Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới nhưng đã mất dấu F0

Bộ Y tế thông tin cho biết, đến 18h ngày 8/4, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 mới nào. Trong khi đó, đã có 42 bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến hai lần trở lên.
Sputnik

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đại biểu nêu ra dự đoán, nhiều khả năng, trong một vài ngày tới sẽ tiếp tục có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, người dân cần cảnh giác, đề phòng lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam đang mất dấu dần các F0 với những ca mắc coronavirus thời gian gần đây không xác định được nguồn lây nhiễm từ đâu.

Liên quan trường hợp nhiễm Covid-19 số 243, Phó Công an phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm ăn cơm uống rượu với bệnh nhân này, toàn bộ công an phường bị cách ly. Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội giao Bộ Tư lệnh Thủ đô khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) liên quan đến ca nhiễm Covid-19 số 243.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tiến hành cách ly toàn bộ thôn 3, Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi cư trú và sinh sống của bệnh nhân số 251 cũng chưa xác định được nguồn lây.

Không có ca mắc Covid-19 mới, nhưng đã mất dấu các F0

Tính đến 18h chiều ngày 8 tháng 4, số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam vẫn là 251, trong đó có 126 trường hợp đã được điều trị khỏi coronavirus.

Trong số 251 trường hợp này có 156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số này có 45 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, 18 trường hợp liên quan tới quán Bar Buddha, TP.HCM, Việt Nam có  thêm 1 ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh với 2 trường hợp mắc, 112 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện tại khu cách ly tập trung, trong đó có 107/112 trường hợp là người Việt Nam. Cả nước còn 74.626 người đang được cách ly, theo dõi.

251 ca mắc Covid-19: Việt Nam tung gói hỗ trợ đặc biệt

Về tình hình điều trị, thông tin mà Tiểu Ban Điều trị cung cấp cho biết, hiện tại số ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần trở lên là 42. Trong đó, 25 người được xác nhận đã âm tính lần đầu tiên và 17 người đã có kết quả âm tính từ 2 lần trở lên.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các đại biểu đều thống nhất với dự đoán, nhiều khả năng, trong một vài ngày tới sẽ tiếp tục có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, người dân cần cảnh giác, đề phòng lây nhiễm cộng đồng.

Trao đổi tại cuộc họp và báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, một tuần sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về chế độ cách ly toàn xã hội, hiện nay, số lượng người tham gia giao thông cao hơn thời điểm công bố Chỉ thị 16 ngày 1/4.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Công An nhìn nhận, đây là dấu hiệu cần cảnh báo, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, tránh việc lây lan trong cộng đồng, thực hiện tốt nhất yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nêu quan điểm, trong những ngày đầu tiên, xuất hiện một số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không tìm được những ca nhiễm đầu tiên. Chúng ta đang mất dần dấu vết các F0.

“Ca 243, 237 hay các trường hợp tại Hà Nam, điều này chứng tỏ đã có sự lây lan trong cộng đồng, mặc dù chưa thực sự lớn. Liên quan đến ca bệnh số 243, Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo cho xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus, và đồng thời làm xét nghiệm kháng thể, phát hiện chưa xuất hiện kháng thể. Như vậy có thể đây là ca bệnh mới mắc. Chúng ta có thể phần nào khẳng định có sự lây nhiễm mới trong cộng đồng. Còn cụ thể lây từ đâu thì chưa thể xác định, do đối tượng này đi rất nhiều nơi”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Việt Nam có 249 ca mắc Covid-19: Bộ Y tế ra thông báo khẩn liên quan bệnh nhân số 243
Cũng liên quan đến vấn đề mất dấu F0, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của dịch Covid-19, với nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, hiện đã có những ca bệnh không tìm ra nguồn lây từ đâu (mất dấu F0). Nghĩa là không xác định được người bệnh F0 là là ai, ở đâu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn khiến dịch lan rộng, khó kiểm soát, bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.

