết kế được trình diễn trong bộ sưu tập này có đường nét, chiều dài và cổ áo sao chếp 100% từ áo dài Việt Nam.
Bộ sưu tập này mang tên “Một Vành đai” tượng trưng cho sự hội nhập văn hóa của các nước Đông Nam Á nằm trên “Con đường tơ lụa”. Theo giải thích của nhà thiết kế Ne Tiger và đội ngũ của mình đã sử dụng nhiều họa tiết đặc trưng các nước trong khu vực như Việt Nam Malaysia, Thái Lan, Singapore trong bộ thiết kễ nhằm tăng tính sinh động và sáng tạo. Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ của Việt Nam thì coi đây là sự sao chép trắng trợn và phản cảm.
Chuyên gia nói gì về áo dài, nóng lá mang ‘phong cách Trung Quốc’?
GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, áo dài vốn hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế đầu tiên. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, áo dài là của người Việt Nam.
“Trung Quốc không có áo 2 vạt mềm mại, duyên dáng như áo dài của Việt Nam đâu. Nhắc đến chiếc áo dài này, ai cũng biết nguồn gốc rõ ràng là của Việt Nam rồi. Áo dài bắt nguồn từ thời cổ xưa, có những cái rõ rệt như thế và nó bắt đầu định hình từ nhà may Cát Tường mà người Pháp đã đặt tên là “áo dài Le Mur”. Nếu áo dài bắt nguồn từ Trung Quốc thì người Pháp đã nói rồi. Bởi vậy, tôi cho rằng, đã khẳng định áo dài của Việt Nam thì chúng ta không cần tranh luận nhiều về điều ấy. Nếu chúng ta đi tranh cãi với Trung Quốc chẳng khác nào chúng ta đang mắc mưu của họ”, GS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ với báo Đất Việt khẳng định.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, áo dài và nón lá từ lâu đã được khẳng định thuộc đặc trưng văn hóa Việt Nam và bước đường phát triển của nó cũng đã được ghi nhận.
“Áo dài có đặc trưng là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân. Dù cho thời gian có thay đổi thế nào, các trang phục khác được du nhập vào nước ngày một đẹp hơn đến mấy thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt”, GS. Trần Lâm Biền bổ sung thêm.
Bàn về sự việc gây phẫn nộ dư luận liên quan đến bộ thiết kế thời trang của Ne Tiger, NTK áo dài Võ Việt Chung cho biết, đây không phải lần đầu anh chứng kiến các mẫu áo dài của Việt Nam xuất hiện trong các bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Trung Quốc. Anh Võ Việt Chung kể, 10 năm trước khi tham dự Tuần lễ thời trang ở Thượng Hải, bản thân cũng đã chứng kiến sự việc tương tự.
Từ góc độ một chuyên gia thiết kế thời trang, NTK áo dài Võ Việt Chung khẳng định “không thể mượn” ý tưởng như thế này.
“Trong thời trang, chất liệu của nhà thiết kế này đã làm thì nhà thiết kế khác cũng không thể sử dụng. Ở đây lại là trang phục truyền thống của dân tộc. Tôi cho rằng đây hoàn toàn là sự copy, ăn cắp ý tưởng, hoàn toàn không thể lý giải bằng sự mượn ý tưởng”, NTK Võ Việt Chung phát biểu với Zing.
Theo NTK Võ Việt Chung, nếu các mẫu thiết kế này được sử dụng biểu diễn trong một chương trình hợp tác về văn hóa giữa hai nước thì chấp nhận được nhưng lại đưa vào bộ sưu tập, trình diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang thì là “copy phản cảm”.
Trung Quốc âm mưu biến áo dài Việt Nam thành của mình?
Phát biểu về bộ sưu tập gây phẫn nộ dư luận mà China Daily đăng tải, Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng nêu quan điểm bức xúc.
“Năm 2008, tôi và nhà báo Nguyễn Thế Thanh lúc đó đang là Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM đã đến Bảo tàng Kimono ở Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, trong Triển lãm ngàn năm Trung Quốc, ở tủ trang phục của họ, chúng tôi phát hiện ra một chiếc áo dài màu xanh ngọc, đi kèm guốc mộc và nón lá của Việt Nam nhưng lại được chú thích là “Trang phục hiện đại Trung Quốc”. Chúng tôi đã vô cùng tức giận về điều đó. Theo tôi, chúng ta có 54 dân tộc với trang phục truyền thống của nhiều dân tộc. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Kinh, vậy nên nếu họ có âm mưu khuyếch trương chiếc áo dài, nón lá của người Việt mình, biến nó thành của họ là trong tầm tay”, NTK Sỹ Hoàng trao đổi với PLO khẳng định.
Theo anh Sỹ Hoàng, anh đã đề cập câu chuyện này và có cảnh báo từ 10 năm trước ở khắp nơi nhưng không được chú ý đến.
“Tôi luôn nhấn mạnh với các em trẻ, các em học sinh sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp hay xấu, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc. Mỗi người hãy xem lại trong tủ đồ của mình có chiếc áo dài chưa, bản thân mình đã từng mặc áo dài chưa. Bản thân tôi sau phát hiện năm 2008, trở về nước cũng nhanh chóng có hành động, cố gắng thành lập Bảo tàng Áo dài một cách nhanh nhất, tất cả tên miền có tên bảo tàng áo dài tôi đều mua hết. Và tôi đã ra mắt được Bảo tàng áo dài của mình vào năm 2012”, NTK Sỹ Hoàng khẳng định.
“Áo dài là áo dài, sườn xám là sườn xám, hai trang phục này không liên quan gì đến nhau. Lịch sử chiếc áo dài rất rõ ràng, bao nhiêu là bài viết của các nhà nghiên cứu có đầy trên Google, chỉ cần ai muốn tìm hiểu gõ vào là sẽ biết được”, anh Sỹ Hoàng nhấn mạnh.
Bình luận về vấn đề này, NTK áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ:
“Đã rất lâu rồi, mọi người đều thấy áo dài Việt Nam khác hoàn toàn sườn xám của Trung Quốc. Đây là bằng chứng rõ nhất cho việc tà áo dài Việt Nam rất đẹp nên đã bị nhà thiết kế Trung Quốc sao chép, đạo ý tưởng”.
Tuy nhiên, theo NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thay vì làm sự việc thêm căng thẳng, các nhà thiết kế Việt Nam nên sáng tạo và đưa áo dài Việt quảng bá ra thế giới nhiều hơn để bạn bè quốc tế đều biết đến rộng rãi chứ không nhập nhằng giữa áo dài truyền thống Việt Nam và sườn xám Trung Quốc.
“Nếu nhà thiết kế Trung Quốc đó chỉ làm ra vài chục mẫu thì các nhà thiết kế Việt đã làm từ bao năm nay. Theo tôi, thay vì có phản ứng làm mọi chuyện căng thẳng thì hãy quảng bá cho áo dài Việt Nam nhiều hơn để khẳng định được vị thế”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhấn mạnh.
Năm 2002, áo dài Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, là niềm tự hào của biết bao thế hệ phụ nữ Việt, khẳng định vẻ đẹp, nét duyên dáng và sự tinh tế, tinh thần tự hào của dân tộc Việt Nam.