Năm Cam, Khánh Trắng: Đường Nhuệ và những kẻ biến chất trong giới chính trị

Rốt cuộc, vợ chồng đại gia Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương là ai mà có thể làm mưa làm gió ở đất Thái Bình? Cũng như vụ Năm Cam, Khánh Trắng, băng đảng giang hồ Đường Nhuệ vươn vòi mở rộng quan hệ với giới chính trị, công an, cán bộ nhà nước, những kẻ biến chất trong hệ thống chính trị.
Sputnik

Chuyên gia tâm lý tội phạm, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, vụ nhóm giang hồ Đường Nhuệ đánh người ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP. Thái Bình ngay giữa ban ngày mà không xác định được bị can là quá vô lý. Quyết định tạm đình chỉ vụ án Cố ý gây thương tích của Nguyễn Xuân Đường do Thiếu tá Cao Giang Nam ký hồi năm 2015 cũng là khó hiểu và thiếu thuyết phục.

Vụ đại gia Đường Nhuệ: Không xác định được bị can là vô lý

Nhóm giang hồ Đường Nhuệ đánh người ngay ở trụ sở Công an mà không ai hay biết, không xác định được bị can để rồi Công an TP. Thái Bình đình chỉ điều tra là quá vô lý và thiếu thuyết phục.

Đường Nhuệ được một số lãnh đạo Công an thành phố Thái Bình chống lưng?

Ngày 16/4, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình có thông báo cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra quyết định khôi phục điều tra vụ án Cố ý gây thương tích liên quan đến Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm.

Trước đó, bà Đinh Thị Lý (sinh năm 1964, trú tổ 4, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) đã có đơn tố cáo đối tượng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ, sinh năm 1971, cũng ở thành phố Thái Bình) đã đánh đập mẹ con bà ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm.

Theo lời kể của bà Lý, ngày 17/11/2014, đối tượng Nguyễn Xuân Đường đưa người đến nhà bà Đinh Thị Lý để đòi tiền. Nhóm giang hồ của đại gia Đường Nhuệ không chỉ chửi bới, uy hiếp, phá đồ đạc trong nhà, mà còn khống chế các nạn nhân để không ai trốn thoát ra ngoài đến sáng hôm sau.

Năm Cam, Khánh Trắng: Đường Nhuệ và những kẻ biến chất trong giới chính trị

Đến ngày 18/11/2014, anh Mai Thế Duy (sinh năm 1988, con trai bà Lý) cùng mẹ và một số người khác lên trụ sở công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình để trình báo sự việc.

Tại phòng tiếp dân, Nguyễn Xuân Đường đã hành hung cả hai mẹ con bà Lý, anh Duy khiến nạn nhân này bị vỡ xương hàm mặt cầu nồi bên phải, phải phẫu thuật điều trị với tỷ lệ thương tật là 15%. Đến ngày 5/1/2015, Công an thành phố Thái Bình mới có quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích nhưng đến tháng 7/2015 lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và hết thời hạn điều tra. Quyết định này được ký bởi thiếu tá Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình khi đó.

Giám đốc Công an Thái Bình lên tiếng vụ bảo kê, chống lưng vợ chồng đại gia Đường Nhuệ

Nhận xét về quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm học, Bộ Công an nhận định trên báo Giao thông cho biết, chuyện xảy ra giữa ban ngày ở trụ sở cơ quan công an, trong giờ làm việc mà không ai hay biết thì quả là không thuyết phục.

“Vụ án xảy ra giữa ban ngày, ngay tại trụ sở cơ quan công an, trong giờ làm việc thì thật khó hiểu khi nói không xác định được bị can. Sẽ rất khó thuyết phục với căn cứ tạm đình chỉ điều tra như vậy. Sự việc đông người tập trung, gây huyên náo như vậy mà một số cựu lãnh đạo đơn vị này nói rằng do họp giao ban không biết sự việc xảy ra ở phòng tiếp dân, tôi cho rằng cần phải xác minh lại”, Trung tá Đào Trung Hiếu nêu ý kiến.

Theo quan điểm của chuyên gia tâm lý tội phạm học, nếu như những gì nạn nhân tố cáo là đúng thì hành vi của Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đủ dấu hiệu cấu thành hai tội Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng.

Theo lý giải của ông Đào Trung Hiếu, nhóm giang hồ Đường Nhuệ “gây rối trật tự công cộng” bởi hiện trường vụ án là trụ sở cơ quan Nhà nước – phòng tiếp dân, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tiếp dân, giải quyết công vụ hành chính và an ninh trật tự trên địa bàn.

