Việt Nam đã sẵn sàng phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Bộ Công Thương triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Thủ tướng cùng với các bộ ban ngành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) ngay vào giữa tháng 4 này.
Sputnik

Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là đòn bẩy cho nền kinh tế Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, các mặt hàng xuất khẩu đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những lĩnh vực mũi nhọn Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Việt Nam triển khai các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Bộ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 44 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4/2020.

Quốc hội Việt Nam muốn phê chuẩn EVFTA sớm

Bộ Công Thương Việt Nam cho biết: Vào ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sau khi Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020. Quyết định này là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Hiện giờ, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam (thời gian dự kiến là 30 ngày kể từ ngày thông báo).

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Ngày 21/2/2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Sau đó, ngày 24/3, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định.

Bộ Công Thương kiến nghị, để chuẩn bị thực thi Hiệp định này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động rà soát để triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi Hiệp định EVFTA.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ cũng đã chủ động ban hành Kế hoạch về việc triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA từ nay cho đến khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để Hiệp định đi vào thực thi, một trong những yếu tố tiên quyết là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Do vậy, với mỗi Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một Thông tư về vấn đề này.

Thông tư dự thảo đã đồng ý lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để mọi người được biết sớm quy tắc xuất xứ cụ thể khi xuất khẩu vào thị trường EU. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang bàn về mặt pháp lý để điều chỉnh thời gian Thông tư có hiệu lực.

EVFTA: Việt Nam chưa bao giờ có được ưu đãi xuất khẩu lớn như thế

EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mở ra cơ hội thâm nhập thị trưởng EU với quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.

EVFTA: Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cú hích cho nền kinh tế sau đại dịch Covid-19
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 1/12/2015 Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán về EVFTA và đến ngày 1/2/2016 văn bản Hiệp định đã được công bố. Ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. 8/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.

Hai Hiệp định đã được ký kết vào 30/6/2019. Tại phiên họp toàn thể chiều 12/2/2020 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và EVIPA. Tối 30.3.2020 (theo giờ Hà Nội), Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chuẩn y quyết định của Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) bằng hình thức văn bản.

EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Bộ Công thương cho biết, những nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Theo cam kết trong hiệp định, khi có hiệu lực, phía châu Âu sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% (85,6%) số dòng thuế và hơn 99,2% dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau 7 năm, 1% còn lại sẽ được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA mà Hà Nội đã ký kết. Điều đáng nói hơn nữa, chính là việc lợi ích này càng tăng ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (cùng với Hoa Kỳ) ở thời điểm hiện tại.

Ngược lại, đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, Việt Nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau 7 năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Có thể khẳng định, ký kết thành công EVFTA là một nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam, bởi EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

EVFTA và EVIPA được chính thức thông qua: Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh

Điều quan trọng là, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế so với doanh nghiệp các nền kinh tế có trình độ phát triển tương tự tại thị trường rộng lớn EU, đẩy mạnh xuất khẩu và thâm nhập thị trường, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA, những cam kết toàn diện và cân bằng về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, theo đó, Hà Nội sẽ đón làn sóng đầu tư lớn đổ về từ các quốc gia thành viên EU.

Những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam sẽ tiến sâu hơn vào thị trường EU như nông, thủy sản, gạo, cà phê, hồ tiêu, mật ong, các sản phẩm chăn nuôi, rau quả…đều có những ưu đãi xuất khẩu từ thời điểm ban đầu, Đối với các ngành dệt may, da dày, đồ gỗ, hàng điện tử, ô-tô, hóa dầu cũng được hưởng ưu đãi thuế quan theo đúng lộ trình. Đây đúng là một đòn bầy rất vững chắc để xuất khẩu Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới nhất là vượt qua giai đoạn bệnh dịch vô cùng khó khăn này.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, chính nhờ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% vào năm 2023 và 7,07-7,72% vào năm 2033.

Thêm điểm đặc biệt nữa chính là việc nhờ có EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ cao bởi Đức và nhiều nước EU đều là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, EVFTA cũng tạo cơ hội thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư kinh doanh để ngày càng theo sát và tiệm cận hơn với luật pháp quốc tế. Hiện Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra.

Bên cạnh đó, việc Nghị viện châu Âu EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU, đưa quan hệ đối tác giữa EU và Việt Nam lên tầm cao mới, gắn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, sâu sắc hơn.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để tận dụng EVFTA?

Nền kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi EVFTA được kí kết, bởi nước ta có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Hơn nữa, EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới.

Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA: Thành công lớn của Việt Nam

Theo khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận mà phải vượt qua được hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt.

Vì là một thị trường có đòi hỏi cao nên chúng ta phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó.Chẳng hạn như, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh phải đảm bảo...

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải vượt qua nhiều khâu về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ… trước khi “bước chân” được vào thị trường này, những tiêu chuẩn về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.

“Chúng ta cần chuẩn bị toàn diện từ nghiên cứu không chỉ cơ hội mà còn thách thức của thị trường EU, cần phải tập trung về nhiều mặt như nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…”, Bộ Công thương nêu rõ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), muốn vào được thị trường EU, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan cho đến chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành việc EU nhằm tránh những rủi ro trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tận dụng tối đa ưu thế khi EVFTA chính thức được thông qua, Bộ Công Thương đã triển khai Kế hoạch hành động chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA với 5 nhóm nhiệm vụ chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU, công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA: Thành công lớn của Việt Nam

Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường cũng đang được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có tâm thế sẵn sàng để có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước trong khối EU.

Đặc biệt, tránh trở thành tâm điểm chú ý về gian lận thương mại, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, 5 năm qua, EU không có bất kỳ cuộc điều tra nào về chống bán phá giá đối với hàng hóa hay trợ cấp nào đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, phía EU có một số trao đổi và triển khai một số cuộc thẩm tra về vấn đề gian lận xuất xứ, đặc biệt với một số mặt hàng mà EU đang có biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước thứ ba như Trung Quốc. Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng nhanh, phía EU có thẩm tra về gian lận xuất xứ có thể kể đến như: Màng nhôm bọc thực phẩm, xe tay nâng, đèn huỳnh quang, bật lửa gas…

“Để khai thác bền vững được Hiệp định EVFTA, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Hiệp định về chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh là hết sức quan trọng…”, Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.
Thảo luận