Thực chất, hành động tổ chức tập trận bắn đạn thật rầm rộ ở Biển Đông để giễu oai, phô trương sức mạnh, cảnh báo Đài Loan hay vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, trong lúc cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch Covid-19 của Trung Quốc bị dư luận thế giới lên án, chỉ trích. Nhiều chuyên gia coi chiến lược tấn công và gây căng thẳng ở Biển Đông của Bắc Kinh thời điểm này là rất sai lầm.
Việt Nam theo sát vụ tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đi vào vùng EEZ
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu quan sát Marine Traffic ngày 14/4 cho thấy, cùng với nhóm tàu hải cảnh hộ tống, tàu Hải Dương địa chất 8 đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).
Theo đó, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xuất hiện trở lại vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158km (98 dặm) và được hộ tống bởi ít nhất một tàu Hải cảnh của Trung Quốc. Đồng thời, cũng theo Marine Traffic, có 3 tàu Việt Nam được ghi nhận di chuyển gần khu vực tàu của Trung Quốc.
Trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/4 cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Biển Đông.
“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, từ tháng 7/2019, Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc.
Ngày 19/7/2019, Việt Nam lần đầu tiên xác nhận việc vi phạm của tàu Hải Dương địa chất 8 với ít nhất 3 lần xâm nhập vùng đặc quyền EEZ của Hà Nội. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Ngày 23/3, Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc xây dựng “hai trạm nghiên cứu” tại khu vực Đá Subi và Đá Chữ Thập, vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đến ngày 2/4, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã có hành vi đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi của Việt Nam gần khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, trong một động thái trước đó ngày 16/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý cũng lợi dụng quảng bá việc ủng hộ Ý chống dịch coronavirus để “thừa cơ” đăng tải bức tranh vẽ bản đồ “đường lưỡi bò”, “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, mặc cho “đường lưỡi bò” này đã bị tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ hồi năm 2016 trong vụ kiện do Philippines đệ trình.
Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương địa chất 8 quay lại EEZ Việt Nam, truyền thông Trung Quốc cũng công bố thông tin nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận, tuy nhiên không cho biết rõ thời gian và địa điểm.
Trung Quốc đang toan tính gì ở Biển Đông?
Sự quay trở lại của Hải Dương địa chất 8 ở Biển Đông diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới đang gồng mình đối phó dịch Covid-19 khiến nhiều chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, vấn đề hàng hải quốc tế và dư luận thế giới đặt ra dấu hỏi về động cơ thực sự của chính quyền Trung Quốc tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Xét về yếu tố khoa học- kỹ thuật, việc đưa tàu Hải Dương địa chất 8 vào những khu vực này nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh thông qua hoạt động khảo sát.
TS Satoru Nagao (làm việc tại Viện Nghiên cứu Hudson) nhận định với Tuổi Trẻ cho rằng, việc khảo sát Biển Đông là một khâu rất quan trọng để Trung Quốc tiến hành triển khai binh lính.
“Trung Quốc hiện thiết lập các cơ sở nghiên cứu trên đảo nhân tạo của họ, và họ biết rõ việc khảo sát này quan trọng như thế nào”, TS Nagao cho biết.
Còn nếu xét về mặt chiến lược, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng thời cơ lúc các nước đangg phải tập trung mọi nguồn lực và sự chú ý để đối phó với đại dịch Covid-19 nhằm giành thế áp đảo trong vấn đề tranh chấp biển đảo.
Theo đó, CNN và nhiều phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đưa ra lập luận rằng, có khả năng Trung Quốc biết rằng dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong thời điểm hiện tại và sắp tới Hải quân Mỹ khó có thể triển khai hoạt động hàng hải, nên chính quyền Bắc Kinh đã ngay lập tức chớp thời cơ nhằm giương oai, “phô trương cơ bắp” và khẳng định chủ quyền trên biển.
Nói về quan điểm này, TS Nagao nhận định rằng, đúng là có việc một số tàu sân bay Mỹ hiện nay không thể hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, và ý định của Trung Quốc hiểu theo hướng này cũng hợp lý nếu xem vai trò của một tàu sân bay mang đậm tính biểu tượng.
Tuy nhiên, theo ông, kể cả có thực như vậy đi nữa, các tàu chiến khác của Mỹ, bao gồm tàu ngầm, vẫn có thể triển khai thực chiến tốt để phá hủy ý đồ của Trung Quốc.
Trong khi đó, TS Collin Koh Swee Lean - nhà nghiên cứu thuộc Chương trình an ninh hàng hải (Mỹ) - khẳng định, tất nhiên Trung Quốc cũng muốn lợi dụng Covid-9 để hiện diện trở lại, tạo ra “mức bình thường mới”, tuy nhiên hiện vẫn còn khá sớm để nghĩ tới điều này.
Vị chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc ắt hẳn chưa quên sự kiện Trân Châu cảng 1941, đại diện cho tâm lý coi thường nước Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng.
“Bắc Kinh đơn giản muốn chứng tỏ họ sẽ không buông lỏng các yêu sách ở Biển Đông. Các cuộc tập trận và những động thái khác như vận hành các trạm nghiên cứu mới trên đảo nhân tạo đều hoàn toàn được tính toán. Sự trở lại của Hải Dương địa chất 8 cũng là một phần trong kế hoạch đó, đặc biệt sau vụ việc ở Hoàng Sa gần đây (vụ đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi - Việt Nam)”, TS Collin Koh cho biết.
Trung Quốc tăng hoạt động ở Biển Đông: Một mũi tên trúng hai đích?
Về nguyên cớ vì sao Bắc Kinh muốn gây căng thẳng ở Biển Đông, Thanh niên dẫn lời nhà phân tích Derek Grossman, Tổ chức Nghiên cứu Rand, Mỹ cho biết, có hai động cơ chính trong các hoạt động quân sự hiện nay của Trung Quốc.
Thứ nhất, Bắc Kinh đang gửi đi một thông điệp mang tính đe dọa đến các bên, tất nhiên bao gồm cả Việt Nam, rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ những gì mà nước này xem là lợi ích.
Ngoài Biển Đông thì thông điệp còn hàm chứa vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Theo vị chuyên gia, nhìn hành trình của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trước khi đến Biển Đông thì đã đi qua vùng biển Hoa Đông, vùng biển ngoài khơi Đài Loan.
“Đây là cách Bắc Kinh đe dọa Đài Loan, vốn đang được lãnh đạo bởi bà Thái Anh Văn có xu hướng cứng rắn trong quan hệ với đại lục. Thêm vào đó, thực tế là Đài Loan đã khá thành công trong việc kiểm soát bệnh dịch Covid-19, trong khi Trung Quốc đại lục bị cho đã phản ứng kém hiệu quả. Điều đó càng khiến cho Bắc Kinh muốn dập tắt những gì có thể xem là “thành tựu” của Đài Bắc - vốn có thể tạo thành động lực lớn hơn trong việc đòi hỏi phân tách khỏi đại lục”, chuyên gia Derek Grossman cho biết.
Động cơ thứ hai, theo nhà phân tích Grossman, suốt nhiều năm qua, định hướng phát triển quân sự của Trung Quốc đều tập trung hướng đến việc tấn công nhằm thống nhất Đài Loan. Định hướng đó lại chủ yếu liên quan đến phần tác chiến của lục quân.
“Từ cuộc chiến tranh xâm chiếm phía bắc Việt Nam vào năm 1979 đến nay, Trung Quốc chưa hề tham gia một cuộc chiến tranh tổng lực nào. Và cuộc chiến này phần lớn chỉ gồm lực lượng bộ binh. Vì thế, Bắc Kinh đang muốn thực hiện nhiều cuộc tập trận trên biển lẫn trên không, với cường độ lớn để nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc. Điều này cũng hỗ trợ cho những thông điệp răn đe mà Bắc Kinh đã truyền đi là sẵn sàng sử dụng quân sự trên biển”, chuyên gia Derek Grossman phân tích.
Chuyên gia Việt Nam nói Trung Quốc đang đục nước béo cò
“Hành động tổ chức tập trận rầm rộ tại Biển Đông hiện nay, sau khi tập trận ở vùng biển Đài Loan cũng như các hành động đâm, bắt giữ tàu cá, cướp cá và ngư cụ của ngư dân Việt Nam gần đây, trong lúc cả thế giới, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ và EU đang oằn mình chống dịch, cũng là những hoạt động của Trung Quốc theo truyền thống đó”, TS. Vũ Thanh Ca bày tỏ.
Với những động cơ gây căng thẳng trên Biển Đông này, Trung Quốc muốn gửi ba thông điệp đến Việt Nam, Đài Loan và một số quốc gia khác ngoài khu vực (chẳng hạn như Mỹ).
Đó chính là, thứ nhất, Trung Quốc đã kiểm soát, giải quyết xong dịch Covid-19 và sẵn sàng tiến hành những hoạt động khẳng định chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông. Thứ hai, Đài Loan và các quốc gia xung quanh Biển Đông đừng nên đánh giá thấp sức mạnh và quyết tâm của Trung Quốc. Thứ ba, với sức mạnh quân sự hùng hậu, Trung Quốc có thể bỏ qua các cường quốc để hiện thực hóa những yêu sách biển, đảo (trái phép) của mình.
Theo Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam, Chính quyền Bắc Kinh cần nhận ra đây là những tính toán rất sai lầm. TS. Vũ Thanh Ca nhấn mạnh, bảo đảm việc duy trì “trật tự dựa trên luật lệ” và thực thi luật pháp quốc tế, an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là quyền lợi không chỉ của các quốc gia xung quanh Biển Đông mà còn là của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc trên thế giới.
“Việc kịp thời lên án Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong lúc đang bối rối đối phó với đỉnh dịch của Mỹ và Philippines là những minh chứng rõ ràng cho điều này”, ông Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 14/4, máy bay tuần tra chống ngầm P-3C của quân đội Mỹ đã bay vào Biển Đông được cho là để theo dõi hoạt động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trong 5 ngày liên tiếp.
Ngoài ra, tại căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam đã có hơn một chục máy bay quân sự xếp hàng trên đường băng, thực hiện hành động chiến thuật “Voi đi bộ” (Elephant walk) nhằm thể hiện sức mạnh quân sự đáp lại động thái trên biển của Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng chiến thuật tác chiến mang đặc trưng Không quân Mỹ đồng nghĩa với việc phô trương sức mạnh trước Trung Quốc một cách mạnh mẽ. Washington muốn để Bắc Kinh thấy được rằng, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục hiện diện quân sự tại những điểm nóng trên Biển Đông, đồng thời sức mạnh quân sự của Mỹ tại đảo Guam không hề suy giảm và “dư sức” để chuẩn bị đối phó với các cuộc xung đột ở khu vực Thái Bình Dương.