Riêng phi công người Anh của Vietnam Airlines, từng đến quán bar Buddha - bệnh nhân mắc nCoV số 91, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang nguy kịch, phải can thiệp ECMO, Tiểu Ban Điều trị yêu cầu dùng mọi nguồn lực, bằng mọi cách còn nước còn tát cứu lấy tính mạng bệnh nhân.
Sở Y tế TP.HCM cho hay, sáng nay có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được chữa khỏi coronavirus của Việt Nam lên thành 125 (tỷ lệ bình phục đạt 50%). Ngoài ra, 1 ca của Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi cũng dự kiến sẽ xuất viện hôm nay ngày 8/4.
Sáng nay, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc Hội cũng họp phiên bất thường nhằm xem xét thảo luận, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng các gói hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam đề xuất. Theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ chi khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng do dịch do coronavirus gây ra.
Việt Nam có 251 ca mắc coronavirus
Sáng ngày 8/4, bản tin sáng của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 Việt Nam thông báo cho biết, Bộ Y tế ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm nCoV ở Việt Nam lên thành 251. Trong số hai người mắc Covid-19 mới này, có một ca liên quan đến bệnh nhân số 243 ở Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội.
Bộ Y tế cho hay, trong 251 trường hợp này có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%), 95 người lây nhiễm thứ phát. Đã có 122 người khỏi bệnh/xuất viện.
Bệnh nhân mắc Covid-19 số 250 là một người phụ nữ Việt Nam, 50 tuổi, ở Hạ Lôi, Mê Linh, TP.Hà Nội. Đây là hàng xóm và có tiếp xúc gần bệnh nhân số 243.
Ngày 2/4, bệnh nhân có dấu hiệu khởi phát bệnh. Ngày 5/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca mắc Covid-19 số 251 là người đàn ông, 64 tuổi ở Bình Nghĩa, Lục Bình, Hà Nam. Trường hợp này, theo Bộ Y tế, vẫn phải tiếp tục điều tra nguồn lây nhiễm bởi từ ngày 20/3 đến nay, bệnh nhân điều trị tại Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.
Tính đến sáng nay, có 74.626 người đang được cách ly trong đó (cách ly tập trung tại Bệnh viện là 509 người (1%), tại nhà, nơi lưu trú là 43.558 người (58%) và ở các cơ sở cách ly tập trung khác là 30.559 người (41%).
Phi công người Anh nguy kịch: Bằng mọi cách phải cứu các bệnh nhân nặng
Thông tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết, tính đến sáng nay, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 trường hợp. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính là 17. Dự kiến, 3 người sẽ được công bố khỏi bệnh trong ngày hôm nay.
Cả nước có 5 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, phải thở ô-xy, trong đó có 3 ca rất nặng, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trước đó, chiều qua, tại Trung tâm quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán điều trị Covid-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế gồm các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu Ban Điều trị, cho hay, cả nước hiện có hai bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nặng là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Tiểu Ban Điều trị yêu cầu huy động tất cả trang thiết bị hiện đại, các loại thuốc tốt nhất dành cho các bệnh viện với mục tiêu hạn chế thấp nhất, không để bệnh nhân tử vong.
Tại buổi hội chẩn này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xin hội chẩn về hai trường hợp nặng. Đó là bác ruột của bệnh nhân số 17 (64 tuổi ở Trúc Bạch, Hà Nội) đã không còn hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) từ ngày 4/4, tình trạng hô hấp đang diễn biến tốt lên. Các bác sĩ điều trị tích cực hy vọng đến cuối tuần này có thể cai thở máy cho bệnh nhân này.
Đối với ca bệnh số 161 (bệnh nhân đã 88 tuổi) từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang, đang được các bác sĩ khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi sát vì bệnh nhân tuổi cao có tiền sử xuất huyết não, tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch.
Với những tiến triển trong điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, các thành viên của Hội đồng chuyên môn, Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng đã chúc mừng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại đây.
Riêng về trường hợp phi công người Anh của Vietnam Airlines, từng đến quán bar Buddha - bệnh nhân số 91, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang nguy kịch, tình trạng nặng, suy đa tạng, phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO). Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mong muốn các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm.
Các giáo sư, chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam đã dành rất nhiều thời gian để hội chẩn bệnh nhân 91 này. Tất cả các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm đều thảo luận chi tiết.
Các thành viên hội chẩn cũng thống nhất bằng mọi cách “còn nước, còn tát” để điều trị bệnh nhân 91. Tiểu Ban Điều trị cũng đã đề nghị kíp bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang hỗ trợ can thiệp ECMO cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đồng thời yêu cầu huy động toàn lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đang phải can thiệp ECMO, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, cứu lấy tính mạng các bệnh nhân.
Bệnh nhân mắc Covid-19 số 91, nam, 43 tuổi, quốc tịch Anh, hiện cư trú tại quận 2, TP.HCM, là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines. Chiều 17/3, ông có dấu hiệu mệt mỏi nên đã lập tức thông báo với đoàn bay và chủ động tới bệnh viện xin khám và xét nghiệm.
