Việc Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của chính phủ Việt Nam, đồng thời, EVFTA cũng được kỳ vọng là cú hích góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Thủ tục cuối cùng để EVFTA được thông qua
Bộ Ngoại giao Việt Nam có thông cáo phát đi ngày 31.3 cho biết, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua thủ tục cuối cùng liên quan đến việc hoàn tất Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) tối 30 tháng 3 (theo giờ Hà Nội).
Do đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng ở các quốc gia châu Âu nên các cuộc họp của EU đều bị hoãn lại.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định, việc Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) là một quyết định vô cùng quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía Liên minh châu Âu.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 12.2.2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được Nghị viện châu Âu phê chuẩn tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg, Pháp.
Đồng thời, Hiệp định EVFTA sẽ được triển khai ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.
Phát biểu sau quyết định của EU, ông Gordan Grlić-Radman, Ngoại trưởng Croatia, quốc gia hiện đang là nước Chủ tịch luân phiên EU nhấn mạnh: EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất EU đã ký với một nước đang phát triển và là văn bản thứ hai EU ký kết với một quốc gia Đông Nam Á sau Singapore.
Theo chia sẻ của ông Radman, nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của EU khi ký kết Hiệp định này với Việt Nam đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hiệp định, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.
EU hiểu vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực
Cần phải nói thêm rằng, việc Liên minh châu Âu sớm hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, thậm chí thúc đẩy chuẩn y bằng hình thức văn bản khi không thể tiến hành các cuộc họp như thường lệ, thể hiện EU coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Quyết định chuẩn y này cũng khẳng định mạnh mẽ thông điệp của EU và các quốc gia thành viên tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, duy trì các dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng, hạn chế xu hướng bảo hộ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Đồng thời, đây cũng là những khuyến nghị đã được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 26.3.2020 với sự tham dự của Lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Lãnh đạo quốc gia Chủ tịch ASEAN 2020.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội. Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.
EVFTA: Cú hích cho nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?
Hiệp định EVFTA được EU và Việt Nam ký kết trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên đang phát triển hết sức khả quan, nhất là ở lĩnh vực kinh tế, thương mại sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hai chiều năm 2019 song phương đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ký kết thành công Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá Hiệp định EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.
Cần nhắc thêm rằng, việc Liên minh châu Âu sớm hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn EFVTA tiếp tục khẳng định nỗ lực hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ban ngành liên quan của Việt Nam trong việc thúc đẩy, trao đổi với EU về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá, khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và đi vào triển khai, dự kiến từ khoảng đầu Quý III/2020, EVFTA chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, các ngành mà Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà EU vẫn đang duy trì mức thuế quan cao như dệt may, giày dép, nông sản.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD, giảm 2,89% so năm 2018), Đức (6,56 tỷ USD, giảm 4,63%), Pháp (3,76 tỷ USD, giảm 0,01%), Italia (3,44 tỷ USD, tăng 18,46%), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD, tăng 3,38%), Bỉ (2,55 tỷ USD, tăng 5,83%).
Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA cũng tạo điều kiện tốt để Việt Nam và từng nước thành viên mở ra những cơ hội hợp tác mới trên cơ sở lợi thế của từng nước, đưa hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên ngày càng thực chất và bền vững.
Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ quyết tâm thúc đẩy nhằm tháo gỡ khó khăn khi mà nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.