Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu báo cáo kết quả bước đầu điều tra vụ án vợ chồng đại gia Đường Nhuệ lên Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ trước thời điểm ngày 30/3.
Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương cùng nhóm giang hồ Công ty Đường Dương ở Thái Bình còn bị phản ánh liên quan đến hành vi bảo kê dịch vụ mai táng, ăn chặn tiền ngay trên xác chết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lên tiếng vụ vợ chồng đại gia Đường Nhuệ
Thời gian gần đây, việc Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương (Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ), ngụ ở 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, Thái Bình) cùng 4 đồng phạm về tội cố ý gây thương tích đang là thông tin được dư luận quan tâm theo dõi.
Qua đó, người dân đánh giá rất cao công tác điều tra, những chiến công ban đầu của lực lượng Công an tỉnh Thái Bình.
Người dân hy vọng cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hàng loạt các hành vi khác, được cho là đã xảy ra trong thời gian dài trước đó của cặp vợ chồng Đường Nhuệ và đàn em ở đất Thái Bình với các hoạt động như cho vay nặng lãi, bảo kê, mua bán bất động sản không minh bạch, thậm chí là ăn chặn trên xác chết.
Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ với báo Tổ quốc cho biết, công việc của ngành công an là đấu tranh với tội phạm nên ngay khi vụ án xảy ra, lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo ngay và liên tục đối với Công an tỉnh Thái Bình. Hiện tại việc điều tra vẫn đang tiếp tục được triển khai. Công tác điều tra được tiến hành một cách khẩn trương, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trước câu hỏi mà dư luận hiện đang rất quan tâm rằng, liệu có vấn đề bảo kê, chống lưng phía sau cho băng nhóm Đường Nhuệ hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết nếu quả thật có tình trạng này sẽ phải xử lý ngay.
“Sự việc đang được điều tra, nếu có tình trạng này sẽ phải xử lý ngay. Người dân có thể đặt ra rất nhiều tình huống nhưng tất cả đều phải làm việc, điều tra theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, người dân có thể đặt ra rất nhiều tình huống nhưng trong công tác chuyên môn của cơ quan công an, tất cả đều phải làm việc, điều tra theo quy định của pháp luật.
“Lực lượng công an đang trực tiếp điều tra các vụ án cần phải chấp hành các quy định trong quá trình điều tra để ngăn chặn tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân để làm sao giảm được tội phạm trong xã hội. Đối với vụ việc đã xảy ra rồi thì phải khẩn trương đấu tranh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Trước đó, một lãnh đạo Công an Tỉnh Thái Bình cũng thông tin, hiện công an đang thực hiện điều tra vụ án. Người này cũng nhấn mạnh, hai đối tượng trong băng nhóm này là những đối tượng rất cộm cán, còn nhiều đàn em của chúng ở bên ngoài nên lực lượng công an phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ phức tạp.
Hiện tại, Công an tỉnh đang tập trung củng cố các chứng cứ liên quan đến vụ án gây thương tích, tiến hành bắt giữ tất cả các trường hợp có liên quan để điều tra, còn những vấn đề, vụ việc khác thì sẽ tiếp tục nghiên cứu sau.
“Vụ việc được phát hiện qua đơn thư tố giác của người bị hại, nhưng thực tế chúng tôi đã có chủ trương, sự chủ động xử lý từ trước”, vị lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình này nói.
Còn về việc liệu có cán bộ chống lưng, bảo kê cho băng nhóm này hoạt động hay không, lãnh đạo công an cho hay, hiện lực lượng công an anh em đang tiến hành điều tra tích cực với tinh thần là làm kiên quyết, đúng pháp luật, tội đến đâu sẽ bị xử đến đấy và chắc chắn sẽ không có ai can thiệp được việc này.
“Dư luận đặt ra giả thiết là có chống lưng, bảo kê cho băng nhóm Đường Nhuệ là có lý nhưng phải chứng minh hành vi xem có việc này hay không nên chưa trả lời được việc này. Hiện anh em đang tiến hành điều tra tích cực với tinh thần là làm kiên quyết, đúng pháp luật, tội đến đâu sẽ bị xử đến đấy và chắc chắn sẽ không có ai can thiệp được việc này”, đại diện Công an tỉnh Thái Bình cho hay.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Không có quan chức bảo kê thì ai dám ngông nghênh?
