Bộ Công Thương yêu cầu mở thêm điểm bán hàng dã chiến

Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu các Sở Công Thương mở các điểm bán hàng mới tạm thời, dã chiến để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân.
Sputnik

Tiếp tục triển khai bố trí sẵn các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có công văn yêu cầu các Sở Công Thương mở các điểm bán hàng mới tạm thời, dã chiến để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội.

Công văn nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly nếu có.

Thủ tướng yêu cầu xem xét kỹ lưỡng việc xuất khẩu gạo

Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước cũng yêu cầu các sở công thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới gồm các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến. Điều này góp phần bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.

Sở Công Thương hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid- 19.

Đặc biệt, Vụ Thị trường trong nước đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai chỉ đạo trên, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời thông tin về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý.

Giữa cơn dịch Covid-19: Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Sẵn sàng đảm bảo nguồn cung hàng hoá trong mọi tình huống khi cách ly xã hội

Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế, các địa phương và doanh nghiệp phân phối sẽ xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.

Trưởng phòng Điều tiết cung cầu, Vụ Thị trường trong nước, bà Lê Thị Hồng cho biết Sở Công Thương các địa phương đã đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng di động, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh. Ở các địa phương khác, việc triển khai thực hiện chậm hơn.

Hiện Vụ Thị trường trong nước đang đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai bố trí sẵn các điểm bán hàng lưu động để đề phòng trường hơp cần thiết thì có thể đưa vào sử dụng được ngay. Việc tổ chức các điểm bán hàng mới này không chỉ được thực hiện trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (từ 1/4 đến 15/4) mà cả thời gian sau đó, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

TP.HCM xin sáp nhập 3 quận thành lập thành phố phía Đông

Ngoài vai trò của các địa phương, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, quan trọng nhất vẫn là từ phía doanh nghiệp phải thực sự có nhu cầu cũng như chiến lược kinh doanh. Theo bà Hồng, phòng trừ trường hợp chẳng may có một điểm bán hàng nào đó có nhân viên bị nhiễm bệnh, bắt buộc điểm đó phải đóng cửa thì việc có ngay một điểm bán hàng dã chiến để thay thế là hết sức cần thiết.

Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cho biết đã có các phương án cung ứng hàng hóa trong trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động.

“Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động, Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn”, - đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Thảo luận