Theo Cơ quan đánh giá tín dụng phân tích (ACRA), chỉ số căng thẳng tài chính (Index FSI) cho thấy rằng, nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga đang tăng lên. Điều này đã được báo cáo trên trang web chính thức của ACRA.
Các chuyên gia của cơ quan này cho biết, chỉ số ACRA FSI đạt 3,1 điểm.
Chỉ số FSI vượt qua giá trị ngưỡng 2,5 điểm, nhưng, như cơ quan giải thích, điều này không có nghĩa là hệ thống đang ở trong tình trạng khủng hoảng, mà chỉ cho thấy nguy cơ đang gia tăng.
Theo ACRA, trong số các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình hiện tại có sự bùng phát dịch Covid-19.
"Do sự lây lan của dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc, hoạt động kinh tế ở nhiều nước đang suy giảm, do đó nhu cầu về dầu cũng đang giảm", - các chuyên gia ACRA bình luận.
ACRA chỉ ra rằng, do giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh thỏa thuận OPEC+ bị đổ vỡ, đồng rúp đã suy yếu, và thị trường chứng khoán Nga giảm quá sâu.
Giá dầu sụt giảm hơn 30% vào thứ Hai sau khi OPEC không đạt được thỏa thuận với các quốc gia đồng minh vào ngày 6 tháng 3 về việc gia hạn hoặc thay đổi các thông số của thỏa thuận về giảm sản lượng. Song, vào thứ Ba, giá dầu tăng 10%.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Igor Kovalev, Phó Trưởng khoa kinh tế và chính trị thế giới của Trường Kinh tế cao cấp (HSE) lưu ý rằng, các mối đe dọa được đề cập đến trong bài phân tích của ACRA đang ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế Nga.
“Nguy cơ trượt xuống suy thoái đang đe dọa không chỉ Nga mà còn các quốc gia khác. Tuy nhiên, virus corona và giá dầu thô sụp đổ đều là các sự kiện toàn cầu. Theo tôi, ơ đây có một mối nguy hiểm lớn hơn nhiều đối với Trung Quốc, vì ở nước này dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất và mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc là lớn nhất thế giới.Tất nhiên, trên thế giới toàn cầu hiện đại, tất cả các quốc gia được kết nối với nhau, hiện tượng này chắc chắn sẽ lan sang các quốc gia khác", - ông Igor Kovalev nói.
Theo ông, diễn biến tình hình chủ yếu phụ thuộc vào cách Trung Quốc đối phó với các vấn đề.
"Theo tôi, yếu tố then chốt là khả năng của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế của các nước công nghiệp lớn nhất, chủ yếu là Trung Quốc, đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Nếu Trung Quốc hồi phục được nền sản xuất, giá dầu chắc chắn sẽ tăng lên. Nhưng, nếu cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng thì sẽ không có động lực để giá dầu tăng lên - nhu cầu sẽ giảm, và dầu thô sẽ trở nên rẻ hơn”, - nhà kinh tế nói.