Liên quan đến vụ việc này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cũng có những chia sẻ đáng chú ý.
Theo Thiếu tướng Cương, việc một số quan chức tỉnh, lãnh đạo các các Bộ ngành bảo kê cho doanh nhân, công ty tư nhân trong các hoạt động làm ăn, kinh doanh là không hiếm.
“Bởi nếu không có quan chức bảo lãnh thì ai dám ngông nghênh?”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu vấn đề.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), trên thực tế, một số vụ việc có tính chất bảo kê cũng đã được đem ra xử lý, gần đây nhất là vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê của cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát ông Phan Văn Vĩnh, và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50.
“Còn đối với băng nhóm Đường Nhuệ, tôi đặt câu hỏi là tại sao những nhân vật này hoạt động công khai như: cho vay nặng lãi, bảo kê, mua bán bất động sản không minh bạch trong thời gian lâu như vậy mà không bị xử lý sớm?”, Thiếu tướng Cương nêu nghi vấn.
“Theo tôi, vụ việc xảy ra trên địa bàn quận huyện, hoặc tỉnh thì phải xác định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình phải có trách nhiệm chỉ đạo cấp dưới xem xét, xử lý việc này”, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) lưu ý.
Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ Đường Nhuệ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, theo phản ánh của các cơ quan báo chí, đối tượng Đường Nhuệ, tức Nguyễn Xuân Đường, trú tại thành phố Thái Bình cùng đồng phạm có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong thời gian qua, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Đây là vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm và hoan nghênh Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng để điều tra đối với hành vi “cố ý gây thương tích” của Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Phòng chống tội phạm của Chính phủ nêu rõ.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng.
“Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật”, đồng chí Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Kết quả điều tra bước đầu phải được báo cáo lên Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ (qua Thường trực Ban Chỉ đạo) trước ngày 30/4 để tập hợp, báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ ăn chặn cả trên xác chết?
Sau khi vợ chồng đại gia Đường Nhuệ (ông Nguyễn Xuân Đường và bà Nguyễn Thị Dương, vốn nổi tiếng ở Thái Bình với hoạt động kinh doanh tín dụng đen, cho vay nặng lãi đòi nợ thuê, bảo kê, mua bán bất động sản, dịch vụ mai táng) bị bắt, xuất hiện hàng loạt đơn tố cáo, phản ánh việc băng nhóm này còn có hành vi “bảo kê dịch vụ mai táng” trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tức ăn chặn ngay trên xác chết, hành vi vô cùng côn đồ và vô nhân đạo.
Cụ thể, kể từ năm 2017, tại Thái Bình có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng phải đóng tiền hàng tháng cho băng nhóm của Đường Nhuệ để thực hiện dịch vụ hỏa táng.
Theo lời kể của bà N.L, chủ một cơ sở mai táng ở thành phố Thái Bình chia sẻ với Thanh Niên, kể từ năm 2014-2016, doanh nghiệp của bà ký kết với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định) do Công ty Cổ phần Hoàng Long làm chủ đầu tư.
Đến cuối năm 2017, hoạt động của doanh nghiệp đều đặt dưới sự điều phối của băng nhóm Đường Nhuệ. Cụ thể, các cơ sở, doanh nghiệp dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều được “chia” khu vực, địa bàn để hoạt động, trong đó, mỗi doanh nghiệp chỉ được thực hiện dịch vụ tại khoảng 10 xã và không được xâm phạm vào lãnh địa của nhau.
Khi đưa một người chết đi thiêu, doanh nghiệp phải báo tên tuổi, thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”, gọi là “báo ca”, rồi định kỳ mỗi tháng 2 lần đóng tiền cho băng nhóm này. Mức thu được ấn định là 500.000 đồng/lần hỏa thiêu.
“Trước đó, họ buộc chị phải ký vào biên bản viết tay thể hiện doanh nghiệp nộp 500.000 đồng cho một thi thể đưa đi hỏa thiêu là tự nguyện làm từ thiện, nhưng họ quản lý, sử dụng số tiền này ra sao thì chị không được biết”, bà N.L cho biết.
Vị này cũng cho rằng, thực chất khoản tiền này là tiền “ăn chặn trên xác chết” bởi sau đó doanh nghiệp làm dịch vụ mai táng phải thu thêm từ thân nhân gia đình người đã khuất ngoài các khoản chi phí theo dịch vụ để nộp cho nhóm Đường Nhuệ.