“Trong bối cảnh này, những nơi tập trung đông người dễ gây bùng phát dịch, vì không biết ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, để phòng bệnh, cách tốt nhất là người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, thực hiện tốt giãn cách xã hội”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, hiện nay, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn, cách ly, tìm các ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

“Vừa qua Chính phủ đã có Chỉ thị 16 nhằm dãn cách xã hội ngăn không cho lây lan, chúng ta cần làm quyết liệt đến hết 15/4, tùy vào diễn biến các ổ dịch sẽ có các biện pháp tiếp theo. Song phải đẩy mạnh việc tìm ra các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng trao đổi về vấn đề những ngày gần đây xuất hiện những ca bệnh ủ bệnh trong thời gian dài, cần chú ý hơn. Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo với các cơ sở y tế để phân luồng, phân tuyến, coi mỗi người đến cơ sở y tế đều là người có nguy cơ lây nhiễm để có các biện pháp tiến hành sàng lọc.

“Những đối tượng có biểu hiện cảm cúm thông thường, phải đưa vào đối tượng xét nghiệm bắt buộc. Nhân viên y tế tại các bệnh viện làm việc tại các khoa như hồi sức cấp cứu, thường xuyên phải chăm sóc bệnh nhân phải xét nghiệm thường xuyên để tránh lây nhiễm”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Việt Nam không được phép chủ quan với Covid-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, hiện vẫn chưa thể khẳng định những ca dương tính mới có liên quan đến hai ổ dịch Bạch Mai hay quán bar Buddha hay không.

Việt Nam giúp Lào chống Covid-19

Theo đồng chí Vũ Đức Đam, thời điểm hiện tại, diễn biến dịch ở Việt Nam vẫn theo đúng kịch bản được dự đoán trước đó.

“Chúng ta cần làm quyết liệt, nhất định không được chủ quan, ngay cả trong tình huống tốt, vẫn phải dự trù những tình huống xấu có thể xảy ra. 2 ngày vừa qua nhiều người có dấu hiệu chủ quan. Tới đây, sẽ còn những ca bệnh mới được phát hiện, tuyệt đối không được chủ quan”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
“Chúng ta đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Đây là thế mạnh trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, đề nghị cần tiếp tục thực hiện”, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 Việt Nam nhấn mạnh.

Nhằm thực hiện công tác phát hiện ổ dịch mới, hạn chế lây lan cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tăng cường lực lượng chức năng như công an, quân đội, vào từng nhà có người có nguy cơ mắc để kiểm tra, cách ly.

“Hiện vẫn có tình trạng các phường, xã để các cụ hưu trí, tổ dân phố đi rà soát nhưng lại không được hướng dẫn, bảo hộ cụ thể tiềm ẩn nguy hiểm”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thực hiện công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”,  đồng thời bên cạnh việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cũng đã tính đến các phương án bảo vệ an toàn cho các lực lượng tiếp xúc, trấn áp tội phạm.

Bạn sử dụng thời gian tự cách ly để làm gì?Đọc nhiều hơnNấu ăn nhiều hơnCó nhiều thời gian bên gia đình hơnXem thêm nhiều chương trình TV, phim điện ảnh, truyền hìnhCó thời giờ cho sở thích cá nhânChơi thể thaoKhông quan tâm chủ đề này

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, thời gian tới công tác rà soát cần mở rộng, tập trung vào các nhóm liên quan đến người nước ngoài (đang lưu trú, cư trú tại các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, người nước ngoài vào Việt Nam du lịch) và nhóm người Việt Nam (làm việc trực tiếp với người nước ngoài, người từ nước ngoài về nước, người đi qua/đi về từ vùng dịch, người liên quan, tiếp xúc gần, tiếp xúc gần với tiếp xúc gần với người mắc bệnh, người lang thang; đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội).

Bộ Y tế đã và sẽ có các hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Các lực lượng đi làm nhiệm vụ cần được trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân, bởi có thể tiếp xúc với các trường hợp bị mắc chủng mới virus corona.

Bên cạnh công tác kiểm soát dịch, việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Đến nay tỷ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50%. Bộ Y tế đang tập trung xây dựng, hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất, không để người nhiễm bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa người tử vong.