“Hành vi đánh người dân tại địa điểm này không chỉ cản trở và làm gián đoạn hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, mà còn gây hậu quả rất nghiêm trọng về chính trị. Cụ thể là gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của lực lượng công an nhân dân”, Trung tá Đào Trung Hiếu nêu rõ.

Nhận định trụ sở cơ quan công an là nơi an toàn, nơi người dân được bảo vệ, tội phạm bị xử lý, theo chuyên gia tội phạm học, hành động tấn công người dân tại địa điểm này thể hiện thái độ ngang ngược, hung hãn, coi thường kỷ cương phép nước, coi thường danh dự, uy tín của lực lượng công an nhân dân. Hậu quả nghiêm trọng ở chỗ làm mất lòng tin của người dân vào khả năng bảo vệ pháp luật của lực lượng này.

“Do đó, nếu không quyết liệt điều tra làm rõ có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Đặt trong bối cảnh cụ thể của sự việc này, dư luận đã rộ lên nghi vấn về sự thiếu trách nhiệm trong công tác điều tra, hoặc có thể có yếu tố dung túng, bao che tội phạm khi tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do thiếu thuyết phục”, chuyên gia Đào Trung Hiếu thẳng thắn.

Ông Hiếu cũng nhận định, dù đến nay chưa có căn cứ nào để xác định có tiêu cực trong điều tra vụ án, mọi việc hạ hồi phân giải, nhưng vì việc tạm đình chỉ điều tra đã gây băn khoăn và phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, nên có thể phải xem xét, thậm chí điều tra độc lập về hành vi tố tụng này, xem có hay không có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, để minh oan cho anh em nếu không có lỗi, hoặc xử lý công minh, nghiêm khắc nếu có sai phạm trên tinh thần không có vùng cấm trong xử lý.

Năm Cam, Khánh Trắng, Đường Nhuệ và những phần tử biến chất trong hệ thống chính trị

Đặc biệt, nêu quan điểm về vụ án của vợ chồng đại gia Đường Nhuệ cùng đồng bọn với vụ Năm Cam hay giang hồ Khánh Trắng (Dương Văn Khánh, kẻ đứng đầu băng đảng tội phạm khét tiếng ở Hà Nội trong chuyên án K596), Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, cả ba nhóm tội phạm này đều có tổ chức, nhưng quy mô tội phạm khác nhau.

“Xét về tầm mức, vị thế, mức độ ảnh hưởng trong giới giang hồ, sự lọc lõi, liều lĩnh trong thủ đoạn phạm tội thì Năm Cam thuộc dạng “ngồi chiếu trên”. Tại Việt Nam, chưa có tổ chức tội phạm nào xếp ngang hàng được với chúng. Năm Cam có vị thế là “trùm của trùm”, quan hệ sâu rộng với giang hồ cả nước. Y đứng đằng sau mọi việc, chỉ ra lệnh hay chỉ đạo cho một đầu mối và qua rất nhiều lớp người trung gian khác nhau mới đến đàn em có trách nhiệm thực thi”, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho hay.
“Trong khi đó, Đường Nhuệ và Khánh Trắng lại trực tiếp nhúng tay vào hành vi phạm tội cùng với đàn em. Cụ thể như Đường Nhuệ trực tiếp đánh người, dẫn quân đi đập phá, thu nợ, thu phế do đó, có thể thấy về mức độ, vị thế trong giới tội phạm thì Khánh trắng và Đường Nhuệ “chưa đến tuổi” để so sánh với Năm Cam”, vị Trung tá khẳng định.

Tuy nhiên, điều đáng nói là băng nhóm của Đường Nhuệ sử dụng vỏ bọc pháp nhân là doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, núp bóng “mạnh thường quân” tích cực làm từ thiện để tạo bộ mặt sạch sẽ nhằm che mắt dư luận.

“Nhóm Đường Nhuệ chú trọng mở ra các mối quan hệ với giới chính trị, cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước để dễ bề làm ăn, thậm chí có thể đã tạo ra những mối quan hệ “cộng sinh” dựa vào nhau mà kiếm tiền với những phần tử biến chất trong cơ quan nhà nước”, chuyên gia Đào Trung Hiếu nêu rõ.

Theo ông Hiếu, dư luận, người dân hãy tin tưởng vào việc xử lý tội phạm của Công an tỉnh Thái Bình. Trước hết, vụ án do Công an tỉnh này chủ động mở ra trước khi dư luận lên tiếng hay nhận chỉ đạo từ cấp trên. Điều đó phản ánh sự tích cực, chủ động của đơn vị này trong trấn áp tội phạm, nhất là từ khi có Giám đốc Công an tỉnh mới.

