Dự kiến, ngay trong tháng 4 này, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ được trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vào đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội Việt Nam dự kiến phê chuẩn EVFTA ngay đầu kỳ họp tới
Ngày 1.4.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Bộ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 44. Phiên họp dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 4.2020.
Trước đó, tối 30.3.2020 (theo giờ Hà Nội), Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) bằng hình thức văn bản. Việc Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện quyết tâm, nỗ lực và thành công đáng ghi nhận của chính phủ Việt Nam nhằm đạt được thỏa thuận về thương mại tự do song phương này, mở ra cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam trong tương lai sắp tới.
Đồng thời, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trình Thủ tướng Chính phủ chương trình hành động triển khai Hiệp định, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác lợi thế, cơ hội từ Hiệp định, xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường nông sản và thủy sản châu Âu.
Từ trước đến nay, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam vẫn luôn khẳng định quyết tâm phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi tiếp Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Pier Giorgio Aliberti giữa tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam quyết tâm thực thi hiệu quả EVFTA và EVIPA. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành của Việt Nam tích cực chuẩn bị các thủ tục nội bộ, sớm trình Quốc hội hồ sơ hai Hiệp định.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ban hành chương trình hành động quốc gia thực hiện hai Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp đồng bộ, cụ thể và tổ chức triển khai nghiêm túc tới các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
EVFTA không chỉ là cầu nối giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
Như đã thông tin trong chuyến thăm làm việc tại châu Âu vào tháng 3/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định với lãnh đạo Nghị viện châu Âu rằng Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và châu Âu, mong muốn EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm được ký kết, phê chuẩn vì phù hợp với lợi ích thương mại, đầu tư với những lợi ích chiến lược mang lại cho cả hai bên.
Đặc biệt, trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam đang nỗ lực gắng hoàn thiện các quy định của pháp luật cho phù hợp với luật pháp quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia, trong đó có EVFTA, lắng nghe ý kiến, tham khảo kinh nghiệm và thông tin về việc ban hành, thực thi pháp luật của các nước tiên tiến.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Hiệp định này được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,91 tỷ USD.
Ngày 30.06.2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Ngày 12.2.2020 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua tại Strasbourgh, Pháp với 401 phiếu ủng hộ.
Ngày 30.3.2020, Hội đồng châu Âu đã quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía Liên minh châu Âu.
Theo quy trình, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.
Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh và là mũi nhọn trong xuất khẩu.
Với EVFTA, Việt Nam đã chứng minh chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ là hoàn toàn đúng đắn và mang lại những lợi ích vô cùng to lớn nhất là để đảm bảo lợi ích quốc gia cũng như đảm bảo mối quan hệ hợp tác bền vững mang tính chiến lược để đóng góp chung cho hòa bình ổn định chứ không đơn thuần về kinh tế, thương mại.
Với Hiệp định EVFTA, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Lãnh đạo Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, đến này đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định FTA đã ký kết. Điều này càng có ý nghĩa khi EU những năm vừa qua liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, với bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay có nhiều biến động, xung đột giữa các nước lớn ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia có chung giao thương, Hiệp định EVFTA đóng vai trò vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực nền kinh tế để ứng phó với biến động thị trường, vừa giúp củng cố vị thế của đất nước trên trường quốc tế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.