Hà Nội: Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi

Chiều ngày 8 tháng 4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh Covid-19 của TP Hà Nội họp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Báo cáo tại cuộc họp, các quận huyện đã dành nhiều thời gian để thông tin về các ca bệnh Covid-19 mới trên địa bàn cũng như các biện pháp cần thực hiện ngay lập tức để giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Gần một nửa số ca mắc Covid-19 của Việt Nam đã khỏi bệnh

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, trên địa bàn hiện có 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Trước tình hình này, Chủ tịch Hà Nội đã giao Bộ Tư lệnh Thủ đô tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi. Trong trường hợp cần thiết có thể mời thêm Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) vào cuộc.

“Việc phun khử trùng, khử khuẩn tại ổ dịch COVID-19 là đảm bảo theo quy định, đúng quy trình khử khuẩn diện rộng và cũng để người dân yên tâm”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Bộ Tư lệnh thủ đô, Công an thành phố, Sở Y tế phối hợp triển khai phun khử trùng, khử khuẩn tất cả các xe ra vào tại 30 chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP.

“Số người vào TP qua các chốt kiểm soát cũng phải được đo thân nhiệt, dù đông vẫn phải bố trí đủ lực lượng để các chốt kiểm soát hoạt động cho tốt”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã quyết định cách ly hoàn toàn thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh để khoanh vùng dập dịch, đây được coi là bước đi cần thiết khi bệnh nhân số 243 đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trước khi có kết quả dương tính với virus corona.

theo báo cáo từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), nam bệnh nhân 47 tuổi này đã đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3. Đến ngày 21/3, bệnh nhân đau mỏi người, có ngấy sốt, đã đi mua thuốc cảm cúm uống và thấy đỡ. Đến ngày 3/4, bệnh nhân T. được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Ngày 6/4, kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam tăng lên thành 245

Đến trưa 7/4, qua rà soát ghi nhận 104 trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân 243, trong đó lấy mẫu được 90 trường hợp gửi đến CDC Hà Nội vào sáng sớm 8/4.

Hiện nay, nhà chức trách đã chuyển cách ly tại Bệnh viện đã khoa Mê Linh 31 trường hợp, Bệnh viện Bắc Thăng Long 35 trường hợp còn lại đang cách ly tại nhà hoặc chờ chuyển đến khu cách ly tập trung. Các cơ quan chức năng vẫn đang rà soát các trường hợp F1.

Tại quận Bắc Từ Liêm, báo cáo cho hay, trên địa bàn quận có 8 trường hợp F1, 64 trường hợp F2 và 197 trường hợp F3 của bệnh nhân 243. Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết ở phường Tây Tựu và Liên Mạc có nhiều người buôn bán hoa có mối quan hệ với bệnh nhân số 243. Đáng chú ý, trong quá trình buôn bán hoa ở chợ Quảng An, nhóm người này có giao lưu, tiếp xúc với nam bệnh nhân 243.

Quận Bắc Từ Liêm hiện đã phối hợp với Ban quản lý chợ hoa Quảng Bá trích xuất camera, phát hiện có 8 người dạng tiếp xúc F1, đã quyết liệt xử ý, gửi mẫu cho CDC Hà Nội.

“Mong CDC Hà Nội cung cấp test nhanh để xét nghiệm nhanh cho những người buôn bán hoa trên địa bàn”, ông Trần Thế Cương - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói.

Đặc biệt, theo lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm, tại Công an phường Đông Ngạc, có một cán bộ Phó Công an phường đã ăn cơm, uống rượu với bệnh nhân 243, công an phường Đông Ngạc có tất cả 18 cán bộ, chiến sĩ. Những người này được xác định là F2, vị Phó Công an phường là F1.

“Toàn bộ công an phường Đông Ngạc hiện nay đã được đề nghị cách ly, phun khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm”, lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm khẳng định.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết quận này đã lấy mẫu bệnh phẩm những người ở quán cơm ở ngõ 75 Giải Phóng. Bệnh nhân 243 ăn cơm tại đây khi đưa người nhà tới Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh.