Phi công người Anh nhập viện với tình trạng X-quang cho thấy phổi bị tổn thương nhu mô phổi phải, được xét nghiệm, thực hiện cách ly điều trị. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm và cho kết quả bệnh nhân dương tính với Covid-19 lần 1 vào đêm 18/3. Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP.HCM khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20/3.
3 người xuất viện: 50% bệnh nhân mắc Covid-19 của Việt Nam khỏi bệnh
Sáng ngày 8/4, Bộ Y tế thông tin cho biết, có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được chữa khỏi coronavirus của Việt Nam lên thành 125 (tỷ lệ bình phục đạt 50%).
Những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh hôm nay gồm có các ca bệnh số 125, 126 (hai công dân Nam Phi) và bệnh nhân số 152 (người Việt Nam).
Cả 3 bệnh nhân này đều liên quan hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 ở ổ dịch Buddha, TP.HCM.
Sau một thời gian điều trị tích cực, cả ba bệnh nhân này đều có tình trạng sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm đều 3 lần âm tính liên tiếp với SARS-CoV-2. Sau khi xuất viện, cả ba người vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày tới.
Ngoài ba bệnh nhân này, dự kiến trong ngày hôm nay, còn có một trường hợp tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cũng sẽ được công bố xuất viện (đó là bệnh nhân số 153).
Sở Y tế TP.HCM cho biết, có 34/54 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 của thành phố đã khỏi bệnh. Sức khỏe của các ca điều trị tại thành phố ổn định, riêng nam phi công người Anh vẫn còn hỗ trợ thở máy, tuy nhiên không sốt, mạch và huyết áp ổn định.
Về theo dõi và xử lý chuỗi lây nhiễm tại quán bar Buddha, Sở Y tế TP.HCM cho biết, có 13 trường hợp từng đến ổ dịch này có kết quả dương tính, 6 người lây từ tiếp xúc gần với các trường gợp này. Riêng bệnh nhân mới liên quan đến quán Buddha được cách ly tập trung tại Đồng Nai ngay khi điều tra có tiếp xúc gần với người nhiễm, ngày 6/4/2020 có xét nghiệm lần thứ 2 dương tính với nCoV.
Có 20 người từng đến Bạch Mai từ ngày 13/3 và tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Thường vụ Quốc hội Việt Nam họp bất thường vì Covid-19
UBTV Quốc hội đánh giá, đây là những nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định, triển khai kịp thời trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng ra khắp thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội, mọi lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp bất thường cho biết, ngay từ khi bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, tư tưởng chỉ đạo và phương châm “chống dịch như chống giặc” đã được xác định và kiên quyết, kiên trì thực hiện xuyên suốt.
Theo lãnh đạo Quốc hội, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã cùng quyết liệt vào cuộc, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt các biện pháp chống dịch mà Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia đề ra với quyết tâm cao là chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân, Việt Nam vẫn được đánh giá là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Nhờ vậy, dù đang trong giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, mức độ lây lan cao, diễn biến càng lúc càng khó lường, chúng ta vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực như: số ca nhiễm mới bước đầu giảm, số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng.
“Đó là kết quả rất đáng tự hào của chúng ta đã được WHO và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao, đồng thời, thêm một lần nữa khẳng định những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, trong cuộc chiến chống Covid-19 này, nhờ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Lãnh đạo Quốc hội cũng biểu dương tinh thần hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của đồng bào cả nước cũng như người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có sự vận động của các vị đại biểu Quốc hội cùng với cử tri cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp chống dịch do coronavirus gây ra.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định sản xuất - kinh doanh, an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân, đây cũng là những nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý tại Phiên họp thứ 43.
Trong đó, đáng chú ý là việc đưa ra chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thể hiện rõ tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy sự nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của Nhân dân.
“Trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cũng như tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.
Đặc biệt, người đứng đầu Quốc hội cho biết, sau khi các Chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống.
Cùng với mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội mong rằng, những chính sách hỗ trợ này sẽ tiếp nối và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội Việt Nam. Nhờ đó, sẽ khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc. Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, đó chính là phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
“Cuộc chiến chống dịch Covid 19 trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sức mạnh đoàn kết cùng ý chí quyết thắng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Việt Nam chi 62.000 tỷ hỗ trợ 20 triệu người bị dịch Covid-19 ảnh hưởng
Tiếp đến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Dự kiến, Chính phủ sẽ tung gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng nhằm giúp 20 triệu người chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tại Việt Nam, hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chưa hết, dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm, trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ đệ trình kế hoạch gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng nhằm hướng đến mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch bệnh lây lan.
Như đã công bố trước đó, về quy mô hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội), theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến Nhà nước sẽ chi khoảng 62.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng.
Theo đó, trong gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ này, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỷ đồng lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên. Ngân sách địa phương dự kiến là 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư.
Cùng với đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 – 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân.