Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II

Chiến tranh thế giới thứ Hai đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử và ký ức của toàn thế giới. Có những người chiến đấu ngoài tiền tuyến, những người khác làm việc ở hậu phương.
Sputnik

Rất nhiều sách và phim kể về chiến công của con người trong cuộc chiến đó, nhưng ít người biết rằng động vật cũng phục vụ trong quân đội và cố gắng hết sức mình để cuộc chiến nhanh kết thúc. Sputnik giới thiệu bài viết về những chú chó anh hùng cảnh báo có mìn, những con mèo và lạc đà theo Hồng Quân đến tận Berlin để chống phát xít.

Những “chiến sĩ bốn chân” đã dũng cảm chiến đấu chống phát xít Đức bên cạnh những người lính Liên Xô: những con ngựa, chó, mèo và lạc đà ấy từng lập nên chiến công và hi sinh vì Chiến thắng.

Ngựa

Theo dữ liệu chính thức, số lượng ngựa trong Quân đội Liên Xô là 1,9 triệu, một nửa trong số đó bị chết trong chiến tranh. Ngựa được sử dụng để vận tải, đặc biệt là trong lực lượng pháo binh. Những đội gồm sáu con ngựa kéo một khẩu pháo, giúp Hồng quân thay đổi vị trí chiến đấu. Ngựa còn kéo xe chở bếp dã chiến, chở thực phẩm để nuôi quân.

Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II

Chó

Là bạn trung thành với con người, chó đóng nhiều vai trò khác nhau trong chiến tranh: chúng là công binh, làm nhiệm vụ liên lạc, phá mìn, cứu thương, trinh sát và canh gác. Những con chó-tải thương đã đưa thương binh ra khỏi mặt trận (khoảng 700 000 Hồng quân Liên Xô bị thương đã được những con chó cứu sống trong chiến tranh). Chó còn mang đạn dược ra chiến trường. Trong các khu rừng và đầm lầy, những con chó tìm kiếm các chiến sĩ bị thương và sủa gọi bác sĩ đến cứu họ. Chó liên lạc có nhiệm vụ quan trọng. Với sự giúp đỡ của những con chó-công binh, các thành phố lớn như Minsk, Kiev, Stalingrad, Warsaw, Vienna, Budapest, Berlin và Prague đã được gỡ sạch mìn của phát xít Đức.

Chó cảm tử

Chiến tranh rất tàn nhẫn, một số con chó được huấn luyện để làm nhiệm vụ độc đáo. Chó diệt xe tăng được huấn luyện để không sợ bò vào dưới những chiếc xe tăng đang di chuyển. Khi làm nhiệm vụ, chúng đeo những chiếc túi đặc biệt đựng mìn, sẽ phát nổ vào thời điểm chó ở dưới xe tăng. Theo cách tàn bạo này, trong chiến tranh, quân đội Liên Xô đã phá hủy khoảng 300 xe tăng Đức.

Mèo

Theo cách riêng của mình, mèo giúp con người trong chiến tranh. Do sự nhạy cảm bẩm sinh, mèo có thể xác định được vụ bắn phá sắp xảy ra, chủ động bày tỏ sự lo sợ của mình và bằng cách như vậy mèo cảnh báo cho chủ về mối nguy hiểm sắp xảy ra.

Ở ngoài mặt trận, một số người lính nuôi mèo trong chiến hào hoặc hầm trú ẩn, và mèo đã cứu họ khỏi loài gặm nhấm, khỏi bệnh truyền nhiễm mà chuột gây ra.

Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II

Mèo đóng vai trò lớn trong giai đoạn thành phố Leningrad bị phong tỏa. Mèo bảo vệ dự trữ thực phẩm và các tác phẩm nghệ thuật của Bảo tàng Quốc gia Hermitage khỏi sự tấn công của chuột. Người ta kể lại rằng có những lần mèo mang con mồi về cho chủ, trong khi chính chúng đang bị đói. Khi ở Leningrad hết thực phẩm dự trữ, chính mèo đã trở thành thức ăn cho con người.

Chim bồ câu

Mặc dù thông tin vô tuyến được sử dụng rất nhiều trong chiến tranh, bồ câu đưa thư vẫn tồn tại. Vào đầu cuộc chiến, thông tin liên lạc có dây chỉ hoạt động ở khoảng cách 3 km, liên lạc vô tuyến – chỉ 5 km và khi thiết bị bị hỏng, chim bồ câu là phương tiện thay thế.

Bộ chỉ huy Đức hiểu được mối đe dọa từ chim bồ câu đưa thư, vì vậy các tay súng bắn tỉa Đức đã tích cực bắn chim bồ câu và thậm chí sử dụng diều hâu cho mục đích này.

Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II

Khi những kẻ phát xít chiếm được thành phố Rostov-trên-sông Đông vào năm 1941 sau những trận chiến khốc liệt, chúng ra lệnh tiêu diệt những con chim bồ câu nuôi tại gia - vào thời kỳ ấy ở Liên Xô có mốt nuôi chim. Chúng sợ người dân thành phố dùng chim bồ câu để gửi thông tin cho quân đội Liên Xô đang đóng quân phía bên kia sông Đông. Cậu thiếu niên 16 tuổi Vitya Cherevichkin đã không tuân theo mệnh lệnh này. Bị bọn phát xít Đức bắt quả tang đang thả chim bồ câu, Vitya bị bắn chết. Bức ảnh Vitya Cherevichkin bị sát hại với con chim bồ câu trong tay, do phóng viên ảnh Liên Xô Max Alpert thực hiện, đã được giới thiệu tại Tòa án Nuremberg trong số các tài liệu ảnh vạch trần tội ác chống loài người của bọn phát xít Đức.

Lạc đà

Trong những trận đánh khốc liệt nhất gần Stalingrad, quân đoàn dự bị thứ 28, được trang bị đại bác, đã được thành lập ở Astrakhan. Tuy nhiên, không thể đưa họ ra mặt trận vì không còn xe tải hay ngựa, nên ban chỉ huy đã quyết định dùng lạc đà thảo nguyên trong khu vực này. Lạc đà nổi tiếng về sức chịu đựng và có thể làm việc mà không cần uống nước trong khoảng hai tuần, không cần ăn trong 30 ngày, vì vậy chúng có thể trở thành những người lính vận tải không thể thiếu.

Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II

Và mặc dù giống như con người, nhiều lạc đà vận tải đã hy sinh trong những năm chiến tranh, hai con lạc đà có biệt danh Masha và Mishka vẫn sống sót và đi vào lịch sử. Cùng với người điều khiển của chúng, trung sĩ Grigory Nesterov, hai con lạc đà đã theo Hồng quân đến tận Berlin. Sau chiến tranh, Masha và Mishka đã xuất ngũ, chuyển đến sở thú Moskva và sống tại đó đến già.

Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II
Những anh hùng bốn chân

Những con vật cứu sống người trong chiến tranh được Vương quốc Anh tặng huy chương “Chúng tôi cũng phục vụ Tổ quốc” (We Also Serve).

Liên Xô không có truyền thống tặng thưởng cho động vật, nhưng vẫn dành ngoại lệ cho một "chiến sĩ bốn chân". Con chó chăn cừu Đức tên là Dzhulbars là chú chó duy nhất được tặng Huân chương Chiến công. Nhờ bản năng tuyệt vời của Dzhulbars, đã tháo gỡ hơn 7 000 mìn và hơn 150 bom trên lãnh thổ Tiệp Khắc, Áo, Romania và Hungary. Dzhulbars cũng tham gia gỡ mìn giải tỏa các cung điện trên sông Danube, các nhà thờ lớn ở Vienna và các lâu đài ở Prague. Người anh hùng bốn chân thậm chí đã tham gia cuộc diễu hành Chiến thắng đầu tiên trên Quảng trường Đỏ vào ngày 24 tháng 6 năm 1945. Không lâu trước cuộc diễu hành Chiến thắng ở Moskva, Dzhulbars bị thương nên không thể đi qua lễ đài trong thành phần trường dạy chó quân đội, vì vậy chỉ huy tiểu đoàn công binh thứ 37, người điều khiển chó rà phá bom mìn, sĩ quan Hồng quân Alexander Mazover đã bế nó trên tay.

Chó, mèo và lạc đà: Chuyện về những “người lính bốn chân” trong Thế chiến II
Thảo luận