Ăn tiền cả trên xác chết: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lên tiếng vụ Đường Nhuệ

Đồng thời, ông Đào Trung Hiếu cũng khẳng định, vụ án đã nhận được quan tâm sâu sát của Chính phủ và Bộ Công an. Cụ thể vừa qua Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng liên tục có những yêu cầu, chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình thực hiện trong quá trình làm án.

Hiệp hội hóa thân hoàn vũ Thái Bình nhóm họp sau vụ bắt Đường Nhuệ

Theo thông tin chia sẻ ngày 20/4 từ Hiệp hội Hỏa táng tỉnh Thái Bình, tổ chức này vừa tổ chức một cuộc họp kéo dài khoảng 1 giờ thảo luận về việc tiếp tục đưa các đám hỏa tang từ tỉnh này sang Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (tỉnh Nam Định). Tham gia cuộc họp có sự góp mặt của 32 cơ sở dịch vụ tang lễ.

Cuối cùng, các cơ sở này đồng ý quyết định đưa đón các đám hiếu sang hỏa táng ở Đài hóa thân Thanh Bình (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Thông tin từ ông N.V.V, một chủ cơ sở làm dịch vụ hỏa táng tại huyện Vũ Thư (thuộc Hiệp hội hóa thân hoàn vũ tỉnh Thái Bình), cho biết, gia đoạn 2014-2017, ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long (chủ Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình) đã ủy quyền cho Công ty Thành Phát lập văn phòng kinh doanh tại tỉnh Thái Bình tiếp nhận đăng ký dịch vụ hỏa táng từ các trường hợp thân nhân gia đình có người qua đời.

Theo đó, mức phí đối với mỗi trường hợp hỏa tang là 4,3 triệu đồng do gia đình có người mất chi trả.

“Nhưng không hiểu vì sao sau đó Công ty Thành Phát lại chuyển giao công việc cho ông Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ). Từ đó nảy sinh thêm nhiều vấn đề, trong đó có “luật” phải chi thêm 500.000 đồng/đám cho ông Đường. Vì thế phí cho dịch vụ hỏa tang từ Thái Bình đưa sang Nam Định đã tăng lên”, VTC dẫn lời ông C. cho biết.

Theo thông tin từ cuộc họp của Hiệp hội hóa thân hoàn vũ Thái Bình, các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình thống nhất đề xuất với bên Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (tỉnh Nam Định) giảm giá để họ giảm chi phí cho người dân, đưa dịch vụ trở lại như lúc trước.

Lãnh đạo và Công an Thái Bình lên tiếng vụ bảo kê vợ chồng đại gia Đường Nhuệ

Sau khi Nguyễn Xuân Đường cùng vợ Nguyễn Thị Dương và nhóm đàn em bị bắt tạm giam vì tội “Cố ý gây thương tích”, Đường bị một số đơn vị làm dịch vụ mai táng tỉnh Thái Bình tố cáo thêm hành vi cưỡng đoạt tiền thông qua hoạt động thu tiền bảo kê trong việc đưa người chết đi hỏa táng.

Được biết, từ năm 2017, mỗi trường hợp hỏa táng phải nộp cho Đường “Nhuệ” 500.000 đồng, nếu doanh nghiệp mai táng phản đối thì bị đàn em của Đường hành hung, dằn mặt. Trung bình mỗi tháng, riêng tại Thái Bình có từ 300-400 ca hỏa táng, tuy nhiên do địa phương chưa có đài hóa thân nên thường phải đưa sang các tỉnh, thành lân cận như Hải Phòng, Nam Định.

Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định), cho biết đơn vị của ông từng ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2017, Đường Nhuệ cùng đàn em của mình bắt đầu chèn ép, đánh đập anh N.T.V., nhân viên Công ty Thành Phát, nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.

Đồng thời, Đường Nhuệ cũng yêu cầu các đơn vị này không được làm việc trực tiếp với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (Nam Định) mà phải thông qua "Hiệp hội tang lễ Thái Bình" do Công ty của Đường đứng đầu.

Mọi thông tin về thời gian, địa điểm đưa người đi hỏa táng, các đơn vị dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều phải báo cho nhóm của Đường. Theo đó dựa vào số liệu báo cáo, các công ty tư nhân phải đóng đủ số tiền cho băng nhóm giang hồ này.

Một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình xác nhận quá trình mở rộng điều tra, lực lượng công an đang xác minh, điều tra, làm rõ hành vi thu tiền bảo kê hỏa táng của nhóm đối tượng do Đường Nhuệ cầm đầu.

Thảo luận