Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu âm, và quân đội Mỹ cũng đang đẩy nhanh các chương trình trong lĩnh vực này, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin lưu ý trong bài bình luận cho Sputnik.
Cuộc thử nghiệm này là một sự kiện rất đáng chú ý, bởi vì cuộc thử nghiệm lần trước và là lần đầu tiên theo chương trình C-HGB đã được tiến hành vào tháng 10 năm 2017. Trước đó, vào năm 2011 và năm 2014, Mỹ đã thử nghiệm nguyên mẫu ban đầu của hệ thống này, được gọi là Advanced Hypersonic Weapon (Vũ khí siêu âm tiên tiến).
Đầu đạn C-HGB sẽ được lắp đặt trên tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tầm trung AUR (All-Up-Round). Đầu đạn và tên lửa tạo thành các hệ thống vũ khí được gọi là Long Range Hypersonic Weapon (LRHW) (Vũ khí siêu âm tầm xa) cho Quân đội Hoa Kỳ và Conventional Prompt Strike (Tấn công nhanh chóng bằng vũ khí thông thường) cho Hải quân Hoa Kỳ. Sự khác biệt chính giữa hai hệ thống này là bệ phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực, mà C-HGB là phương tiện cơ sở.
Theo kế hoạch của Mỹ, vũ khí siêu âm phóng từ mặt đất sẽ xuất hiện vào năm 2023, sau đó đến cuối thập kỷ này các tên lửa siêu âm sẽ được triển khai trên các tàu nổi và tàu ngầm đa năng hạt nhân.
Tầm bay của hệ thống này chưa được biết chính xác, nhưng ở đây có thể nhắc nhở rằng, vũ khí Advanced Hypersonic Weapon đã được thử nghiệm ở tầm xa 3.700 km. Như vậy, Mỹ lên kế hoạch đến cuối thập kỷ này sẽ sở hữu kho vũ khí tên lửa siêu thanh tiên tiến trên mặt đất và trên biển được triển khai cả trên các căn cứ quân sự và trên tàu chiến.
Nga và Trung Quốc đang đi trước Hoa Kỳ trong lĩnh vực triển khai vũ khí siêu âm. Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt tổ hợp liên lục địa Avangard với đầu đạn siêu thanh, còn Trung Quốc có hệ thống tầm trung tương tự DF-17. Nga cũng có các tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc không có các căn cứ ở Tây bán cầu, trong khi chính họ bị bao vây bởi các căn cứ của Mỹ. Hơn nữa, các tên lửa siêu thanh của Mỹ được triển khai ở Đông Á và Đông Âu đều là các hệ thống vũ khí chiến lược có khả năng đánh vào các trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, các tên lửa siêu thanh tầm trung của Trung Quốc và Nga chỉ có thể tấn công vào các đồng minh và mục tiêu của Mỹ ở các khu vực dọc biên giới của nước mình.
Vì thế cả hai nước sẽ phải giải quyết vấn đề cân bằng tương quan lực lượng. Do đó, các chương trình phát triển tên lửa siêu thanh tầm trung có thể trở thành chất xúc tác cho cuộc chạy đua vũ trang mới và Chiến tranh Lạnh mới, trong khi đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt tranh giành ảnh hưởng ở các quốc gia có thể cho phép mở căn cứ quân sự để bố trí vũ khí này.