Đó là cáo buộc đã chính trị hóa và mục tiêu thiết kế là nhằm làm suy yếu sự hợp tác của Trung Quốc với các nước trong vùng lưu vực sông Mê Kông, - như nhận xét của các chuyên gia mà Sputnik phỏng vấn.
Ông Alan Basist Chủ tịch của «Eyes on Earth» - trung tâm nghiên cứu và tư vấn về khảo sát tài nguyên nước, cùng với đồng tác giả là Claude Williams, vừa đăng tải công trình nghiên cứu về lượng nước chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông trong điều kiện tự nhiên («Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions»). Trong báo cáo xác nhận rằng hồi năm ngoái, Trung Quốc đã hạn chế việc xả nước vào sông Lan Thương (Lanzanjiang). Theo quan điểm của các chuyên gia, động tác này khiến cho mực nước thấp kỷ lục trong dòng chảy sông Mê Kông trên lãnh thổ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, và làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn - mạnh nhất trong 50 năm.
Bình luận về thông tin này, tờ «The New York Times» lưu ý là các nhà khí hậu học người Mỹ đã chỉ ra rằng chính vào thời điểm đó thì Trung Quốc không phải chịu tình trạng thiếu nước. Mức thấp kỷ lục ở trung và hạ lưu sông Mê Kông dường như là do hoạt động của các nhà thủy văn học Trung Quốc, dùng sự trợ giúp của các con đập để hạn chế dòng chảy của con sông.
Những kết luận và bình phẩm đó mâu thuẫn trực tiếp với lập trường mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hồi tháng 2 năm nay tại Viêng Chăn trong cuộc gặp với những đồng nghiệp từ các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông. Ông Vương lưu ý rằng Trung Quốc cũng bị hạn hán theo mùa. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã vượt qua những khó khăn khác nhau để tăng lượng xả nước, - Bộ trưởng Trung Quốc cho biết lúc đó.
Cáo buộc nhắm vào Trung Quốc mang tính chính trị hóa và mục tiêu là nhằm làm suy yếu sự hợp tác của Bắc Kinh với các nước láng giềng theo Mê Kông. Cáo buộc phản ánh sự đối đầu toàn cầu của Hoa Kỳ với Trung Quốc, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của họ trong khu vực, - ông Cát Hồng Lượng (Ge Hunliang), chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Đại học Nhân dân Quảng Tây nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
«Cáo buộc chống Trung Quốc gắn với lỗi vi phạm môi trường sinh thái trong quá trình xây dựng con đập trên sông Mê Kông và hợp tác về phát triển và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực này. Trong khi đó, tại khu vực này, không chỉ Trung Quốc mà còn có nhiều dự án hợp tác đa phương khác với phần tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những lời buộc tội từ phía Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc gắn với sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Chúng tôi thấy rằng đứng sau những cáo buộc này là các Trung tâm phân tích của Mỹ, các viện nghiên cứu của Mỹ. Giáng đòn vào sự hợp tác của Trung Quốc với các nước trong khu vực để phá hoại ảnh hưởng và hình ảnh của đất nước chúng tôi. Với mục đích đó, Hoa Kỳ đang đầu tư tiền bạc để hình thành dư luận xã hội tiêu cực tương ứng xung quanh Trung Quốc. Nhìn chung, cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự cạnh tranh ảnh hưởng của hai nước là rất rõ ràng, dẫn đến hàng loạt cáo buộc khác nhau chống Trung Quốc trong chiêu thức chính trị hóa sự hợp tác của Bắc Kinh với các nước láng giềng».
Một trong những nhà tài trợ cho công trình nghiên cứu và soạn thảo báo cáo của các chuyên gia Mỹ là chương trình «Lower Mekong Initiative» (LMI - «Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông») do Chính phủ Hoa Kỳ cấp kinh phí. Sáng kiến LMI được tạo lập cơ bản sau cuộc gặp chung đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan, diễn ra ngày 23 tháng 7 năm 2009. Đến năm 2012, có thêm Myanmar kết nối vào sáng kiến LMI. Tháng 7 năm ngoái tại Bangkok, trong khuôn khổ cuộc họp cấp Bộ trưởng của ASEAN, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố ý định đẩy mạnh chương trình hợp tác này với Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
Trên thực tế, Hoa Kỳ đã ném ra lời thách thức với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lưu vực sông Mê Kông. Chính khi đó, với ý định hồi sinh LMI, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ví von một cách cay độc rằng quyền kiểm soát khu vực này giống như cây giò ngon salami mà Trung Quốc hết lần này tới lần khác «cắt» lấy từng miếng. Thực ra chính người Mỹ đã đặt nhiệm vụ đoạt con dao từ bàn tay Trung Quốc để tự cắt lấy miếng «giò» ngon cho mình.
Báo cáo hiện tại của «Eyes on Earth» hoàn toàn phù hợp với tuyến chính trị này, - bà Nadezhda Bektimirova chuyên gia từ Viện Các nước Á-Phi (ISAA) thuộc ĐHTH Quốc gia Matxcơva nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
«Tất nhiên có yếu tố chính trị trong bản báo cáo này, bởi đang tiếp diễn cạnh tranh khốc liệt trong tất cả các lĩnh vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Người Mỹ thường cố gắng mô tả Trung Quốc như là một quốc gia không dành quan tâm cần thiết cho đề tài môi trường sinh thái, đặc biệt là trong những dự án chung với các nước láng giềng. Ý đó cũng hiện hữu trong kết luận của báo cáo, cũng như cố gắng của Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc rằng chỉ theo đuổi lợi ích riêng».
Chuyên gia cũng lưu ý rằng sáng kiến «Lower Mekong Initiative» ở mức độ nào đó dù sao vẫn tính đến lợi ích môi trường của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông. Người Mỹ thậm chí còn dành cho các nước này phần giúp đỡ nhỏ. Nhưng chuyện khác là ở đây hàm chứa nền tảng tư tưởng. Washington sử dụng sự giúp đỡ này như là công cụ mua chuộc hoặc hăm dọa. Giả sử ở nước này hay nước nọ diễn ra điều gì không ổn trong «tiến trình dân chủ hóa» theo cách nhìn của người Mỹ và định nghĩa Hoa Kỳ, thì chương trình hỗ trợ này ắt sẽ bị cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn dưới cái cớ chính trị nào đó.