Về đề tài này, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin có bài bình luận dành cho Sputnik.
Đã rõ là công việc tương tự được tiến hành song song với chế tạo chiến đấu cơ đậu trên tàu sân bay J-15 của Trung Quốc, sản xuất tại Thẩm Dương. Hai hàng không mẫu hạm lứa đầu của Trung Quốc là «Liêu Ninh» và «Sơn Đông» được tạo ra trên cơ sở đề án 1143.6 của Liên Xô và có thiết kế gần giống với tàu sân bay duy nhất của Nga là chiếc «Đô đốc Kuznetsov». Những con tàu như vậy không có máy phóng để đưa máy bay cất cánh mà thay vào đó là một bàn đạp đặc biệt ở phần mũi tàu.
Điều này giúp đơn giản hóa rất nhiều và giảm giá thành thiết kế cấu trúc hàng không mẫu hạm, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong việc sử dụng. Cất cánh không máy phóng không cho phép sử dụng nhiều loại máy bay với phụ trợ khác nhau trên hàng không mẫu hạm, ví dụ như phi cơ với dàn radar cảnh báo sớm phát hiện từ xa.
Mà các chiến đấu cơ xuất phát từ các tàu như vậy cũng vấp phải hạn chế nghiêm trọng khi muốn cất cánh đồng loạt, ảnh hưởng đến khả năng tấn công ồ ạt vào các mục tiêu trên đất liền (do hạn chế về tải trọng bom) và tầm bắn xa (do hạn chế khả năng sử dụng các thùng nhiên liệu treo ngoài).
Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc hiện đang được xây dựng tại Thượng Hải sẽ không có những hạn chế như vậy, bởi được chế tạo theo dự án mới, thuần tuý Trung Quốc. Trên con tàu sẽ ứng dụng những kết cấu công nghệ tiên về trạm điện, được gọi là động cơ điện tích hợp. Do đó, tàu trạm điện thông thường (phi hạt nhân) sẽ có khả năng mang máy phóng điện từ mới nhất, sáng chế ở Trung Quốc. CHND Trung Hoa sẽ trở thành nước thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ, có khả năng sản xuất máy phóng như vậy.
Tuy nhiên các phi cơ dự định xuất phát bằng máy phóng cần có một số sửa đổi trong thiết kế. Trước hết là liên quan đến gia cố thiết bị hạ cánh phía trước, mà móc của máy phóng sẽ bám vào và phải chịu được tải trọng đáng kể.
Rõ ràng là ngay từ trước khi xuất xưởng tàu sân bay, toàn bộ cơ sở hạ tầng dành cho chuẩn bị phóng sẽ được gắn trên sân bay huấn luyện đang có tại căn cứ mặt đất của Hải quân Trung Quốc, mô phỏng y hệt một boong tàu sân bay. Như vậy, trong những năm còn lại trước khi triển khai hoạt động của hàng không mẫu hạm mới, Hải quân Trung Quốc sẽ có cơ hội huấn luyện các phi công sử dụng cả máy bay huấn luyện chuyên dụng và chiến đấu cơ thực thụ.
Việc đầu tư như vậy vào phát triển các loại phương tiện chiến đấu chuyên dụng cho hàng không trên tàu sân bay cho thấy Trung Quốc dự kiến tiến xa hơn theo hướng xây dựng hạm đội đại dương. Hiện tại được biết Trung Quốc có kế hoạch triển khai không dưới bốn nhóm tàu sân bay tấn công vào năm 2030 (bao gồm cả hai nhóm hiện có), nhưng rất có thể là chương trình sẽ mở rộng và tăng tốc.
Những thay đổi như vậy hoàn toàn phù hợp với chiến lược hiện đại hoá hải quân của Bắc Kinh, vốn đang ngày càng dành nhiều chú ý cho việc sử dụng hạm đội để «bảo vệ các tuyến đường biển của Trung Quốc» trên khắp thế giới và để đảm bảo «quyền lợi của Trung Quốc» ở cả bên ngoài lãnh hải.