Theo kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng (Chiến dịch Barbarossa), quân Đức phải đánh chiếm Matxcơva trong 10-12 tuần đầu tiên của cuộc chiến. Trong những năm cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước và Bộ Tổng tham mưu Hồng quân được đặt tại thủ đô, trong thành phố đã thành lập các đội dân quân bao gồm hơn 160 nghìn người.
Trước khi tấn công vào Matxcơva, Không quân Đức Quốc xã đã tiến hành các hoạt động trinh sát trên cả thành phố và khu vực xung quanh. Vào đêm 22/7/1941, các máy bay Đức đã lần đầu tin không kích Matxcơva. Tiếp sau đó có hai cuộc không kích lớn khác.
Sau đó, tổng số máy bay ném bom tham gia các cuộc tấn công vào thành phố đã giảm. Vào tháng 11 năm 1941, số vụ không kích vào Matxcơva đã lên tới đỉnh điểm - báo động đã được phát ra 45 lần trong một tháng. Nhưng, các vụ ném bom không gây thiệt hại đáng kể cho thành phố. Từ tháng 7 năm 1941 đến tháng 1 năm 1942, chỉ có 229 trong số 7.146 máy bay địch đã xâm nhập không phận thủ đô.
Chiến dịch Typhoon hay Trận Matxcơva
Để đánh chiếm thành phố, quân Đức đã lập kế hoạch tấn công mang mật danh "Typhoon". Theo kế hoạch này, họ đã phát động hai cuộc tấn công lớn vào Matxcơva vào tháng 10 và tháng 11 năm 1941. Khi đó quân Đức đã có ưu thế. Trong chiến dịch tấn công quy mô lớn đầu tiên, Bộ tư lệnh Đức Quốc xã đã sử dụng 74 sư đoàn (bao gồm 22 sư đoàn xe cơ giới và xe tăng), 1,8 triệu sĩ quan và binh sĩ, 1.390 máy bay, 1.700 xe tăng, 14 nghìn đại bác và súng cối. Trong chiến dịch tấn công thứ hai, lực lượnh Đức bao gồm 51 sư đoàn sẵn sàng chiến đấu. Về phía quân đội Liên Xô, có 1,2 triệu sĩ quan và binh sĩ, 677 máy bay, 970 xe tăng và 7.600 đại bác và súng cối.
Điều quan trọng cần lưu ý là, tham gia trận Matxcơva vào tháng 10 năm 1941 - tháng 1 năm 1942, trận chiến khởi đầu cho sự thất bại của Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có những người lính người Việt.
Vào ngày 15 tháng 10, Ủy ban Quốc phòng Liên Xô đã quyết định sơ tán khỏi Matxcơva. Ngày hôm sau, các văn phòng của Bộ Tổng tham mưu, các học viện quân sự, ủy ban nhân dân và những cơ quan khác, cũng như các đại sứ quán nước ngoài bắt đầu sơ tán khỏi thủ đô. Matxcơva bắt đầu gài mìn trên các nhà máy, nhà máy điện và cây cầu.
Vào ngày 20 tháng 10, Ủy ban Quốc phòng Liên Xô đã ban bố tình trạng giới nghiêm ở Matxcơva và vùng ngoại ô. Nhiệm vụ bảo vệ các lối tiếp cận thủ đô được giao cho chỉ huy Phương diện quân Tây, Tướng Zhukov (sau này là nguyên soái Liên Xô, vị chỉ huy xuất sắc, người anh hùng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại), và nhiệm bảo vệ Matxcơva được giao cho Trung tướng Artemiev, tư lệnh quân khu Matxcơva.
Tham gia chiến dịch phòng thủ Matxcơva đã có nhiều thành phố và làng mạc dọc theo tuyến tấn công của quân Đức. Đã có lúc cuộc tấn công của Đức gây ra cơn hoảng loạn trong thành phố - kẻ thù đến rất gần thủ đô. Nhưng, vào ngày 5 tháng 12 năm 1941, Hồng quân đã phát động cuộc phản công trên toàn bộ mặt trận gần Matxcơva, đồng thời tiến hành một số đợt tấn công thành công trên tiền tuyến.
Kết quả của những trận đánh ác liệt kéo dài hơn 200 ngày, quân địch đã bị đẩy lui khỏi Matxcơva 80-250 km về phía tây. Sự kiện này đã củng cố tinh thần chiến đấu của toàn thể nhân dân Liên Xô và Hồng quân, xua tan huyền thoại về sức mạnh bất khả chiến bại của đội quân Đức và là một bước ngoặt trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
“Trong trận Matxcơva, Hồng quân lần đầu tiên sau sáu tháng chiến tranh đã làm cho Cụm tập đoàn quân chính của quân Hitler bị thảm bại. Đây là chiến thắng chiến lược đầu tiên của chúng tôi trước quân đội Đức Quốc xã. Trước đó, Lực lượng Vũ trang Liên Xô đã thực hiện một số chiến dịch lớn, làm chậm bước tiến của quân Đức theo cả ba hướng chính của cuộc tấn công. Tuy nhiên, các chiến dịch đó thua kém về quy mô và kết quả so với trận chiến vĩ đại ở ngoại ô thủ đô Liên Xô”, - Nguyen soái Georgy Konstantinovich Zhukov ghi nhận trong hồi ký.
Cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ
Cuộc duyệt binh vào ngày 7 tháng 11 năm 1941 trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva đã có tầm quan trọng lớn để nâng cao tinh thần chiếu đấu của cả nước.
Vào những ngày đó, các chiến sĩ Hồng quân đang tham gia các trận đánh ác liệt ở ngoại ô thủ đô, các máy bay ném bom của Đức không kích thành phố, và khắp đất nước lan truyền những tin đồn về việc các nhà lãnh đạo cao nhất đã rời khỏi thủ đô.
Stalin và các thành viên của chính phủ Liên Xô đứng trên bục của Lăng Lenin. Cuộc duyệt binh chỉ kéo dài 25 phút, từ Quảng trường Đỏ những người lính đã tiến thẳng ra mặt trận chiến đấu.
Cả thế giới đã nghe buổi tường thuật trực tiếp từ Quảng trường Đỏ về lễ duyệt binh, và mọi người đã thấy rõ ràng: Matxcơva không chịu đầu hàng, quân đội có tinh thần chiến đấu cao.
Va vào ngày 24 tháng 6 năm 1945, trên Quảng trường Đỏ đã tiến hành cuộc duyệt binh huyền thoại nhân dịp Chiến thắng của Liên Xô trước nước Đức phát xít trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tổng tư lệnh tối cao Iosif Stalin đã thông qua quyết định này vào tháng 5 năm 1945, ngay sau Ngày Chiến thắng.
Vì hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến đấu, 36 nghìn người bảo vệ thành phố đã được trao tặng các huân huy chương, và 110 người đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Huy chương “Vì trận phòng thủ Matxcơva” được trao cho hơn một triệu binh sĩ.
Theo sắc lệnh ngày 8 tháng 5 năm 1965, Matxcơva đã được trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng vì sự dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.