“Sau khi cất cánh chúng tôi chăm chú theo dõi để máy bay đạt được độ cao mà không gặp vấn đề gì”, một phi công nói. Ông thường thực hiện những chặng bay ngắn xuất phát từ Anh cho một hãng hàng không lớn.
“Ngay khi đạt được độ cao, phi công số một bắt đầu chuẩn bị cho việc hạ cánh. Phi công số hai điền các giấy tờ liên quan đến việc kiểm tra nhiên liệu, nhận thông tin thời tiết và các dữ liệu khác từ điểm đến”, ông nói thêm.
Sau đó, cả hai chuẩn bị cho việc giảm dần độ cao và hạ cánh.
Theo Patrick Smith, phi công và tác giả cuốn sách Cockpit Confidential, trên những chuyến bay dài có nhiều thời gian hơn và hầu như không có việc gì để làm. Vào những lúc như vậy, ông khuyên các phi công nên trò chuyện để duy trì trạng thái cảnh giác.
“Có những khi cả hai phi công đều có rất nhiều nhiệm vụ phải làm, kể cả khi bật chế độ lái tự động”, Smith nói.
Tại Mỹ phi công không được sử dụng điện thoại di động trong suốt chuyến bay để không bị phân tâm. Ở Anh thì không có sự cấm đoán như vậy.
Trên các chuyến bay đường dài, Số lượng phi công có thể tăng đến ba và bốn người. Khi ấy họ có thể thay nhau trực. Trong trường hợp này lúc nào trong buồng lái cũng có hai phi công, còn khi cất cánh và hạ cánh thì tất cả đều phải có mặt.