Theo lời bà N.L cùng nhiều tin nhắn minh chứng gửi cho nhóm “báo ca” của Đường Nhuệ, việc doanh nghiệp phải nộp tiền là theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Đường.
Ban đầu, đích thân đại gia Đường Nhuệ sẽ cùng đàn em đi “gặp gỡ” doanh nghiệp và đe dọa. Sau khi các doanh nghiệp đều phục tùng nghe thep thì đàn em tay sai của hắn sẽ đứng ra quản lý, phụ trách những khâu còn lại.
Cũng giống như bà N.L. ông V.C (đại diện một doanh nghiệp làm dịch vụ mai táng ở Thái Bình) cũng xác nhận từng cầm điện thoại nhận tin nhắn “báo ca” hỏa táng từ các dịch vụ tang lễ để tổng kết và thu tiền giúp nhóm Đường Nhuệ.
“Tôi làm cho Đường 2 lần, tổng kết vào ngày 5 và 20 hằng tháng âm lịch. Mỗi ca hỏa táng, cơ sở mất 500.000 đồng, đến ngày nộp tiền sẽ tổng kết tin nhắn để tính toán, tôi thu giúp Đường 1 lần 82 triệu và 1 lần 83 triệu. Chính tôi hằng tháng cũng phải cầm 45 - 50 triệu đồng của công ty mình đi nộp, việc này có thật vì kế toán xuất hóa đơn ghi rõ “nộp tiền ca”. Ít nhất, mỗi tháng Đường thu được 150 triệu đồng tiền ca, ròng rã trong 2 năm”, ông V.C cho biết.
Bà N.L cũng khẳng định, dù biết phải “phục tùng” băng nhóm Đường Nhuệ là rất vô lý, nhưng không ai dám chống đối.
“Giao nhận tiền chỉ có quyển sổ để báo nhau thôi, bọn chị làm gì có giấy tờ. Bọn chị không bao giờ dám báo sai ca. Sai là chết luôn bởi họ có chân rết để kiểm soát rất chặt. “Vi phạm” lần đầu nó lấy 1 xã, lần 2 không cho làm luôn nên ai dám vi phạm”, bà N.L nhấn mạnh.
Còn về phần ông V.C, vị này cho biết băng nhóm Đường Nhuệ sẵn sàng cho người đi đe dọa, hành hung, đập kính xe mai táng của những cơ sở dám có ý kiến hay không báo ca, hoặc chống đối.
“Họ nói công khai luôn rằng ai làm mà không báo ca thì “treo kèn”, tức là không thể làm nữa. Có nhiều dịch vụ đã phải nghỉ rồi”, ông C. thông tin.
Ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long (đơn vị đang quản lý Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình ở Nam Định), cho biết trong giai đoạn 2016 - 2017, để phát triển địa bàn đã ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long.
Từ cuối tháng 12.2017, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu chèn ép, đánh đập nhân viên, buộc Công ty Thành Phát dừng hoạt động để nhóm của Đường Nhuệ độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.
Cũng theo ông Trần Đình Giao, khi nhóm giang hồ Đường Nhuệ đòi độc quyền nhận các ca hỏa thiêu, ban đầu ông không đồng ý thì lập tức các cơ sở, doanh nghiệp dịch vụ mai táng đã không được vận chuyển thi thể sang Nam Định để hỏa thiêu mà phải dời sang Hải Phòng. Điều này khiến giá dịch vụ hỏa thiêu tăng cao nên nhiều người dân phản ứng.
“Người dân tại Thái Bình phản đối, nói nếu bắt sang Hải Phòng họ sẽ chôn cất, không hỏa táng nữa nên Đường cho họp các dịch vụ tang lễ, nói cho quay lại Nam Định và chúng tôi phải đóng văn phòng”, ông Trần Đình Giao cho biết đồng thời khẳng định đã phản ánh những tố cáo này lên Công an tỉnh Thái Bình để điều tra xác minh.
Với những hành vi “lấy thịt đè người”, “coi trời bằng vung” như vậy trong suốt bao nhiêu năm qua, dự luận đang đặt ra câu hỏi liệu có hay không thế lực đứng ra “chống lưng” cho đôi vợ chồng đại gia này tha hồ lộng hành, làm “trùm” ở quê lúa Thái Bình?