“Thực ra, bệnh nhân 243 đã ăn cơm ở đây lâu ngày rồi, thế nhưng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch chúng tôi vẫn lấy mẫu những người có liên quan để xét nghiệm” Chủ tịch quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết.

Cũng liên quan đến việc rà soát những người tiếp xúc gần, ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh cho hay: Sau bệnh nhân 243, thôn Hạ Lôi đã tiếp tục có thêm 1 trường hợp mắc bệnh mới là bệnh nhân 250. Hiện lực lượng chức năng đã xác định được hơn 100 trường hợp có tiếp xúc gần với ca mới này và đã lấy mẫu test nhanh. Kết quả ban đầu cho thấy tất cả đều âm tính.

Cũng tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Hà Nội, chiều 8/4, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, trong bệnh viện Bạch Mai có khoảng 16.000 người trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 28/3 trên tổng tống 20.000 - 22.000 người đã được lấy mẫu xét nghiệm. Như vậy còn khoảng 4.000 - 5.000 người chưa khai báo, chưa được quản lý xét nghiệm.

Hà Nam: Cách ly một thôn 3 Ngô Khê liên quan đến bệnh nhân 251

Covid-19: Việt Nam sẽ kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội?
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 số 251 ở Hà Nam, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trường hợp bệnh nhân này điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phủ Lý (Hà Nam) với triệu chứng tiêu chảy cấp mất nước nặng.

Sau khoảng tuần có triệu chứng sốt, bệnh viện có nghi ngờ lấy mẫu để CDC xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy đã dương tính với virus SARS-CoV2.

“Đây là một trường hợp rất đặc biệt, đầu tiên vào viện với bệnh trạng khác sau khi điều trị có sốt lẫy mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên giám sát Covid-19 là dương tính”, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay.

Đáng chú ý, con trai và con gái của bệnh nhân có từ Hà Nội về quê chăm bố.

“Ngay khi có thông tin của CDC Hà Nam, chúng tôi đã kịp thời thông báo cho Nam Từ Liêm, ngay hôm qua đã điều tra khoanh vùng xử lý lập danh sách F1, F1 lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. 10h sáng nay, Trung tâm Y tế Nam Từ Liêm đã gửi mẫu dự kiến chiều nay có kết quả. Đây là giám sát có quy mô vùng, quy mô liên tỉnh. Việc kịp thời chia sẻ thông tin là rất quan trọng”, ông Cảm thông tin.

Tại địa phương, ngay sau khi nhận được thông tin ca nhiễm Covid-19 số 251 đang được cách ly theo dõi và điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tiến hành cách ly toàn bộ thôn 3, Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi cư trú và sinh sống của bệnh nhân số 251.

Số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam giảm nhưng virus corona đã biến đổi

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Phạm Quang Thắng khẳng định, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về bệnh nhân số 251, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã đã họp và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để người dân yên tâm, không lo lắng.

“Đồng thời, xã đã thành lập 3 chốt tạm thời do lực lượng công an và quân sự địa phương đảm nhiệm để tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống, khai báo y tế và thực hiện cách ly, tiến hành khoanh vùng toàn bộ thôn 3 Ngô Khê, tiêu độc, khử trùng, rà soát tất cả các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân từ ngày 20/3 trở lại đây”, ông Thắng nhấn mạnh.

Được biết, 9 trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tại Trung tâm y tế huyện ngay trong đêm 7/4, tiếp tục tìm kiếm và sàng lọc F2. Đến nay, 13 người thuộc diện F1 đã được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện. Theo nhận định, số người này sẽ tăng lên khoảng 40-50 người và 200-300 người thuộc đối tượng F2.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam, cho biết bệnh nhân số 251 nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 20/3 đến nay. Bệnh sử phức tạp, bệnh nền nhiều như viêm gan, xơ gan, gout đặc biệt là bệnh nhân có viêm phổi, ca bệnh này được dự đoán phức tạp do chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Xác định bệnh nhân số 251 là trường hợp nặng, có tính chất phức tạp, tỉnh Hà Nam đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời xây dựng các phương án, kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bệnh do virus corona gây ra.

Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới nhưng đã mất dấu F0
Thảo luận